Xuất khẩu thủy sản: Hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD
FED giữ nguyên lãi suất cơ bản / Cục Thú y đề nghị tháo gỡ bất cập "1 lô hàng nhập khẩu cần 2 giấy chứng nhận"
Đây được xem là điểm sáng của ngành nông nghiệp và kỳ vọng thủy sản tiếp tục tạo ấn tượng trong năm 2019 với mục tiêu xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.
Tăng trưởng nhưng vẫn lo
Xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay dù tăng, nhưng gần đây giá cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục sụt giảm khiến doanh nghiệp và nông dân lo lắng. Nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL cho biết, giá cá tra mà các nhà máy mua vào đã sụt xuống mức 23.500 - 24.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 5.500 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2019. Với mức giá này hầu như người nuôi không có lãi mà chỉ hòa vốn.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá cá tra sụt giảm như tình hình xuất khẩu bị chậm lại; sản lượng cá tra còn nhiều nên nhà máy chưa mạnh dạn mua… Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi thận trọng, không mở rộng diện tích, tăng sản lượng ào ạt lúc này nhằm tránh nguy cơ thừa nguyên liệu khiến giá rớt thêm.
Thu hoạch tôm ở ĐBSCL
Cùng với cá tra thì tôm là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu thủy sản. Hiện giá tôm sú loại 30 con/kg dao động khoảng 300.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg khoảng 80.000 đồng/kg… về cơ bản người nuôi có lãi. Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết: “Trong năm qua, cả nước thả nuôi hơn 736.000ha tôm nước lợ, tăng 3% so cùng kỳ; tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2018 chỉ đạt 3,6 tỷ USD (giảm 7,8% so cùng kỳ).
Ngành tôm của nước ta chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh; đồng thời chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia…”. Theo ông Như Văn Cẩn, còn nhiều khó khăn vây quanh ngành hàng tôm cần nhanh chóng tháo gỡ như tôm giống đóng vai trò quan trọng nhưng nước ta chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chủ động cung ứng giống; đồng thời chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh.
Giá thành sản xuất tôm ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực bởi thức ăn cho tôm chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất (65% - 70%), nhưng thức ăn phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài; tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn xảy ra làm ảnh hưởng uy tín; công nghệ nuôi còn hạn chế dẫn đến năng suất thấp; cơ sở hạ tầng yếu, hệ thống thủy lợi đang dùng chung với nông nghiệp nên dễ xảy ra ô nhiễm, dịch bệnh cho tôm nuôi...
Các doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý, việc cạnh tranh thương mại đang ngày càng khốc liệt; thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam luôn bị các rào cản kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, chương trình SIMP (giám sát nhập khẩu thủy sản) của Hoa Kỳ; giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp; nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, gây khó cho xuất khẩu tôm.
Dồn sức tháo gỡ khó khăn
Dù khó khăn, tuy nhiên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, năm 2019 xuất khẩu thủy sản sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 10 tỷ USD; trong đó mặt hàng tôm và cá tra đóng vai trò quan trọng.
“Để ngành hàng tôm bứt phá hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD trong năm 2019, đóng góp lớn vào xuất khẩu thủy sản thì ngành chức năng, doanh nghiệp… cần tập trung nhiều giải pháp như tăng cường chế biến xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng không bị áp thuế chống bán phá giá, đáp ứng tốt nhất chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ nhằm tạo sự khác biệt so với các nước xuất khẩu khác. Đối với thị trường châu Âu nên chia thành 2 xu hướng tiêu thụ là khu vực Nam Âu và Đông Âu không có nhu cầu cao về sản phẩm tôm có chứng nhận ASC; trong khi các khu vực còn lại nên lựa chọn tôm đạt chứng nhận ASC nhằm cung ứng phù hợp để đạt giá trị xuất khẩu tốt nhất. Riêng Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng của tôm Việt Nam, vì vậy cần định vị lại theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều các sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; do đó cần đa dạng quy cách chế biến, phương thức xuất khẩu, đẩy mạnh việc xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các thành phố lớn để tăng kim ngạch ở thị trường Trung Quốc…”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh. Cũng theo ông Trương Đình Hòe, chúng ta cần tận dụng tối đa lợi thế FTA nhằm đưa EU trở thành thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng tôm Việt Nam với kim ngạch 1 tỷ USD; bên cạnh đó nhóm 5 thị trường khác là Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia, tập trung bán các sản phẩm tôm đạt 3 tỷ USD; được vậy xem như chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng tôm năm 2019 đạt kế hoạch.
Chế biến tôm xuất khẩu tại một đơn vị
Đối với cá tra, tuy giá hiện tại có sụt giảm, thế nhưng các nhà chuyên môn đánh giá cá tra Việt Nam đang đi vào quỹ đạo phát triển ổn định. Theo đó, các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại ở một số nước đưa ra, nhưng không có dấu hiệu đi xuống của thị trường tiêu thụ. Ngay cả các biện pháp áp thuế phá giá ở thị trường Hoa Kỳ cũng chỉ là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang tăng.
Từ những cơ sở đó, Bộ NN-PTNT kỳ vọng xuất khẩu cá tra 2019 cố gắng cán đích 2,4 tỷ USD (tăng 12% so năm 2018). Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc CTCP Nam Việt, cho biết: “Năm qua, giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ cao kỷ lục 5 - 6 USD/kg, đây là thành quả kiên trì phấn đấu nhiều năm. Song, không vì thế mà chúng ta mở rộng diện tích, tăng mạnh sản lượng trong năm 2019. Để thắng lợi thì chỉ nên cung ứng cá tra ra thế giới vừa đủ hoặc thiếu một chút so với nhu cầu thị trường, như vậy sẽ giữ được giá tốt.
Làm được điều này cần dự báo thị trường chính xác, sự điều hành hợp lý của ngành chức năng và liên kết chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp…”. Ông Doãn Tới đề nghị nên tăng cường chế biến nhiều sản phẩm cá tra phi lê, cá tra xẻ bướm cỡ nhỏ… nhằm đa dạng thị trường tiêu thụ; nhanh chóng khôi phục lại thị trường EU và mở rộng thị trường mới như Ấn Độ... Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam ra thế giới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành hàng cá tra đang phát triển tốt, từ người nuôi đến doanh nghiệp xuất khẩu đều hiệu quả. Sản phẩm cá tra ngày càng đa dạng với hơn 80 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm giá trị cao. Để phát triển bền vững cần tập trung đầu tư công nghệ mới nhất từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu. Đối với con tôm cần hình thành chuỗi khép kín. Tăng cường quy tụ nông dân vào HTX hoặc tổ hợp tác để liên kết doanh nghiệp; từ đó giảm dần canh tác nhỏ lẻ hướng tới mô hình sản xuất lớn... |
End of content
Không có tin nào tiếp theo