Văn hóa

Lễ hội Mah grợ của dân tộc Khơ Mú

Người Khơ Mú có đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú với vốn ca múa dân gian qua lễ hội Mah grợ và điệu múa uyển chuyển, sôi động.

Lễ hội Mah Grợ của người Khơ Mú diễn ra vào mùa xuân khi các thôn bản của người Khơ Mú tổng kết mùa vụ, bắt đầu tra hạt trong tháng giêng, tháng hai âm lịch. Lễ hội Mah grợ và múa Vêr guông thường được tổ chức tại nhà của người có kinh tế khá giả nhất bản, hoặc nhà ông trưởng bản.

Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ cúng của chủ nhà và phần hội múa của cộng đồng trong bản. Về phần lễ, ngay từ sáng sớm, bà chủ nhà đóng vai “Mẹ lúa” cùng cô con gái mặc váy áo, đội khăn piêu đẹp, đeo cái dỏ, tay cầm con dao mài sắc rồi lên nương. Đến nương nhà mình, hai mẹ con đào lấy củ khoai sọ cuối cùng, cắt lấy phần lá khoai bỏ vào dỏ và thêm mấy que củi khô rồi gùi về bản. Người Khơ Mú xưa quan niệm rằng củ khoai, quả bí đỏ mới là thóc lúa. Trên đường từ nương về bản, bà chủ nhà luôn miệng hú gọi hồn lúa (hmal ngọ) với ý nghĩa: “Nương đã thu hoạch hết, đã đưa thóc lúa về bản, các hồn cũng về nhà thôi. Về để dự hội Mah grợ”.

Về đến bản, trước khi lên cầu thang của nhà mình, “Mẹ lúa” lại hú hồn lúa lần nữa mới mang củ khoai sọ vùi vào bếp tro lửa nướng chín. Khi khoai chín, chỉ mình “Mẹ lúa” được ăn với quan niệm nếu ai ăn khoai trước sẽ bị đau răng, đau mắt. Tiếp theo, “Mẹ lúa” lấy thịt con sóc, con chuột rừng đã được sấy khô trên gác bếp xuống, rửa sạch rồi bỏ vào nồi nấu.

Điệu múa Vêr guông trong lễ hội Mah Grợ của người Khơ Mú.

Trong lúc bà chủ nhà lên nương đem khoai về thì chủ nhà (ông chồng) lấy lạt tre đan Ta leo (phên đan hình mắt cáo có diện tích bằng cái vung nồi) rồi cùng con rể (nếu có) mổ gà chuẩn bị mâm cúng tổ tiên. Khi mổ 3 con gà cho mâm cúng, con gà thứ nhất được cắt mỏ lấy tiết bôi vào hai đầu gối của từng thành viên trong nhà với ý nghĩa: Trong năm, mọi người phải trèo đèo, leo núi làm nương nên đầu gối yếu mềm, nay “sửa lại” cho đầu gối mạnh khỏe, cứng cáp.

Người chủ nhà tiếp tục cắt mỏ con gà sống thứ 2 rồi lấy tiết quyệt vào bồ thóc, rổ khoai, khấn: “Thóc năm nay tốt, sang năm khoai thóc được mùa tốt hơn”. Tiếp tục cắt mỏ con gà thứ 3 đem tiết xuống gầm sàn bôi lên đầu con trâu. Con trâu được phủ miếng vải thổ cẩm, vải trắng lên lưng, đôi sừng trâu được buộc hoa rừng.

Cúng tổ tiên xong, chủ nhà buộc phên “Ta leo” lên chỗ bàn thờ với quan niệm đó là chỗ ở mới của “ma nhà” (tương tự tục thay bát hương bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán của người xuôi).

Tiếp tục phần lễ, ông chủ nhà vê từng viên (4 viên) cơm nếp sôi ở bàn cúng vừa mang xuống, rồi đem dính vào tóc của từng đứa trẻ trong nhà với quan niệm: Hồn đứa trẻ ở trên đầu cũng được ăn cơm mới, không ốm đau, chóng lớn.

Lúc này, bà chủ nhà (Mẹ lúa) cũng trổ tài khoe bông lúa nhà mình trắc hạt với các cụ bà đến dự lễ và cài những cánh hoa rừng lên búi tóc của họ.

 

Bữa cơm nội gia của chủ nhà ăn xong (không mời khách ăn cùng), bà chủ nhà và những người trong gia đình đem rổ khoai, bí đã đồ chín để ở giữa nhà. Lúc này, cuộc vui bôi khoai, bí chín vào áo của nhau mới bắt đầu. Cả chủ lẫn khách thi nhau nhặt từng miếng khoai, bí ăn một miếng, phần còn lại bôi lên áo ông, bà chủ nhà, rồi bôi vào khách. Ai bôi được nhiều người sẽ được hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong năm (ý nghĩa tương tự như hội té nước của dân tộc Lào, Thái). Sau cuộc bôi bí là cuộc uống rượu cần chum to, lần lượt các cụ ông đến lượt cụ bà, khách quý. Uống rượu cần hết lượt mới bước vào cuộc nhảy múa.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo