Văn hóa

Lễ cúng lúa giống của đồng bào Ê Đê

Trong đời sống, người dân tộc Ê Đê ở các tỉnh Tây Nguyên tổ chức nhiều nghi lễ (nghi thức và lễ hội) gắn với vòng đời người hoặc chu trình sản xuất, đặc biệt là những lễ thức nông nghiệp liên quan đến vòng đời của lúa. Mà tiêu biểu là lễ cúng lúa giống - một trong những nghi lễ quan trọng nhất gắn liền với phong tục sản xuất của người Ê Đê.

Lễ cúng lúa giống là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong nông lịch của người Ê Đê. Sau khi nương rẫy đã được dọn dẹp xong cũng là lúc người Ê Đê tổ chức lễ cúng lúa giống (Trốc mdiê).

Với lễ cúng lúa giống, người Ê Đê cầu mong các vị thần đất, thần nước, thần gió, thần mưa... cho lúa giống khỏe mạnh, cây cối lên nhanh, mưa thuận gió hòa, lúa về trĩu hạt và bội thu. Mong các vị thần che chở, trông nom nương rẫy cho mùa màng bội thu.

Trước đây, để tổ chức lễ cúng lúa giống, từng gia đình đều làm riêng trong nhà sau khi dự lễ Kăm Buh. Người Ê Đê khấn các thần Âe Mtao Tlua, H’Bia Klu, các thần sông núi khác. Sau lễ này, hôm sau người Ê Đê bắt đầu lên rẫy chọc, trỉa lúa. Khi đi, mang theo rượu, gà đến nương cúng. Đổ rượu và tiết gà vào các giống cây trồng. Chiều tối về, lấy ché rượu mà lúc sáng đã cúng mang ra uống, và lấy một ché khác cúng sức khoẻ cho chủ nhà.

Hiện nay, lễ cúng có phần đơn giản hơn. Để chuẩn bị cho lễ cúng giống lúa, gia đình chuẩn bị 1 con gà, một ché rượu, 1 bát tiết gà hòa rượu, hạt lúa giống, giống cây trồng, 1 ống bằng nứa, 2 cây chọc tỉa lúa, cuốc.

Lễ vật dâng cúng trong lễ cúng lúa giống của người Ê Đê.

Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong đồng bào Ê Đê mang lễ vật dâng cúng đến trước cây nêu trong nhà. Đại diện cho gia chủ, thầy cúng ngồi trước ché rượu cần và bắt đầu khấn: “Ơ Yàng! Hỡi các vị thần đất, thần sông, thần núi, thần mây, thần mưa, thần đông, tây, nam, bắc, hỡi các vị tổ tiên! Rẫy đã phát rồi, mùa màng sắp trỉa, mong cho hạt lúa cùng các loại cây trồng ngô, khoai... được nảy mầm tốt. Nhờ thần đất, thần núi, thần sông, thần mây, thần mưa cùng các vị tổ tiên cho nắng gió vừa phải, mưa thuận gió hòa, cả rẫy đầy lúa, con dế, con giun, con chim, các loại côn trùng không hại lúa, hại rẫy. Nhờ các vị thần cùng ông bà tổ tiên đã khuất giúp chúng con trông nom nương rẫy để cây cối phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu. Ơ Yàng!”

Sau khi khấn xong tại ché, thầy cúng sẽ tiến hành khấn lần 2 tại mâm cúng. Mâm cúng bao gồm một bát tiết gà hòa rượu, một con gà luộc chín, lúa giống và giống cây trồng.

Các nghi thức đã được thực hành xong, những nữ chủ nhân của nhà dài Ê Đê sẽ tiến đến cây nêu cùng nhấp hương vị của những ché rượu cần, tiếp đến là các thành viên trong gia đình và những người tham dự.

Theo phong tục của Ê Đê, sau khi uống rượu cần, mọi người sẽ cùng nhau hòa mình vào những tiếng cồng, tiếng chiêng đặc sắc, những câu hát Ayray và nghệ thuật thổi Đing Năm vô cùng độc đáo, những tiếng tù và mang âm hưởng của núi rừng.

Trong nghi lễ nông nghiệp của người Ê Đê lễ cúng lúa giống là một phong tục, tập quán, là bộ phận quan trọng đặc biệt trong hệ thống tín ngưỡng liên quan đến vòng đời lúa của dân tộc, nó có sức mạnh chi phối lớn đến đời sống văn hoá xã hội của người Ê Đê tỉnh Đắk Lắk.

 

Nên đọc
Theo Làng Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo