Văn hóa

Lễ hội 'bắt chồng' độc đáo của thiếu nữ Chu Ru

Vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc nồng, thiếu nữ Chu Ru (Lâm Đồng) cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đến nhà trai thực hiện việc "bắt chồng".

Tháng 2, tháng 3 trên Tây Nguyên mùa hoa cà phê nở trắng, những bông hoa pơlang trên những thân cây cao vút nở rực cả đất trời, khi mùa con ong đi lấy mật cũng là lúc ở khắp các bản làng của đồng bào Chu Ru ở Lâm Đồng rộn ràng bước vào mùa cưới, mùa bắt chồng của các thiếu nữ.

Người dân tộc Chu Ru ở Tây Nguyên sống theo chế độ mẫu hệ vì vậy khi một thiếu nữ đến tuổi lấy chồng, không giống như các dân tộc khác, họ phải mang lễ vật đi hỏi chồng với chi phí khá tốn kém. Riêng của cưới để mang sang cho nhà trai cũng phải tốn cả cây vàng, chưa kể đến tiền chi phí làm lễ tiệc chiêu đãi khách khứa trong lễ cưới của cả hai bên gia đình.

Thường sau khi nhà gái thưa chuyện với nhà trai, bà mối đeo chuỗi cườm và nhẫn đính hôn cho chàng trai thay cho lời hỏi cưới. Chàng trai chịu đeo nhẫn vào tay đồng nghĩa với việc chấp thuận làm chồng cô gái. Đại diện nhà trai sẽ đeo nhẫn (gọi là srí) cho cô gái và đồng ý cho người con gái làm dâu nhà mình. Họ nhà gái sẽ tặng lễ vật cho họ nhà trai để bày tỏ lòng thành. Lễ cưới diễn ra xong xuôi cũng là lúc hai họ ăn mừng bên hũ rượu cần và mâm lễ.

Nhà gái đến nhà trai làm lễ cưới.

Để làm nên được cặp nhẫn cưới cũng phải tốn khá nhiều công sức. Vật liệu chính để làm cặp srí này ngoài bạc sẽ là sáp ong, phân trâu và một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong khu rừng già. Người Tây Nguyên quan niệm con trâu là một vật linh thiêng và mang sức mạnh của sự đấm ấm, sung túc, còn sáp ong thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn.

Người ta lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn ước chừng bằng những ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, người ta cắt thành những khuyên tròn làm khuôn đúc nhẫn. Sau khi bạc đã được đun nóng chảy thì đổ vào khuôn, sáp ong và phân trâu trước sức nóng của bạc mới nấu chảy sẽ dính chặt vào bạc thành một lớp men bao bọc bên ngoài.

Người thợ đúc nhẫn cũng phải được lựa chọn trước và có những kiêng kị. Đêm trước đúc nhẫn, người thợ sẽ được tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá rừng có mùi thơm, không được gần gũi vợ... Khi đúc nhẫn cũng phải chọn giờ đẹp, từ 4h-8h vì theo quan niệm của người dân tộc, đây là giờ đẹ, giờ thiêng cho sự gắn kết lứa đôi.

Đại diện nhà gái đeo nhẫn vào cho chàng trai.

Nhưng do những tập tục cưới hỏi tốn kém này mà nhiều thiếu nữ Chu Ru sinh ra trong gia đình không khá giả khó có cơ hội lấy được chồng theo đúng phong tục cưới xin truyền thống. Chính vì vậy mà những thiếu nữ Chu Ru có tục "bắt chồng" khá độc đáo.

Thường bắt đầu từ mùng 1 Tết cho đến hết tháng 3 Âm lịch là mùa "bắt chồng" diễn ra rộn ràng ở Tây Nguyên. Theo phong tục, khi đã ưng ý một chàng trai nào đó, cô gái sẽ về thông báo với gia đình. Vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc nồng, thiếu nữ cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đến nhà trai. Trước đây, những thiếu nữ không đủ tiền để cưới chồng chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật sang nhà trai.

 

Mặc dù có sự thăm viếng đột ngột nhưng nhà trai thường vẫn niềm nở đón khách. Sau đó, cô gái dâng 3 tấm khăn được gấp gọn ghẽ dâng lên phía trước. Ông trưởng đoàn (thường là cậu ruột) sẽ xin thưa với nhà trai, rằng cháu gái họ đã để ý và đem lòng yêu thương chàng trai, mong gia đình chấp nhận. Sau cuộc trò chuyện giữa hai bên, nếu cha mẹ chàng trai đồng ý, sẽ vào gọi con trai ra và hỏi ý kiến con trước khi trả lời nhà gái.

Nếu được sự đồng thuận, cô gái sẽ dâng khăn cho chàng trai và kể từ giây phút đó, họ đã được chấp nhận là con cái trong nhà. Hai bên tiến hành lễ hợp hôn cho đôi trai gái. Cô dâu (sơ đíu) và chú rể (pơ sang) sẽ trùm chung một tấm khăn trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình. Đến khoảng 1-2 giờ sáng, đôi trai gái sẽ được đưa về nhà gái, chính thức nên vợ thành chồng.

Kể từ giây phút được trùm khăn trắng, đôi trai gái này đã thành vợ thành chồng.

Nếu cha mẹ chàng trai không ưa, họ cũng tìm cách khước từ một cách tế nhị để nhà gái ra về mà không cảm thấy bị bẽ mặt. Nếu cô gái vẫn ưng chàng trai này, sau 7 ngày, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến nhà chàng trai cho đến khi được chấp nhận.

Nhưng thường những đám "bắt chồng" đều thành công bởi ngày nay, nam nữ đã có dịp tìm hiểu và yêu thương tha thiết. Tục bắt chồng chỉ là một cái cớ để những cô gái nhà nghèo có thể kiếm được một tấm chồng ưng ý.

Sau khi được đồng ý, cô dâu sẽ phải ở nhà chồng một tuần. Ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác, cô dâu mới còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Đến ngày thứ 8 hoặc thứ 10 thì nhà gái mới đem lễ vật, có thể là một con heo hoặc lương thực, thực phẩm đủ làm 5-7 mâm cỗ cho nhà trai, gái thết đãi họ hàng, bà con. Tàn cuộc vui, nhà gái đưa các con về ở bên nhà mình.

 

Trong đám cưới, người thân, dân làng sẽ tổ chức màn đấu chiêng nhằm mong muốn cho mọi sự mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua, cùng chung vui cho cặp vợ chồng mới cưới.

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo