Thị trường

Xuất khẩu rau quả ước đạt 7,5 tỷ USD, Trung Quốc chiếm tới 70%

DNVN - Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD. Riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng.

Xuất khẩu rau quả - Điểm sáng kinh tế Việt Nam / Xuất khẩu rau quả với nhiều gam màu sáng

Chia sẻ tại hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc với chủ đề “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” chiều ngày 12/11, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ rau quả Trung Quốc ngày càng rất lớn, nhất là các loại trái cây vùng nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế.

Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây. Ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen.

“Kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, riêng Trung Quốc là 3,63 tỷ USD chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Năm 2024 dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng”, ông Nguyên cho biết.

Cũng theo ông Nguyên, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, giá thành hợp lý, đây là điểm mạnh của rau quả Việt Nam. Cùng đó, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu.

Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam.

Các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có rất nhiều đối thủ cạnh tranh từ các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chi Lê, Peru, Ecuador. Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được yêu cầu này.

Bên cạnh đó, quy định về vệ sinh thực vật và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

“Việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối tại Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ bởi đa số hàng rau quả Việt Nam được bán cho thương lái nhỏ lẻ của Trung Quốc tập trung nhiều ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt chưa thâm nhập sâu vào thị trường sâu trong nội địa và các tỉnh, khu vực phía Bắc Trung Quốc”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Để tận dụng tối đa tiềm năng và vượt qua các thách thức, ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc. Qua đó, có biện pháp đối phó hoặc điều chỉnh lịch sản xuất xuất khẩu hàng của Việt Nam, tránh bị cạnh tranh như thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu.

Đồng thời, cần đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo dựng hình ảnh tốt cho sản phẩm rau quả Việt Nam trên thị trường Trung Quốc nhằm chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm rau quả Việt Nam.

Không chỉ tập trung vào một vài loại trái cây, rau quả xuất khẩu của Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, kể cả sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng về mẫu mã và xuất xứ. Do đó, Chính phủ cần đàm phán và ký kết các nghị định thư với Trung Quốc giúp doanh nghiệp mở rộng thêm mặt hàng xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - chuyên viên Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất, tiêu thụ đến 90% vải thiều và 80% thanh long của Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu.

Cùng đó, cần tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì truy xuất nguồn gốc; xúc tiến tích cực vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc. Ngoài việc xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Trung, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.

“Doanh nghiệp cần chú trọng khai thác thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Các địa phương cũng cần thay đổi thói quen tận dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới trong buôn bán lớn nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển dịch từ tiểu ngạch sang chính ngạch”, ông Kiên khuyến nghị.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm