Văn hóa

Lễ hội bánh chưng bánh giầy Sầm Sơn xưa và nay

Sầm Sơn - vùng đất nhận được nhiều sự ưu ái của thiên nhiên. Là nơi màu xanh của đất trời hòa lẫn với màu xanh của biển. Con người Sầm Sơn chịu khó, cần cù lao động, thân thiện, cởi mở… Sự hòa quện kết tinh giữa thiên nhiên đất trời và con người nơi đây đã để lại những truyền thống văn hóa đặc sắc và có giá trị. Lễ hội bánh chưng bánh giầy Sầm Sơn là sự tiếp nối truyền thống và là kết tinh văn hóa ngàn đời của người dân vùng biển nơi đây.

Theo lời kể của các cụ cao niên ở Sầm Sơn, lễ hội bánh chưng bánh giầy vốn có tên là Lễ hội Cầu mưa (tên chữ là Đảo vũ), là lễ hội của cư dân nông nghiệp. Trước Cánh mạng Tháng 8/1945, lễ hội này diễn ra không theo một ngày tháng nào cố định nào. Chỉ những năm nắng nhiều, hạn hán, nông nghiệp không được mùa thì Tri phủ mới sức cho các huyện tổ chức Lễ hội Cầu mưa. Có khi 1, 2 năm tổ chức một lần; có thời gian lâu nhất chừng 13 năm mới lại tổ chức. Địa điểm tổ chức lễ hội cũng không theo một nơi nhất định mà thường do quan huyện lựa chỗ có bãi trống, nhiều bóng mát, đủ điều kiện chọn làm nơi tổ chức lễ hội. Làng xã chịu trách nhiệm đăng cai dựng rạp, lập đàn cúng tế trời đất cho buổi lễ.

Là lễ hội của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, vượt qua sự khắc nghiệt bất thường của thời tiết để mùa màng tốt tươi... nên lễ vật chính  là bánh chưng bánh giầy tượng trưng cho trời đất, âm dương. Để chuẩn bị làm bánh, khâu chọn gạo được đặc biệt coi trọng. Thậm chí, họ phải chọn kỹ từ giống lúa đến chân ruộng tốt để trồng ra loại gạo nếp cái hoa vàng hạt tròn, căng mẩy, không vỡ, mong làm ra được những chiếc bánh chưng bánh giầy ngon - dẻo - thơm.  Bánh chưng được gói bởi những người khéo tay được dân làng chọn. Còn đối với bánh giầy, việc làm bánh đòi hỏi kỳ công hơn. Xôi sau khi đồ chín được dỡ ra cho nguội bớt. Chày giã bánh là chày tay bằng gỗ và người giã phải là các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dẻo tay. Khi xôi nhuyễn thì bắt thành bánh, việc nắn cho bánh có hình hài đẹp mắt sẽ được giao cho các già làng thạo việc, khéo tay.          

Những hình ảnh trong lễ hội.

Lễ hội Cầu mưa có chừng 5 - 7 làng tham gia với hai cuộc tế. Thứ nhất là ban tế chung của cả huyện, chủ tế phải là quan huyện, sau đó là cuộc tế riêng của các làng. Cuộc tế lễ cũng là cuộc thi giữa các đội với nhau. Đội tế lễ nào được giải nhất thì phần thưởng chính là những lễ vật của họ mang đi dâng tế.

Ngày nay Lễ hội Cầu mưa có tên là bánh chưng bánh giầy, bởi người ta gọi theo vật phẩm chính của buổi tế lễ. Theo lời kể của nhà thơ Hải Minh, khi ấy là Trưởng phòng Văn hóa thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn): Theo đề xuất của ông và nhân dân địa phương, từ năm 1992, lễ hội lần đầu tiên được tổ chức lại vào ngày 12/5 âm lịch, và đã trở thành lễ hôi hàng năm của Sầm Sơn. Mục đích để lưu giữ lại nét văn hóa tốt đẹp của quê hương, bên cạnh đáp ứng nhu cầu tâm linh cầu cho mùa màng tốt tươi, đồng thời là sự tái hiện một nét văn hóa tâm linh truyền thống và là sản phẩm du lịch độc đáo của Sầm Sơn, góp phần thu hút du khách. Do đó, lễ hội ngày nay được tổ chức ở những làng, xã, phường có các di tích tâm linh - văn hóa - thắng cảnh đã được Nhà nước công nhận. Sau khi đã tế lễ ở từng làng, những chiếc bánh chưng bánh giầy được trang trọng đặt trên những chiếc kiệu và được dân làng đưa về tế lễ ở khu vực đền Ðộc Cước - trong quần thể Di tích văn hóa - thắng cảnh cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa công nhận từ năm 1962. Đền ngự nơi đầu núi Trường Lệ, tiếp giáp với bãi tắm A, thuận tiện cho việc phục vụ nhân dân và du khách, góp phần quảng bá du lịch. Sau màn diễu hành là phần tế lễ, đọc chúc văn tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân - những người đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn và nhờ họ mà dân làng mới được no ấm như ngày hôm nay. Để tăng thêm tính chất hội và tăng tính hấp dẫn cho phần lễ, ngay từ năm 1992, lễ hội bánh chưng bánh giầy đã sáng tạo thêm phần thi làm bánh giầy. Đây chính hội phần đặc sắc nhất, nhộn nhịp nhất trong lễ hội. Tiếp theo là phần thi các trò chơi truyền thống vui nhộn của địa phương trên bãi biển như kéo co, đấu vật và các tiết mục văn hóa - văn nghệ. 

Nên đọc

Hiền Minh (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo