Văn hóa

Lễ cúng cổng bon của người M’Nông ở Đắk Nông

Lễ cúng cổng bon là một trong những nghi lễ nông nghiệp về cầu an tiêu biểu của người M’Nông ở Đắk Nông được tổ chức với mong muốn các thần mưa gió, thần bão, thần dịch bệnh không gây tai họa cho bon làng trong suốt cả năm…

Theo truyền thống, Lễ cúng cổng bon của người M’Nông thường được tổ chức hàng năm vào thời điểm trước khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, tức khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 Âm lịch. Lễ được tiến hành chỉ trong vòng 1 ngày, tại bên cổng ra vào của bon, làng với mong muốn các thần mưa gió, thần bão, thần dịch bệnh không gây tai họa cho bon làng trong suốt cả năm, từ đầu mùa mưa năm nay đến đầu mùa mưa năm sau.

Những vật phẩm cúng yang được chuẩn bị gồm: Vật thiêng sah oonh (hòn than củi được quấn bằng 1 vòng bông vải làm khố); gạo trắng; thuốc hút 1 nhúm; một cặp ngà voi và một sừng tê giác giả làm bằng gỗ; tượng con cọp; một lá trầu có quét sẵn vôi; một miếng cau; ba gói bánh nếp gói bằng lá chuối; 3 quả chuối xanh luộc chín; 3 củ khoai luộc; 3 đoạn mía mỗi đoạn 3 đốt; 4 cây nến sáp cắm trên đầu bốn đoạn cây đóng làm cọc; ché rượu cần; cơm lam; thịt heo nướng; Những chiếc vòng tay bằng đồng cầu sức khỏe.

Già làng thực hiện nghi thức cúng yang và thần linh tại cổng bon. Ảnh: Vinaculto.

Sau khi thổi 1 hồi tù và thông báo với thần linh và mọi người về việc tổ chức Lễ cúng cổng bon, già làng  làm chủ lễ, tiến hành các nghi thức theo đúng phong tục đã được lưu truyền từ lâu đời của người M’Nông. Bắt đầu từ sân chung của làng M’nông, đồng bào sắp xếp và chuẩn bị sẵn những vật phẩm cần thiết để cúng yang và thần linh. Đội cồng chiêng dóng lên bài trống, bài chiêng cúng yang, thần linh.

Chủ lễ dẫn cả đoàn ra phía trước cổng bon để tiến hành những nghi thức quan trọng. Trước ban thờ làm bằng phên tre, nứa, chủ lễ lấy tiết lợn hòa cùng với rượu, cắt ba miếng gan lợn nhỏ, xâu vào một chiếc que cắm bên bình rượu. Già làng cất tiếng cầu xin yang, thần linh đem đến mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt cho bon làng, xin yang cùng thần linh ngăn chặn và xua đuổi những rủi ro, bệnh tật.

Sau khi đã làm lễ cúng tại cổng bon làng, chủ lễ cùng với bà con quay vào phía sân chính, đem rượu có hòa tiết con lợn hiến tế bôi lên mái nhà, lên tường ngôi nhà ở làm phép để xua đuổi, ngăn chặn những rủi ro, bệnh tật đến với bon làng, ngăn chặn các thần ác vào nhà gây rối hoặc làm hại người trong gia đình.

Cuối cùng, già làng tiến hành nghi thức cúng trao vòng sức khỏe cho bà con và du khách tham dự. Sau nghi thức này là phần hội rộn ràng với điệu cồng chiêng rộn rã, nhịp xoang uyển chuyển và những trò chơi sôi động, lôi cuốn đông đảo du khách tham quan tham gia.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo