Văn hóa

Làm du lịch kiểu ngược đời

Lẽ ra phải đầu tư xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch để lấy nguồn thu thì các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh ở nước ta lại chỉ nhăm nhăm tăng giá, đẩy du khách ra xa hơn

 Tổng cục Du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị điều chỉnh phí tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn, sau khi nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) lữ hành phản ứng.

 
Trở tay không kịp
 
Trước đó, cuối tháng 12-2014, tại tỉnh Quảng Bình, địa phương này thông báo tăng giá vé động Thiên Đường và hang Mẹ Bồng Con từ 120.000 đồng lên 250.000 đồng, động Phong Nha từ 80.000 đồng lên 150.000 đồng, động Tiên Sơn từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng... Theo các DN lữ hành, văn bản ký ngày 31-12-2014, tới tay các DN ngày 5-1-2015 nhưng áp dụng từ ngày 1-1-2015 khiến các công ty du lịch trở tay không kịp.
 
Du khánh tham quan động Thiên Đường ở Quảng Bình Ảnh: TÂM PHÙNG
 
“Việc tăng giá vé đột ngột dẫn đến khả năng DN lữ hành Việt Nam phải tự bỏ kinh phí ra để đền bù cho du khách. Cả nước đang triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa nên tăng thời điểm này là chưa phù hợp” - văn bản của Tổng cục Du lịch nêu rõ.
 
Theo các DN lữ hành, giá tour thường phải báo cho đối tác trước rồi mới lên kế hoạch, chương trình, đưa lên website để bán cho du khách... Có khi bán tour trước cả năm cho khách ngoại, nay giá vé tham quan các điểm đến tăng mạnh sẽ khiến DN lỗ nặng.
 
Đại diện một công ty du lịch cho biết DN này đã ký hợp đồng với điểm tham quan các động ở Quảng Bình từ tháng 10-2014, sẽ đưa du khách đến vào khoảng tháng 3-2015 nhưng cũng phải trả mức giá vé mới. “Trước khi có văn bản của Tổng cục Du lịch, chúng tôi đã phải... năn nỉ công ty quản lý các hang động ở Quảng Bình cho áp dụng mức giá vé cũ, dù hợp đồng đã ký” - đại diện DN này than.
 
Câu chuyện tăng giá vé tham quan đột ngột, gây sốc cho du khách và DN lữ hành không mới, thậm chí khá thường xuyên ở Việt Nam. Từ đầu tháng 4-2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ chính thức áp dụng mức giá vé tham quan mới cho các lăng, di tích như giá vé vào Hoàng cung Huế (gồm Đại Nội - Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế) là 150.000 đồng/người/lượt, hơn gấp đôi so với mức cũ. Trong năm 2014, hàng loạt các điểm đến ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Ninh Bình, Lào Cai... cũng đồng loạt tăng giá vé, đẩy nhiều công ty du lịch vào thế phải chịu lỗ do áp giá tour cũ.
 
“Trầm trọng và rất đáng lo”
 
Ông Nguyễn Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch tàu biển Tân Hồng, cho rằng việc tăng giá vé của các điểm tham quan không phải do yếu tố chất lượng mà có thể vì kinh tế. Chẳng hạn, du khách đến ít hơn buộc đơn vị quản lý hang động, di tích phải tăng giá để bù đắp. Nhưng với hang động, bản chất là thiên nhiên tạo nên và không có lý do gì cứ năm sau tăng giá hơn năm trước!
 
Theo ông Anh, mới đây, ông đến một DN sản xuất tranh sơn mài ở Tiền Giang nhưng công nhân vắng bóng, cửa hàng không có khách. Hỏi ra mới biết ế ẩm quá nên công ty cho công nhân nghỉ phép hoặc đi học thêm...
 
“Ai thường mua tranh sơn mài? Chủ yếu là khách nước ngoài nhưng năm nay, tôi thấy lượng du khách ngoại đến Việt Nam giảm nghiêm trọng. Nhiều nơi tôi đi qua, nhà hàng khách sạn vắng bóng du khách, xuống cấp mà không có doanh thu để sửa chữa, tu bổ” - ông Anh lo ngại.
 
Nếu những năm trước, Tân Hồng thường đón khoảng 10 đoàn khách tàu biển thì năm nay chỉ còn chừng 7 đoàn, sụt giảm rất mạnh. Đoàn du khách Đức là lợi thế của công ty, mọi năm vào dịp Tết, tìm hướng dẫn viên tiếng Đức mờ mắt, năn nỉ mãi mới có người chịu dẫn đoàn. Năm nay, một lúc có đến 60-70 hướng dẫn viên tiếng Đức xin dẫn tour, mới thấy lượng khách sụt giảm đến mức nào...
 
Không nói lý do cụ thể vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây lại sụt giảm mạnh nhưng phần lớn các công ty lữ hành cho biết tình hình này là “trầm trọng và rất đáng lo”, cần sớm có biện pháp khắc phục. Bởi nếu nói nhu cầu toàn cầu sụt giảm, kinh tế khó khăn nên du khách quốc tế bớt đi du lịch thì tại sao họ vẫn đến Thái Lan, Campuchia, Lào... nườm nượp?
 
Một DN lữ hành tại TP HCM cho biết Siem Reap - Campuchia nổi tiếng là địa danh du lịch, có cả ngàn khách sạn, nhà nghỉ. Thế nhưng vừa rồi, công ty ông đặt phòng cho du khách đến đây nghỉ với giá tới 400 USD/ngày, thậm chí không có phòng.
 
“Phải có vấn đề gì du khách nước ngoài đến Việt Nam mới giảm mạnh như vậy. Có thể đây là hậu quả của một thời gian dài chúng ta làm du lịch theo kiểu chụp giựt, không bài bản nên giờ phải gánh” - vị này nhận định.
 
 
 

 Chưa đúng thời điểm

 
Trước việc các địa phương, DN đặt vấn đề tăng giá vé tham quan, tối 30-1, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đã gửi công văn đến một số địa phương đề nghị chưa tăng giá vé.
 
Theo ông Tuấn, quan điểm của Tổng cục Du lịch là việc tăng giá vé phải có lộ trình và thông báo trước 6 tháng để DN làm việc với đối tác và đưa vào giá thành tour. “Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng giá vé tham quan vì ngành du lịch đang đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức” - ông Tuấn nói.
 

 Góc nhìn:

 
“Chết” vì mạnh ai nấy làm
 
Du lịch gần đây lại “nổi lên” nhưng theo hướng tiêu cực khi một tô mì không thịt ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) được bán với giá 100.000 đồng và du khách người Nhật phải trả bữa ăn khuya ở Bà Rịa - Vũng Tàu tới 22 triệu đồng...
 
Đặc biệt, một sự trùng hợp là trong thời điểm này, một số di tích, danh lam thắng cảnh, kể cả một số công ty du lịch nhà nước được tư nhân mua lại sau cổ phần hóa, cũng đua nhau tăng giá. Chỉ tính riêng các danh thắng ở Ninh Bình đã có năm tăng đến mấy lần, thậm chí không báo trước mà chỉ thông tin trên mạng nội bộ.
 
Những điều này cho thấy ngành du lịch của Việt Nam hiện đầy rẫy vấn nạn và thể hiện một tình trạng hỗn loạn không có người chỉ huy. Ngược lại với chủ trương của Chính phủ, Tổng cục Du lịch kêu gọi kích cầu du lịch là tình trạng mạnh ai nấy làm. Đây là điều tối kỵ bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và cần sự ổn định.
 
Tôi làm du lịch hơn 20 năm và thấy các nước quanh khu vực Đông Nam Á chẳng mấy khi tăng giá. Người ta thu hút du khách bằng nhiều biện pháp, tổ chức nhiều sản phẩm dịch vụ để tìm thêm doanh thu, còn mình không đầu tư gì chỉ chăm bẵm vào chuyện tăng giá, ngay cả đi vệ sinh cũng tốn tiền!
 
Thông thường, một doanh nghiệp muốn tăng giá bán phải chuẩn bị, thông báo rộng rãi và trình bày lý do tại sao, việc tăng giá là chẳng đặng đừng và sẽ cam kết cải thiện chất lượng dịch vụ. Thế nhưng trong ngành du lịch thì muốn tăng là tăng, cũng vì không có một cơ chế quản lý để truy cứu trách nhiệm nên không coi trọng khách hàng.
 
Càng nguy hiểm hơn, tăng giá nhưng lại không tương xứng với tăng chất lượng, thậm chí là chất lượng đi lùi. Về hiệu quả du lịch, chúng ta đang thua cả Lào và Campuchia. Ở Lào, cứ 2 người dân thì có 1 khách nước ngoài;  3 người dân thì có 1 du khách nước ngoài ở Campuchia nhưng tại Việt Nam, 12 người dân mới có 1 du khách nước ngoài.
 
Phải nói thêm, giá tham quan ở Việt Nam hiện nay có thể xếp vào dạng lộn xộn nhất thế giới. Ở các nước, di sản thế giới được xếp theo loại 1-2-3, di sản quốc gia, thắng cảnh vùng..., phân loại như khách sạn. Có khung trần về giá, thống nhất và có một ủy ban nhà nước về giá của du lịch.
 
Còn Việt Nam chúng ta lại giao cho từng địa phương quản lý và muốn tăng là tăng. Đến lúc ngành du lịch phải có một khung chuẩn về giá vé của di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia. Khung vé này cần một cơ quan đưa ra thống nhất, không thể giao cho từng địa phương vì mỗi nơi một kiểu, cũng không thể giao cho tư nhân vì họ sẽ đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
 
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Hội đồng Thành viên Lửa Việt Tour)
Theo Người lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo