Kỳ bí chuyện hang đá cứ giậm chân là nước tuôn trào ở Hòa Bình
Các cụ cao niên nhất trong bản Nghê bảo, Mó Hốc là do Giàng ban tặng cho bà con vào những năm hạn hán nhất. Chẳng thế mà người dân nào khát nước, đi qua Mó Hốc chỉ cần thành tâm đọc câu thần chú và giậm chân 3 lần là nước ở trong núi đá đổ ra như thác. Đến giờ cũng vậy Giàng vẫn thương bà con người Mường, người Tày nơi đây.
Mó Hốc bí ẩn đến nỗi, các chuyên gia Liên Xô khi đó đang thi công Thủy điện Hòa Bình cũng lặn lội luồn rừng tìm lên nghiên cứu. Nghe đâu bằng những phương pháp nghiên cứu về địa chất khoa học hiện đại nhất thời bấy giờ mà đoàn chuyên gia kia vẫn lắc đầu không lý giải được điều bí ẩn đó. Họ thừa nhận, trên thế giới chưa từng gặp hiện tượng như thế ở mó Hốc.
Quà tặng của của Giàng
Đồng Nghê (Đà Bắc, Hòa Bình) là xã xa xôi nhất xứ Mường. Để lên được nơi “khỉ ho cò gáy” đó có thể đi theo đường bộ và đường thủy. Nếu đi theo đường thủy từ bến sẽ mất trọn một ngày mới đến nơi. Đường bộ cũng vậy, loanh quanh cũng mất một ngày.
Sau cả ngày chạy xe chúng tôi cũng tới được nơi mình cần tới. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những dãy núi đá cao chất ngất từng không. Núi nào cũng tạo vách thành dựng đứng soi mình xuống dòng Đà giang. Người dân nơi đây sống chung với đá. Cây ngô, cây lúa trên nương của bà con được tra trên những khoảnh đất ít ỏi trên sườn dốc. Những mái nhà sàn quen thuộc của bà con người Mường cũng mọc lên lố nhố dưới đá.
Dưới thành phố Hòa Bình trời nóng như đổ lửa nhưng lên tới nơi này khí hậu mát mẻ lạ thường. Người dân còn phải mặc thêm tấm áo khoác mỏng khi đi đêm cho bớt lạnh.
Loanh quanh hỏi đường mãi, chúng tôi mới tìm được nhà già làng Xa Văn Thanh. Tiếng là già làng nhưng ông Thanh mới ngoài 50 tuổi. Lúc chúng tôi đến ông vừa đi nương về. Biết có khách đến chơi, ông đã “hạ lệnh” cho vợ thịt gà khoản đãi.
Khề khà câu chuyện, ông Thanh bảo, lâu lắm rồi mới có khách lên chơi. Ở nơi khỉ ho cò gáy này hiếm người miền xuôi lắm. “Chắc nhà báo lên đây là có công chuyện rồi. Việc làng, việc bản cứ từ từ, phải làm đôi chén rượu cho ấm bụng, cho vững đôi chân đã”, nâng chén, ông Thanh lắc lư nói.
Sau vài chén nhập mâm, tôi mới dám hỏi già làng về mó Hốc bí ẩn của xóm. Tợp nốt chén rượu ngô, ông Thanh mới cho hay: “Chuyện về mó Hốc hay còn có tên khác là mó Gọi dài lắm, nhà báo nghe cả đêm chưa chắc đã hết chuyện đâu!”, ông Thanh chia sẻ.
Để ý, cứ khi nhắc tới mó Hốc ông Thanh luôn tỏ thái độ hết sức thành kính. Theo ông Thanh thì mó Hốc có từ bao giờ chưa ai biết, chỉ biết rằng người Mường, người Tày định cư ở đây đã có rồi. “Cái mó nước đó lạ lắm, bất cứ một người dân nào khát nước đi qua, chỉ cần đọc câu thần chú “ông ơi, tôi khát nước quá, cho tôi xin tý nước đi” và vừa nói vừa giậm chân mạnh xuống đất 3 lần thì chỉ vài phút là nước từ trong núi đá cứ thế tuôn trào ra. Ai uống nước xong cũng cám ơn trời đã ban tặng rồi đi. Từ bao đời nay, con cháu người Mường luôn bảo ban nhau câu thần chú nhiệm màu đó. Vì sao mó nước đó lại hiểu tiếng người ngay cả già làng cũng từng nhiều lần thắc mắc, các cụ đều bảo đó là do Giàng ban tặng cho cư dân Mường nơi đây”, ông Thanh kể.
Theo ông Thanh thì chuyện về mó nước kỳ lạ trên gắn liền với một sự tích đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi. Ngày xửa ngày xưa nơi này rừng già còn trải dài vô tận, cây cổ thụ vài người ôm mọc sát chân nhà sàn. Thú hoang nhiều vô kể, đêm đêm hổ báo còn vào gầm sàn bắt trộm trâu bò của bà con. Sống ở nơi miền rừng, nên người dân nơi đây rất biết ơn đại ngàn. Rừng cho cây để làm nhà, cho củi đun, rừng giữ đất giữ nước. Suối nguồn quanh năm tuôn chảy nên người Mường mới có câu “lợn bưng nước vác”.
Ấy thế mà vào một năm nọ, suốt cả năm ông trời không cho mưa. Khắp mặt đất là một màu héo úa của cây cối. Suối cạn khô, trơ đá cuội. Trâu bò đói khát lăn ra chết hàng loạt. Người dân héo hon vì khát. Nếu hạn hán mà kéo dài thêm một thời gian nữa, chắc không ai sống nổi. Khi đó bà con trong bản mới họp nhau lại tổ chức dâng lễ cầu khấn mong ông trời thương tình cho mưa xuống “lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm”....
Lời khẩn cầu của bà con người Mường khi đó như thấu đến trời xanh. Đêm hôm đó, Giàng đã báo mộng cho già làng một việc rất lạ. Sáng ra già làng kể lại giấc mơ đêm qua cho bà con. Giàng không cho mưa mà chỉ bảo già làng ra đứng trước cái mó nước ở đầu bản, cạnh đó có gốc cây đinh cổ thụ. Khi nào đi đến nơi chỉ cần đọc câu thần chú “ông ơi, tôi khát nước quá, cho tôi xin tý nước uống đi” và Giàng cũng không quên dặn lại là khi đọc thần chú phải giậm chân mạnh 3 lần xuống đất.
Khi đó bà con sắp chết khát cả nên đã theo giấc mơ của già làng mà nhanh chóng đến đúng địa điểm có gốc cây đinh hương to bằng cả gian nhà ấy. Với một tấm lòng thành kính, già làng đọc đúng câu thần chú trời ban ấy. Những giây phút nặng nề trôi qua, hàng trăm người dân chăm chú trông vào hốc đá. Lạ kỳ thay, lời của già làng vừa dứt, bỗng nhiên bà con nghe thấy tiếng nước chảy róc rách trong lòng núi. Và, chỉ lát sau, không biết từ đâu, nước cứ ào ào tuôn ra như lũ vậy. Chừng một giờ sau, khi người dân thỏa thê uống, thỏa thê tắm mát, nước mới ngừng chảy. Hang đá lại khô cạn như ban đầu.
Từ hôm đó, hễ ai khát nước là lại ra mó Hốc thành tâm cầu khấn là nước trong lòng núi lại tuôn về. Nhờ có mó nước thần kỳ đó mà người Mường, người Tày nơi đây đã qua được cơn hạn hán. Và, suốt từ đó cho đến nay, trời đất đã trải qua bao lần biến chuyển, bao thế hệ người Mường sinh ra và lớn lên ở đất này đều được dạy bảo câu thần chú nhiệm màu đó. Cho đến tận ngày nay, mó Hốc vẫn tiếp tục cho nước, nếu như người dân cần.
“Câu chuyện về Giàng báo mộng không biết thật hư thế nào nhưng đến hôm nay, chúng tôi ra mó Hốc gọi, nước vẫn cứ tuôn ra như suối ngàn… Đây quả là một điều lạ lẫm với bất kì một ai khi đến đất này”. Già làng Thanh khép lại câu chuyện đầy thần bí về mó nước bản mình.
Chuyên gia Liên Xô cũng cúi đầu trước hiện tượng lạ lùng
Chúng tôi đem chuyện mó nước thần kỳ ấy tới gặp ông Xa Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê. Theo ông Mạnh thì người Tày là những cư dân đầu tiên định cư trên mảnh đất này.
Cũng là người xóm Nghê, nơi có mó nước lạ lùng đó, ông Mạnh kể, từ thời còn để chỏm, ông hay đi đuổi trâu qua mó Hốc. Vào những ngày nắng nóng, ông và đám trẻ trâu thường xuyên vào mó xin nước uống. Đám trẻ trâu cùng đồng thanh đọc câu thần chú mà các cụ trong bản chỉ dạy. Lần nào gọi cũng được Giàng ưng thuận. Duy chỉ có một điều các cụ căn dặn lớp con cháu là khát nước thật hãy gọi, không được gọi đùa và khi nước chảy ra là phải uống nếu không trời giận, không cho nước nữa.
Cũng theo ông Mạnh, trước đây năm nào các cụ trong bản cũng sửa một cái lễ, gồm một con lợn, một chum rượu để vào ngày cuối cùng của năm dương lịch mang ra trước mó Hốc đặt dưới gốc cây đinh cổ thụ tổ chức tế lễ. Người thầy cúng trong bản chịu tránh nhiệm lễ. “Việc này thể hiện lòng biết ơn với trời, với đất, với thần rừng, thần núi đã mang lại cuộc sống, ấm no hạnh phúc cho bà con. Cầu cho mưa thuận gió hòa, cho cây lúa nhiều hạt, cho cây ngô có bắp, cho bản trên, bản dưới sống hòa thuận…”, ông Mạnh cho biết.
Nhắc tới mó Hốc, người dân nào nơi đây cũng luôn tỏ lòng thành kính. Ông Đinh Công Chi, Trưởng ban Tư pháp xã là chàng rể quý của bản Nghê. Ông lấy vợ và định cư luôn tại bản. Ông luôn tự hào mình là người có may mắn được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này.
Ông Chi kể, cách đây khoảng 30 năm, ông cùng nhiều thanh niên ở bản Mọc lên bản Nghê tập dân quân. Trong lúc nghỉ giải lao, mọi người ngồi dưới gốc cây đinh gần mó Hốc nghỉ ngơi. Giữa trưa trời nắng chang chang, một người trong đội chỉ vô tình bảo, ước gì được ngụp lặn trong làn suối mát lành cho bớt nóng. Lời nói vừa dứt, mọi người nghe thấy tiếng suối chảy róc rách trong lòng núi đá gần đó.
Vốn là người nơi khác nên ông chỉ nghĩ rằng, có thể đó là ảo giác mà mọi người gặp phải. Lát sau, nước ở trong lòng núi đá phun ra ầm ầm thì cả đoàn được phen ta hỏa nhưng chẳng ai kịp chạy nên từ đầu đến chân ướt sũng. Nước phun từ trong núi ra kéo dài 30 phút mới dừng. Sau lần đó, mọi người mới vào trong bản hỏi mới được nghe các cụ kể về mó Hốc linh thiêng.
Câu chuyện về mó Hốc ở bản Nghê hiểu được tiếng người đã lan đi nhanh chóng. Nó đã đến tai những chuyên gia Liên Xô ngày đó đang giúp nước ta thi công Thủy điện Hòa Bình. Nghe kể về mó Hốc bí hiểm quá khiến họ đã cử một đoàn gồm nhiều kĩ sư địa chất, mang theo đủ các phương tiện hiện đại tiến về bản Nghê.
Ngày đó, chưa có đường ô tô lên Đồng Nghê nên mọi người phải đi đường sông rồi luồn rừng hàng tuần trời mới đến. Trước sự chứng kiến của những chuyên gia, già làng bản Nghê đã biểu diễn cách gọi nước ở mó Hốc ra cho họ xem. Trước khi già làng đọc thần chú, qua lời phiên dịch, mấy chuyên gia Liên Xô không tin là có chuyện “hô phong hoán vũ” như thần thoại đó.
Hôm đó, có cả ông Đinh Công Khiên, Trưởng Công an xã (bố của ông Chi) cùng đông đảo cán bộ xã Đồng Nghê chứng kiến. Khi già làng vừa đọc dứt câu thần chú, cả đoàn chuyên gia ngỡ ngàng. Họ còn hiên ngang đứng trước mó để nước phun vào ướt sũng.
Được tận mắt chứng kiến sự kì lạ của tự nhiên này những chuyên gia đó đã rất đỗi ngạc nhiên. Ngay sau đó, đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu địa chất, rồi khảo sát nguồn nước… Thế nhưng, loay hoay cả tuần mà đoàn vẫn không tìm ra được lời giải cho chuyện lạ lùng trên. Cuối cùng họ nhận định, có thể trong lòng núi có một con rùa khổng lồ. Khi mọi người đọc câu thần chú và giậm chân, con rùa đó giật mình rụt cổ lại. Và nước từ trong lòng núi sẽ tràn ra. Họ chỉ giải thích vậy và lấy mẫu 2 chai nước về lại thành phố. Từ đó cho đến nay họ cũng chưa gửi thêm một lời kết luận nào về mó Hốc bí ẩn này.
Người dân nơi đây luôn tâm niệm, đây là món quà của Giàng ban tặng nên họ coi đó là một đặc ân. Với những người nơi khác lần đầu đến mảnh đất này không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh tượng nước ở Mó Hốc tuôn trào.
Anh Châu, người lái máy xúc của đơn vị thi công đường vào bản Nghê đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Hôm đó, anh Châu có nhiệm vụ múc chân đường cũ đi để đổ đá và cát vào lu đường. Khi anh đưa máy tới trước mó Hốc, bỗng nhiên anh thấy nước ở trong lòng núi đá cứ phun ra ầm ầm ngập ngang cả máy xúc. Sợ quá, anh bỏ máy đó chạy thục mạng. Khi tới bản Nghê, anh mới dám dừng lại. Gặp già làng, anh mới hiểu do máy nổ mạnh nên đập vào vách núi khiến nước phun ra.
Cũng ngay hôm đó, biết nơi đó là đất thiêng, anh cùng đơn vị đã sửa một cái lễ nhờ già làng ra cúng. Mặc dù đã lễ tạ thần núi nhưng đơn vị của anh Châu phải vất vả lắm mới làm xong đoạn đường qua mó. Suốt những ngày làm tại đó, mó Hốc liên tục phun nước ra khiến đoạn đường thường xuyên ngập nước.
Tận thấy mó nước diệu kỳ
Nghe bà con nơi đây kể về mó Hốc khiến tôi nóng lòng muốn tận mắt được chiêm ngưỡng mó nước bí ẩn này. Giờ đây bản Nghê đã tách ra làm 2 bản. Mó nước thuộc địa phận của bản Co Lai.
Ông Đinh Công Sơn, Trưởng bản Co Lai đích thân dẫn chúng tôi ra mó Hốc. Đứng từ xa nhìn lại, mó Hốc nằm dưới chân núi đá cao sừng sững, dựng vách thành thẳng đứng. Mó nằm cạnh đường. Trước đây ở khu núi đá này rừng nghiến, rừng đinh cổ thụ mọc phủ kín cả lối đi. Giờ đây trên đỉnh núi đó chỉ còn là cây bụi rậm rạp. Phía trước mó nước cũng chỉ còn vài cây nhỏ.
Lại gần mó nước này, thấy cũng giống như bao mó nước khác ở miền núi đá. Nước từ trong lòng núi rỉ ra mát lạnh. Trên một khoanh đất rộng trước mặt, nước chảy thành vũng, cỏ mọc tốt um tùm. Tiến lại gần cửa mó nước chỉ là những cái hang nhỏ to bằng cột nhà sàn, người không chui vừa. Xung quanh cũng có nhiều hang đá nhỏ đã bị nước bào mòn. Điều này chứng tỏ nước từng phun ra rất nhiều lần ở đây.
Trước cửa hang chính, quan sát, chúng tôi thấy có vũng nước còn đọng lại. Nhìn vũng nước đó, ông Sơn bảo, có người vừa đến xin nước của Giàng. “Trời nắng và khô hanh thế này thì chỉ một ngày là miệng hang khô ngay”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, thời gian gần đây, nước trong mó không tuôn ồ ạt mỗi khi có người gọi như trước đây nữa. Nguyên nhân thì theo ông Sơn, rừng đinh, rừng nghiến quanh mó đã bị chặt phá nên lượng nước trữ trong núi không còn nhiều. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận mưa to thì nước lại tuôn trào như những ngày trước.
Sau cái chắp tay khấn trời đất đầy sự trân trọng, ông Sơn bảo chúng tôi đứng trước cửa hang để đọc chú xin nước về. Làm theo đúng như lời ông Sơn chỉ dẫn, sau 3 lần giậm chân, tôi nín thở chờ đợi việc kỳ diệu khó tin ấy. Và, đúng như những gì dân bản nói, từ trong lòng núi, những âm thanh róc rách ngày một rõ liên tiếp vọng về. Vài giây sau, nước dội về cửa hang, tung bọt trắng xóa. Vũng nước trước mặt chúng tôi khi nãy chỉ xâm xấp mà giờ đã tràn phè, lênh láng. Hòn đá tôi đánh dấu trước đó còn khô rang mà giờ đã ngập quá nửa. Tiếng róc rách kéo dài chừng 5 phút rồi bặt hẳn.
Ông Sơn bảo, nếu rừng cây mà còn thì nước chảy cả tiếng mới ngưng. “Con người tàn phá thật là ghê gớm! Không biết sau này quà quý của Giàng này có bị mất đi không”, ông Sơn nói đầy lo lắng.
Tận cảnh mó nước xong, ông Sơn dẫn chúng tôi ra chỗ gốc cây đinh cổ thụ. Cây đinh đã bị chặt, ngay cả gốc cây cũng bị đốt cháy xém. Ông Sơn bảo, cây đinh cổ thụ này to lắm, cả chục người ôm không xuể. Cây đinh đã tồn tại cùng với mó nước như là một điều hiển nhiên trong tâm trí của người Mường.
Từ xưa đến nay, chưa ai dám động dao vào thân cây đó. Ấy vậy mà một hôm lão Đinh Công Sơn, người ở xóm Mọc, xã Đồng Nghê nổi lòng tham. Lão thuê người ở nhiều nơi đến hạ cây đinh này. Nghe đâu, tốp thợ chặt 3 ngày mới xong. Lão Sơn chưa kịp hưởng thành quả đã bị trời phạt.
Phấn khởi sau khi hạ được cây đinh to với mấy chục khối gỗ, ngay đêm hôm đó lão đi “mò” vợ của người khác để thỏa cái máu dê của mình. Khi lão chưa kịp giở trò đồi bại đã bị chồng của chị kia bặt gặp. Chưa kịp giải thích thì lão đã bị găm phát đạn súng kíp vào ngực. Lão chết khi chưa kịp bán cây gỗ đinh kia đi.
Cũng ngay trong năm lão Sơn hạ cây đinh, trong bản Nghê đã xảy ra nhiều chuyện chẳng lành. Là cán bộ và trực tiếp chứng kiến những cảnh đó nên ông Mạnh, Chủ tịch xã nắm rất rõ. Ông kể, năm đó trong bản đã có 6 người chết bất đắc kì tử, không rõ nguyên nhân. Lạ hơn là họ không hề có triệu chứng bệnh tật gì và toàn người chết trẻ.
Trong bản liên tục xảy ra những cái chết thương tâm nên già làng phải họp bản lại để tìm cách thoát khỏi kiếp nạn kinh hoàng này. Hôm đó, đứng trước toàn thể bà con trong bản, già làng bảo: “Hỡi bà con kẻ hạ cây đinh đã bị Giàng phạt, giờ đây hậu quả còn liên lụy tới người dân bản ta… Giờ muốn qua tai ương, cả bản phải sửa 1 cái lễ để tạ với thần núi, thần rừng, mong bỏ qua cho những kẻ người trần mắt thịt…”
Từ lần đó, không người dân nào dám động đến một lá cây, ngọn cỏ trước cửa mó Hốc nữa. Bà con nơi đây còn đang quyên góp tiền để xây dựng một ngôi miếu nhỏ phía trước mó để tạ ơn các thần linh, để con cháu người Mường, người Tày nơi đây đời đời tôn thờ món quà quý của đất trời này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Ông xã hơn 17 tuổi khiến Khánh Vân “ngã ngửa” bởi hành động bất ngờ sau hôn lễ
Rầm rộ loạt tin nhắn riêng tư của Đàm Vĩnh Hưng và vợ chồng Bích Tuyền, nội dung gây rúng động MXH
Phan Như Thảo phải cắt túi mật vì giảm cân sai cách, thừa nhận sai lầm vì đẹp mà bất chấp