Lễ bỏ mả - nghi lễ tâm linh của người Ra Glai
Ra Glai – dân tộc có nền văn hóa cổ truyền phong phú
Là tộc người thuộc ngữ hệ Malayo – Polinésien (Nam đảo) ở Việt Nam, người Ra Glai cư trú lâu đời ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, tập trung chủ yếu ở các địa bàn vùng núi và một số ít ở ven biển. Trong thành phần 54 dân tộc Việt Nam, Ra Glai là tộc người chiếm tỷ lệ thấp, nhưng có thể nói đây là dân tộc có nền văn hóa cổ truyền phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị đặc sắc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, như thay đổi về điạ bàn cư trú, giao lưu tiếp xúc với các tộc người… dân tộc Ra Glai đã hình thành nên một nền văn hóa truyền thống mang sắc thái riêng.
Người Ra Glai có một tài sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Sự phong phú và đa dạng thể hiện rõ nhất là ở hệ thống các lễ hội, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, sử thi, truyện cổ tích, câu đố, thành ngữ, tục ngữ,…Trong đó, Lễ hội truyền thống chính là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng Ra Glai luôn bền chặt. Lễ hội cũng là nơi đào tạo lớp nghệ nhân mới, quan trọng hơn nữa nó là cái nôi hàm chứa, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian. Lễ xong là đến phần hội. Bao giờ cũng vậy, khi men rượu cần đã bén là “bùng phát” tất cả các loại hình văn nghệ dân gian của các thành viên trong gia tộc, dòng họ: Diễn tấu thi tài đánh mã la với những bài hay nhất, khó nhất: Ruwe. Poriyu Crao, Atoq pakrup; Dong Tiwan, Dong Sia Sia… diễn ra sôi nổi.
Lễ bỏ mả - nét văn hóa đặc sắc của người Ra Glai
Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác, người Ra Glai quan niệm rằng; trong cõi nhân gian có hai thế giới cùng tồn tại là thế gian của những người đang sống và những người đã mất. Theo tập tục cổ truyền, lễ bỏ mả (còn gọi là lễ bỏ ma) được thể hiện dưới hai hình thức: Bỏ mả cùng lúc với đám tang và bỏ mả có thời gian chuẩn bị, nhưng bỏ mả cùng lúc với đám tang có nhiều thuận lợi hơn.
Lễ bỏ mả cũng tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình. Nhà nào kinh tế khá giả làm lớn, gia đình khó khăn làm nhỏ. Thông thường nghi lễ này được tiến hành trong 3 ngày với các nghi thức khác nhau, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc được truyền lại từ đời này sang đời khác và bảo tồn cho đến ngày nay.
Trong các ngày tổ chức lễ, ngày thứ hai được xem là lễ chính, thu hút hàng xóm láng giềng, bạn bè gần xa cùng nhau ăn buổi cơm cuối cùng để “dứt dứt” cùng người đã khuất. Chương trình lễ diễn ra rất nhiều nghi thức: Lễ bầu chủ nhang, dặn hồn mả, cúng Kagor, đập heo, gà, rước hồn mả về ăn cơm, làm tầng mả cho người đã chết, cúng cơm sáng, lễ dứt dứt.
Điệu hát không bao giờ được thiếu sau lễ bỏ mả chính là Suri Budhi atau (hát trao gởi tâm tình giữa đàng gái và đàng trai chấm dứt quan hệ với người đã khuất); hát pato khuyên dạy cháu con, hát manhi lakay – kumay (đối đáp trai gái). Hát Alew, Katheng (tâm tình); thổi kèn bầu Kupoat đệm cho hát, thổi kèn bầu Sarakel đệm cho múa, búng đàn môi Awat, Radik… Lúc này thì chẳng cần ai giới thiệu, chẳng cần có người nghe, người xem; mình hát, mình múa chính là múa - hát cho mình. Cuộc vui kéo dài cho đến khi nào rượu cần đã nhạt và mặt trời đã lên cao mới kết thúc.
Lễ bỏ mả của người Ra Glai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đồng thời còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Nó chứa đựng những quan niệm về sự sống, cái chết và quan niệm về thế giới tâm linh. Đối với họ, chết không phải là hết mà là bắt đầu cho cuộc sống khác ở một thế giới khác, đó là xứ sở của ông bà tổ tiên. Đó chính là những sắc thái văn hóa góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của người Raglai nói riêng, các tộc người nói chung. Với những giá trị nổi bật đó, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ Bỏ mả của người Ra Glai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo