Hỗ trợ doanh nghiệp

Lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo tái cấu trúc đầu tư công

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo để bắt đầu lộ trình tái cấu trúc đầu tư công.

Thưa ông, có thể khu biệt hiệu quả từ các nguồn vốn là ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi, vốn vay nước ngoài và vốn của doanh nghiệp nhà nước?

 

Rất khó để phân tách nguồn nào đầu tư có hiệu quả cao hơn, nguồn nào đầu tư kém hiệu quả hơn, vì thế, tái cấu trúc đầu tư công phải tái cấu trúc tất cả các nguồn đầu tư dựa trên các yếu tố là lĩnh vực đầu tư, dự án đầu tư, địa bàn đầu tư.

 

Nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ hiện được xem là nguồn vốn đầu tư hiệu quả nhất. Ông có đồng ý với quan điểm đó?

 

Nếu nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu tư thực sự hiệu quả, chắc chắn Quốc hội không giảm vốn đầu tư từ nguồn này trong giai 2011-2015 xuống 45.000 tỷ đồng/năm, thay vì 50.000-60.000 tỷ đồng/năm của giai đoạn trước và chắc chắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bổ sung các công trình, dự án vào Danh mục Dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn này.

 

Ngược lại, trong giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn sau, số lượng công trình dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn bị cắt giảm khá lớn, rất nhiều công trình dự án chưa khởi công đều bị dừng thực hiện, những dự án đã khởi công mà thấy chưa hiệu quả chỉ được đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật mà thôi.

 

Vì vậy, nếu khẳng định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ hiệu quả hơn so với nguồn vốn đầu tư công khác là phiến diện.

 

Theo Bộ Tài chính thì đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA khá hiệu quả vì Việt Nam luôn trả nợ đúng hạn các khoản nợ gốc và lãi?

 

Cũng như đi vay ngân hàng, dù đầu tư kém hiệu quả, nhưng đến hạn vẫn phải cố xoay xở để trả nợ mới mong được vay lần sau, vốn ODA cũng vậy. Chúng ta trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi vay là điều đáng mừng, nhưng phải xem xét kỹ nguồn trả nợ lấy từ đâu: từ việc đi vay trong và ngoài nước; từ nguồn tiền thuế của dân; tiền thu từ sử dụng đất, giao đất hay lấy từ tiền bán xổ số để trả nợ theo kiểu “đau đâu chữa đấy”.

 

Đánh giá hiệu quả đầu tư nguồn vốn này không dễ, vì khoản vay có thời hạn dài và cũng không biết lấy nguồn nào để trả nợ. Tuy nhiên, khác với nguồn vốn đầu tư từ tín dụng ưu đãi và vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA được đầu tư cho nhiều mục tiêu, chứ không chỉ là đầu tư vào các công trình, dự án có hiệu quả kinh tế, như xoá đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải tạo môi trường…

 

Những lĩnh vực đầu tư này được các tổ chức tài chính thế giới đánh giá là Việt Nam thực hiện rất tốt, đạt hiệu quả về mặt xã hội khá cao.

 

Tái cấu trúc đầu tư công đồng nghĩa với cắt giảm đầu tư công kém hiệu quả. Vấn đề đặt ra là, bộ,  ngành nào, địa phương nào khi xây dựng dự án đều chứng minh dự án của mình là cần thiết, phải đầu tư. Theo ông, nên xử lý thế nào?

 

Cơ sở hạ tầng của nước ta còn yếu kém, lĩnh vực nào, địa phương nào cũng cần phải đầu tư, nhưng nếu cứ đầu tư như hiện nay thì biết đến bao giờ chúng ta mới có thể đầu tư xong.

 

Hơn nữa, đầu tư quá nhiều dự án, cơ quan quản lý nhà nước không có đủ thời gian và nhân lực để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và hậu quả là sẽ dẫn tới thất thoát, lãng phí. Vì vậy, tái cấu trúc đầu tư công phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu.

 

Muốn đầu tư vào đâu, vào dự án nào, các bộ, ngành, địa phương phải chứng minh được hiệu quả kinh tế, chỉ có hiệu quả kinh tế mới được đầu tư.

 

 

Theo Báo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo