Lễ hội Acha Aza của người Tà Ôi
Lễ Acha aza - Nghi lễ lớn nhất năm
Lễ Acha aza được người Ta Ôi xem như là nghi lễ lớn nhất năm, mang ý nghĩa thiêng liêng như Tết Nguyên đán của người Việt. Trong lễ này, người Ta Ôi cúng tạ ơn các vị thần linh, đặc biệt là nữ thần Tro (thần Lúa). Trong tâm thức của họ, nữ Thần này ngự ở trong cây lúa, bông lúa và hạt lúa, chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống của cư dân bản địa. Bởi vì hoạt động sản xuất của người Ta Ôi là trồng lúa rẫy, nguồn thu lương thực chủ yếu trong năm. Lúa được xem là của quý và nữ thần Lúa được xem là phúc thần.
Lễ cúng Acha aza là lễ hội chung của toàn bản, thường kéo dài đến 3 ngày. Nếu năm nào được mùa thì lễ cúng tổ chức đơn giản hơn và người dân dành nhiều thời gian để đi chơi Tết; còn gặp năm đói kém, mất mùa thì phải có lễ hiến sinh (lễ đâm trâu), và đó là lễ trọng.
Người Ta Ôi luôn chuẩn bị cho mình một cái Tết tươm tất và đậm đà bản sắc văn hoá. Ở mỗi gia đình đều chuẩn bị đủ mọi thứ lương thực, thực phẩm để đón năm mới. Trước đó một tháng, thanh niên Ta Ôi thường đi rừng hái vỏ cây chuồn về làm rượu đoác, rượu mía, rượu mây. Họ bẫy chim, đặt bẫy thú vật được bắt đem về nhà thì các mẹ, các chị làm thịt, sau đó ướp muối cùng gia vị, bỏ thịt vào ống lố ô rồi nướng chín, gác lên bếp để dành. Cá bắt được dưới ao, hồ, sông, suối, cũng được làm sạch treo trên giàn bếp cho khô để dành cho những ngày Tết.
Lễ Acha aza được tổ chức cúng ở rẫy và cúng ở bản, trong gia đình
Lễ cúng ở rẫy nhằm xin việc gặt hái và cầu cho mùa màng bội thu. Trước khi cúng, người ta chọn trước một ngày nào đó miễn là thuận lợi và đặc biệt là ngày lành hoặc trước khi tuốt lúa 2-3 ngày. Dân trong làng làm một đàn cúng. Đó là một cái vòm kết bằng 4 hoặc 5 khóm lúa ở chân rẫy gồm 2 hoặc 3 hàng lúa có nhiều gjé lúa sây bông nhất chạy từ chân rẫy đến đỉnh rẫy. Lễ vật là thịt lợn, thịt dê hoặc thịt bò, thịt gà, rượu ngon, cơm nếp thơm và đồ trang sức của phụ nữ (vòng tai và hoa tai bằng bạc, mã não). Mọi lễ vật được bày trên đàn và quan trọng hơn là tấm váy dzèng. Khi đã bày biện xong, người chủ lễ (là người nữ đứng đầu gia đình) tuốt những gié lúa đầu tiên trên rẫy mở đầu cho một thời kỳ thu hoạch và họ bắt đầu tuốt từ chân rẫy lên đến đỉnh rẫy.
Lễ cúng ở bản được tổ chức tại trung tâm làng (trong các ngôi nhà rông - nhà gươl) và các gia đình trong bản. Nếu cúng ở trung tâm làng thì lễ vật bày biện giữa trời - giữa sân nhà rông. Lễ vật dâng cúng giống như lễ cúng tại rẫy, nhưng có thêm một vài gié lúa nặng hạt mới ngắt về. Còn ở các gia đình, việc cúng cũng công phu và lễ lạt cũng giống như việc cúng ở bản. Tuy nhiên, cho dù cúng ở rẫy hay ở bản, ở gia đình thì người chủ lễ vẫ là phụ nữ trong gia đình, gia tộc, trong cộng đồng.
Thưởng thức nhiều món ngon trong Lễ Acha aza
Tết của người Ta Ôi thơm lừng mùi thịt nướng, mùi nồng của rượu cần, rượu đoác, rượu mía, hương thơm của gạo nếp ra dư - cu da, pinhe, nhà nào cũng đỏ lửa bên sàn. Ngoài ra, không thể không nhắc đến các loại bánh nếp - đặc sản của người Tà Ôi:
Bánh đệp peng (bánh nếp gói bằng lá mây): không có nhân, chỉ làm bằng gạo nếp. Gạo được đãi sạch và ngâm trong nước lã khoảng nửa ngày. Khi gạo mềm dẻo, lấy lá mây (I Ia chuông) bỏ vào ống tre non cùng một nắm nếp nhỏ thành thỏi dài. Nếp được bỏ vào ống xong thì cho vào bếp than hồng nướng đều trong vòng 15 phút. Bánh chín sẽ có mùi thơm của gạo nếp. Khi ăn sẽ có thể dùng với muối, ớt, thịt, cá khô hoặc thịt chim, chuột được ướp gia vị lâu ngày trong các ống lồ ô. Đối với người Ta Ôi chỉ có những dịp lễ như a riêu, cầu mùa, cưới hỏi và Acha aza thì mới làm bánh đệp peng.
Bánh akoát (hình chân chim): Đây là một loại bánh được làm từ một loại nếp bất kỳ, dùng lá đót tươi và lá cây dứa xanh để gói. Tuỳ theo kinh tế của mỗi gia đình mà loại bánh này có thể có nhân thịt lợn và đậu xanh hoặc không có nhân. Hình dạng của chiếc bánh được làm theo hình chân chim, kích cỡ vừa phải, khoảng bằng ngón chân cái, bánh được dùng trong lễ Tết. Người Ta Ôi đón Tết không có mứt hay các loại bánh đắt tiền như những cộng đồng người Kinh sống chung với họ, mà chỉ thiết đãi khách bằng thứ gạo nếp ra dư - cu da và pinhe thơm ngon, có độ dẻo hơn các loại nếp khác.
Gạo nếp ra dư - cu da hoặc pinhe được xới ra chiếc adiên (cái mâm có đế) rồi đậy nắp lại cất vào góc nhà sàn chờ khi có khách xa, khách quý hay người trong họ hàng dòng tộc đến thăm mới đem ra thiết đãi cùng với thịt khô, cá khô và muối ớt.
Nghi lễ cúng trong Lễ Acha aza
Lễ Acha aza của người Tà Ôi gắn liền với các lễ ăn cơm mới, kéo dài từ 2-4 ngày và diễn ra theo một tập tục khá chặt chẽ. Ngày đầu là quan trọng nhất, họ làm lễ cúng tế các vị thần linh, cúng tổ tiên, ông bà trong gia tộc, dòng họ tại nhà rông (nhà gươl) rồi sau đó về nhà cúng những người đã khuất. Họ khẩn cầu một cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, lúa đầy tra, ngô đầy giàn và việc săn bắn, bắt được nhiều thú... Những ngày tiếp theo của Tết là những người đàn ông lớn tuổi có vai vế trong cộng đồng cùng những thanh niên tập trung ăn uống, vui vẻ tại nhà rông; còn đàn bà (có chồng và thiếu nữ mới lớn) cùng trẻ nhỏ thì tụ tập theo nhóm hoặc đi chơi tại các nhà trong bản. Ở đây, theo quan niệm của người Ta Ôi, đàn bà nói chung không được vào nhà gươl trong những ngày tết vì họ sợ những chuyện không hay hoặc có một sự kiêng cữ nào đó.
Trong dịp Tết cổ truyền của người Ta Ôi, nhiều trai thanh gái lịch có được cơ hội tỏ bày tình cảm, họ tìm đến nhau, trao nhau những chiếc vòng bạc, kheo những bộ váy, áo dzèng mới do chính bàn tay của mình dệt lên. Còn các cụ già thì nhìn con cháu đang lớn, nhìn làng bản thanh bình với ánh mắt vui cười, xua tan những vất vả nhọc nhằn mà họ từng nếm trải. Liên tiếp từ bản này sang bản khác, những ngày Tết của người Ta Ôi như khẳng định với trời đất, với thần linh và với các dân tộc anh em khác niềm hy vọng một năm mới may mắn hơn, một vụ mùa mới tốt đẹp hơn sẽ đến trên bản làng quên hương họ.
Trong những ngày Tết, người Ta Ôi còn bày ra các trò chơi lành mạnh, vui khoẻ mang tính cộng đồng và cũng nhằm thể hiện bản lĩnh của các chàng trai, cô gái Ta Ôi đang độ tuổi xuân. Những trò chơi ngày Tết thường là bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co. Nay có thêm trò chơi bóng chuyền cũng đã thu hút được nhiều người tham gia.
Lễ Acha aza là lễ hội văn hoá cổ truyền mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Ta Ôi. Đó là nét đặc trưng của cư dân trồng lúa rẫy, một dấu ấn của văn minh nông nghiệp. Lễ tết vừa mang tính chất là một ngày vui lớn của gia đình, gia tộc, dòng họ lại vừa thể hiện tính cộng đồng làng rõ nét. Đó là một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của tộc người Ta Ôi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tiết lộ lý do thật sự khiến Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang không bao giờ diễn Táo Quân dù nhiều lần được mời
Dũng Taylor úp mở thông tin “chấn động”, “động trời” liên quan đến vụ kiện của Đàm Vĩnh Hưng
Khả Ngân ngầm thừa nhận chuyện 'cô đơn', tiết lộ những điều trùng hợp trong tình yêu
Hoa hậu Thuỳ Tiên lên tiếng về thông tin đóng thuế 4,7 tỷ đồng
Lâm Tâm Như sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ nhưng bị chỉ trích là keo kiệt
Người đàn ông bại liệt và hành trình bước qua ngưỡng cửa cuộc đời