Hỗ trợ doanh nghiệp

Lách cửa hẹp xuất khẩu, doanh nghiệp nhựa gặp khó

Ủy ban châu Âu vừa đưa ra đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly nhựa, túi ny lông...đồng thời kêu gọi các nước thành viên thu gom 90% các loại chai nhựa vào năm 2025.

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp nhựa Việt Nam cho rằng đề xuất của EC sẽ có những tác động nhất định đến xuất khẩu nhựa Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp đã có những định hướng chuyển đổi công nghệ sản xuất và sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường nhằm giữ vững thị phần xuất khẩu vào châu Âu.

Cửa hẹp cho sản phẩm nhựa thiếu thân thiện môi trường

Đại diện Bộ Công thương Việt Nam cho biết, theo đề xuất mới của EC, các sản phẩm nhựa dùng một lần và dễ thay thế như ống hút, đĩa, thìa, đũa sẽ bị cấm và được thay thế bằng các vật liệu cứng bền vững, thân thiện với môi trường. Song song đó, các nhà sản xuất sản phẩm nhựa trên sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn và phải dán nhãn sản phẩm.

Sản xuất bao bì nhựa tại một đơn vị. Ảnh: Ảnh: Cao Thăng.

Chính phủ và doanh nghiệp cũng có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới người tiêu dùng về những tác hại của rác thải nhựa. Đồng thời, khuyến khích chuyển hướng sang tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường hơn.

Ngoài ra, trong đề xuất lần này, EC cũng yêu cầu vào năm 2025, các nước thành viên phải thu gom 90% các chai lọ dùng một lần.

Riêng các nhà sản xuất sản phẩm chai lọ phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí xử lý số chai nhựa này.

Hiện đề xuất trên còn phải chờ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu thông qua mới có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng đề xuất trên là rất khả thi. Bởi trước đó, Chính phủ Anh đã ra lệnh cấm ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Mặt khác, lý do quan trọng nhất là Trung Quốc đã thực hiện cấm nhập khẩu các sản phẩm rác thải nhựa từ nước ngoài để tái chế.

 

Trong khi đó, EU đang xuất khẩu một nửa số rác thải nhựa thu gom được và 85% trong tổng số đó là xuất sang Trung Quốc.

Không chỉ vậy, châu Âu cũng được cảnh báo là sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm giải pháp xử lý rác thải nhựa khi mà nhiều nước trên thế giới đang và sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa, trong đó có Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ xem xét tình trạng hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa.

Trong ngắn hạn, nguồn nguyên liệu nhựa phế thải có thể giúp một số doanh nghiệp nhựa phát triển nhanh chóng, tăng nguồn nguyên liệu nội địa thứ cấp, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh.

Thế nhưng, về lâu dài, Chính phủ phải đầu tư khoản chi phí khổng lồ để khắc phục hậu quả môi trường, thậm chí có những nguy hại ô nhiễm không thể khắc phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân như là chất dioxin.

 

Chuyển đổi sản xuất xanh - yếu tố sống còn của doanh nghiệp 

Bộ Công thương khuyến cáo, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, doanh nghiệp nhựa phải đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiên tiến và tăng cường tự động hóa. Từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ.

Cao hơn nữa, công nghệ sản xuất nhựa phải đảm bảo tiêu chuẩn như sạch, tiết kiệm năng lượng. Sản phẩm phải thân thiện môi trường, có chất lượng và giá trị gia tăng cao và đặc biệt giá thành phải đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Hiện bộ đang đẩy mạnh kết nối với thương vụ nước ngoài và một số công ty cung cấp thiết bị quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước tiếp cận công nghệ và nguồn nguyên liệu mới. Ngoài ra, bộ xúc tiến tổ chức các hội chợ công nghệ sản xuất nhựa trong nước và quốc tế để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội tiếp cận với công nghệ mới.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng việc xúc tiến tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới là chưa đủ.

 

Hiện cả nước đang có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất nhựa đang hoạt động. Tổng giá trị xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam năm 2017 đã đạt trên 3 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2016.

Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhựa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 12%-15%. Thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Asean vẫn được xác định là thị trường chủ lực của doanh nghiệp nhựa xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không chỉ thị trường châu Âu là hầu hết tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm nhựa không có khả năng tái chế hoặc không thân thiện môi trường.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp nhựa Việt Nam có công nghệ sản xuất lạc hậu và sử dụng nhựa phế thải làm một phần nguyên liệu. Hoạt động sản xuất nhựa cũng đang tiêu tốn nhiều năng lượng và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề tại một số địa phương trên cả nước.

Đa số các doanh nghiệp nhựa lại có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, vốn yếu nên không thể tự chuyển đổi công nghệ sản xuất mới được. Do vậy, nhất thiết phải có những chính sách hỗ trợ vốn đầu tư mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng.

 

Không dừng lại đó, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhựa Việt Nam, cho biết thêm, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy nhanh việc kêu gọi đầu tư sản xuất nguyên liệu nhựa nhằm giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp nhựa.

Mỗi năm, ngành nhựa cần trung bình khoảng 4 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào nhưng nguồn cung nội địa chỉ mới đáp ứng khoảng gần 900.000 tấn. Tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhựa nhập khẩu không chỉ làm cho doanh nghiệp bị động sản xuất khi có biến động giá trên thị trường.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp sản xuất nội không thể tận dụng lợi thế ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu vào những thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Nên đọc
Theo Sài Gòn giải phóng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo