Làng cổ Đường Lâm: bảo tồn cùng với cải thiện đời sống của người dân
Đa số nhà khoa học đồng thuận phải bảo tồn cho được Làng cổ Đường Lâm tại tọa đàm sáng 13/6 ở Sở VHTT&DL Hà Nội.
(TPO) - Không có nhà 2 tầng ở vùng 1?
Tọa đàm do Sở VHTT&DL, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, UBND Thị xã Sơn Tây tổ chức, quanh “Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm”. Ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VHTT&DL rào đón, đây là tọa đàm xin ý kiến nhà khoa học chứ “không dám định hướng gì cả”.
KTS. Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói, quy hoạch này khởi động từ năm 2007 và “không nhớ đây là cuộc họp thứ bao nhiêu, nhưng rất cần thiết”. Tổng diện tích quy hoạch 164,2 ha trùng với ranh giới bảo tồn vùng 2. Diện tích khu vực bảo vệ vùng 1- thôn Mông Phụ- là 14 ha.
“Về mặt khoa học, vùng 1 không có chỗ nào xây được 2 tầng cả”, PGS. TS Phạm Hùng Cường, chủ đồ án quy hoạch nói. Dư luận bức xúc vì ngay trong vùng 1 có những nhà không phải nhà cổ. Trước lí luận này, ông Cường cho biết, các nhà quy hoạch phân loại 4 loại nhà: Nhà cổ hoàn chỉnh được xếp hạng di tích có 10 căn.
Loại 2 chỉ còn giữ được nhà chính, nhà phụ đã thay đổi. Một số ngôi nhà xây 2, 3 tầng trước khi làng cổ được công nhận. Loại thứ 4 nhà 2-3 tầng không có kiến trúc cổ. Theo đó, nhà loại 1, 2 cần có chính sách bảo tồn gấp, ưu tiên giãn dân.
Ông Cường nêu 7 giá trị di sản, trong đó có giá trị về cấu trúc, giá trị nhà ở truyền thống; và ý tưởng quy hoạch “muốn giữ trọn vẹn cấu trúc 5 thôn ở vùng 1, về kiến trúc lẫn không gian, chúng tôi nghiên cứu kỹ từng đoạn ngõ nhỏ rồi”. Việc phân loại này giúp ứng xử tốt hơn với di sản. Viện này đề nghị ngoài giữ nguyên trạng khu vực 1, còn đề xuất mở rộng vùng 1 đến Lăng Ngô Quyền.
Theo đại diện Viện Bảo tồn di tích, dù được coi là vùng 2, khu vực này có đến 119 nhà cổ chưa kể các di tích khác, rất cần giữ gìn tôn tạo. Những ngôi nhà 3 tầng cũng cần xử lý, đưa xuống 2 tầng, cao tối đa 10,5m.
Với những nhà không phải cổ, có thể được xây 2 tầng nhưng không được chia nhỏ đất, và kiến trúc phải theo quy hoạch, có khoảng lùi với các ngôi nhà được xếp hạng ở đường liên thôn và liên xã từ 8-15m, trong ngõ sâu tối thiểu là 3m, cao tối đa 10,5m.
Ông Lê Thành Vinh: “Phải làm sao bảo tồn mà vẫn đáp ứng yêu cầu của dân, chứ không thay đổi cách thức bảo tồn. Mở rộng không gian đáp ứng nhu cầu sống khác với nâng độ cao nhà. Quy hoạch không phải là cây đũa thần mà chỉ là hướng dẫn cơ bản. Phải có chính sách hỗ trợ tài chính, Hội An cũng để lại bài học như thế”.
Chú trọng lợi ích cộng đồng và cuộc sống của người dân
GS. Phan Huy Lê cho rằng, dù đây là tọa đàm chuyên về quy hoạch xây dựng, nhưng chỉ bàn về điều này thì chỉ giải quyết vấn đề quản lí nhà nước.
“Xung đột giữa bảo tồn và phát triển không phải do bản chất của di sản, mà do chúng ta là chưa nhận thức đúng. Nếu bảo tồn tốt di sản thì có ý nghĩa lớn cho cuộc sống, nó còn là nguồn tài nguyên đưa lại lợi ích kinh tế. Đừng trốn tránh trách nhiệm cho rằng bảo tồn và phát triển có xung đột”, ông nói.
“Không thể đổ tại dân. Quản lý nhà nước phải nhận trách nhiệm trước dân, do không đẩy nhanh quy hoạch xây dựng nên mới dẫn đến bức xúc hiện nay. Chúng ta có 9 nghìn ngôi làng mà chỉ giữ 2 làng Phước Tích và Đường Lâm. Không giữ được thì còn gì là di sản nữa!”, PGS.TS Đặng Văn Bài phát biểu.
Ông nhấn mạnh: “Phát triển cộng đồng phải có sự đồng thuận, tự quản và có sự tham gia của cộng đồng. Mục tiêu trước hết phải cải thiện chất lượng sống: điều kiện ăn ở, việc làm, tạo sự bình đẳng, tránh sự ghen tị giữa nhà cổ và nhà không cổ. Chúng ta bảo vệ không chỉ là di sản văn hóa, mà đầu tư cho ngành công nghiệp không khói. Như vậy thì tôi tin Đường Lâm sẽ được như Hội An”.
GS. Phan Huy Lê cũng nói, giải quyết sự việc ở Đường Lâm phải có quyết tâm lớn của các cấp, không riêng ngành văn hóa. Không thể chờ quy hoạch xong mới có chính sách, mà nên ưu tiên một số vấn đề cấp bách, cụ thể là bảo tồn. Các nhà khoa học nêu điều quan trọng, muốn thu hút du khách trải nghiệm không gian làng cổ Đường Lâm thì phải giữ trọn vẹn không gian ấy, kể cả trên trục đường dẫn từ vùng 2 vào vùng lõi.
GS Lê nêu quan điểm phải nghiêm chỉnh chấp hành luật di sản: Khu vực 1 phải bảo tồn, không có lý do gì cho xây nhà 2 tầng. “Nếu ta cấp phép 1 lần thì chỉ vài tháng là xóa sổ di sản. Ai chủ trương xây dựng nhà 2 tầng khu vực 1 là vi phạm luật. Nhưng phải giúp người dân giải tỏa bức xúc về chỗ ở, cải thiện đời sống sinh hoạt, mở rộng diện tích xây dựng hoặc phải có kế hoạch giãn dân”- GS. Lê nói.
Toan Toan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đàm Vĩnh Hưng nhận tin sét đánh về vụ kiện, đối diện nguy cơ bồi thường hàng chục triệu USD
Tỷ phú Gerard Williams rút đơn kiện Đàm Vĩnh Hưng?
Ca sĩ Bích Tuyền thách thức luật sư của 'ai đó', ẩn ý về việc chọn bạn mà chơi
Vợ cũ Huy Khánh là ai mà thường xuyên phát ngôn sốc?
Á vương Hoàng Phi Kha lên tiếng về tin đồn sang Mỹ cặp kè với một nam ca sĩ
Châu Bùi phản hồi tin đồn có "tin vui" cùng Binz, tiết lộ sự thật gây chú ý
Cột tin quảng cáo