Văn hóa

Lễ hội khai năm tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam

Ngày 4/3, tại Làng sinh thái di sản pơ mu ở xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam, lễ hội khai năm tạ ơn rừng đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, lan tỏa văn hóa giữ rừng trong cộng đồng.

Đây là năm đầu tiên huyện Tây Giang khôi phục lại lễ hội này với quy mô lớn; cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, vừa thể hiện tinh thần tôn trọng thiên nhiên.

Già làng Alăng Đàng, thôn Arốt, xã Anông cho biết: Người dân Cơ Tu có truyền thống thương yêu núi rừng, bà con sinh ra từ rừng và khi chết đi thành cát bụi cũng trở lại với rừng. Chính đời sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng nên đồng bào luôn ý thức việc giữ rừng như giữ nguồn sống của chính mình. Việc khôi phục lễ hội khai năm tạ ơn rừng được các già làng và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, qua đó góp phần giáo dục cho các thế hệ mai sau về truyền thống giữ rừng.

Quang cảnh lễ hội. Ảnh: Đỗ Văn Trưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: huyện Tây Giang là một trong những địa phương miền núi còn giữ được gần như nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh. Có được điều này nhờ huyện đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, đưa những quy định của nhà nước về bảo vệ rừng vào hương ước của các thôn bản. Việc khôi phục lễ hội khai năm tạ ơn rừng là một hoạt động ý nghĩa, góp phần gắn kết bền chặt hơn giữa văn hóa truyền thống với văn hóa giữ rừng trong đời sống của đồng bào vùng cao.

Huyện Tây Giang có diện tích hơn 91.368 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích, với nhiều cánh rừng quý cùng với sự đa dạng của hệ thống động, thực vật. Đặc biệt, Tây Giang có khu rừng pơ mu lâu đời, trong đó 725 cây pơ mu được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Nên đọc
Theo Dân tộc miền núi
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo