Văn hóa

Lễ hội Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm ở Kon Tum

Lễ hội Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm (Kon Tum) là một trong những sinh hoạt cộng đồng, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc.

Hàng năm, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong (tức là khoảng tháng 11-12 Dương lịch), khi hạt lúa, hạt bắp, hạt kê đã được đem về cất kỹ trong nhà lúa trên rẫy, người Rơ Măm chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức lễ hội Mở cửa kho lúa. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày:
Ngày thứ nhất của lễ Mở cửa kho lúa

Vào buổi sáng tinh mơ, các gia đình mang lễ vật heo, gà, rượu… lên rẫy để Mở cửa kho lúa. Đến nơi, đàn bà nhóm lửa, đàn ông chuẩn bị các điều kiện và nghi lễ cần thiết. Ông chủ làm cầu thang cho hồn lúa theo đó bò về nhà. Chủ nhà khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy máu con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho để người đàn bà lấy những gùi lúa đầu tiên. Sau đó, chủ nhà cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu và mọi người gùi lúa về làng.

Lễ hội Mở kho lúa là một trong những lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm. Ảnh: Internet.

Lúc này, tại nhà Rông, già làng tiến hành nghi lễ cộng đồng với sự có mặt của tất cả các chủ gia đình. Khi già làng làm lễ xong, các chủ gia đình lấy ý thiêng từ "Ngọn lửa thần" về nhà mình để nhóm lửa tại từng bếp gia đình và chuẩn bị cho bữa cơm mới đầu năm.
Buổi chiều cùng ngày, tiến hành dựng cây nêu. Sau đó, già làng và những người cao tuổi dắt con trâu được chọn và nuôi riêng trước đó cả tháng ở cánh rừng vào cột lễ làm vật hiến sinh cho Giàng. Mỗi gia đình mang tối những ghè rượu ngon xếp thành hàng trong không gian lễ hội…

Ngày thứ hai: Lễ hội Đâm trâu

Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, tiếng hò reo ngân vang, dân làng vung gạo vào con vật hiến sinh. Già làng sẽ buộc con heo nhỏ vào cây nêu, cắm cần rượu nghi lễ và xin phép được giết con trâu cúng Giàng. Đội chiêng-xoang nối thành vòng tròn lớn, ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu. Già làng làm những động tác nghi thức, sau đó người thanh niên khỏe mạnh được làng tuyển chọn hoàn thành công việc thiêng liêng của cộng đồng.

Con vật hiến sinh ngã xuống trong tiếng hò vang của dân làng, không khí lễ hội lúc này lên tới đỉnh điểm, niềm hoan hỉ của dân làng khi đã cảm thấy được Giàng chứng giám.

Lễ đâm trâu của người Rơ Măm ở Kon Tum. Ảnh: Internet.

Ngày cuối cùng của lễ Mở kho lúa

 

Ngày cuối của lễ hội diễn ra nhiều nghi thức quan trọng. Nếu như ngày đầu là sự hối hả để chuẩn bị, ngày thứ hai là ngày hội tưng bừng, thì ngày này, con người như được cởi mở tất cả... Ngày thứ ba cũng còn được gọi là ngày ăn đầu trâu, già làng làm lễ hạ Giàng. Đám rước Giàng và đầu trâu lên nhà Rông, già làng làm lễ tại nhà Rông.

Một nghi thức rất quan trọng được già làng tiến hành một cách cẩn thận là Lễ rửa Giàng. Sau khi khấn xong, già làng đặt Giàng lên đúng vị trí trang trọng nhất trên nóc nhà Rông trong niềm vui mãn nguyện của lòng thành đã được chứng giám.

Những bầu nước được các thiếu nữ gùi về từ giọt nước đầu làng, họ té nước vào nhau, càng nhiều càng may mắn, từ già làng đến con trẻ đều háo hức đón những dòng nước mát, giọt nước của may mắn, mạnh khỏe và yên vui… 

Khi phần nghi lễ đã qua đi và nhanh chóng nhường chỗ cho phần hội, con người hòa nhập vào nhau.

Khi phần nghi lễ đã qua đi và nhanh chóng nhường chỗ cho phần hội, con người hòa nhập vào nhau. Người ta trao đổi với nhau về mọi mặt của cuộc sống, hiềm thù được xua tan đi, thương yêu thêm thắm lại… Đặc biệt, lễ hội là một sân khấu nghệ thuật đặc sắc của các nghệ nhân dân gian hôm qua còn còng lưng gùi lúa, thì hôm nay, lúc này trong ảnh lửa bập bùng của đêm lễ hội, họ là những diễn viên thực thụ…

 

Lễ hội Mở kho lúa là một trong những lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm, đánh dấu sự hoàn tất một chu trình sản xuất nông nghiệp khô, trong một hoàn cảnh sống đặc biệt, gắn với thiên nhiên khắc nghiệt và núi rừng mênh mông vô tận, là tài sản văn hóa vô giá của người Rơ Măm.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo