Văn hóa

Lễ hội Tết Ngô của dân tộc Cống ở Lai Châu

Tết ngô là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Cống sinh sống ở Lai Châu. Đây là ngày tết lớn, tết cả của người Cống nên quy mô tổ chức to nhất so với các lễ Tết khác trong năm.

Ở Lai Châu người Cống hiện có khoảng gần 2000 người, cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè. Tuy dân số ít, nhưng người Cống có trang phục riêng, nhiều văn hóa, lễ hội đặc sắc, trong đó có Lễ hội tết Ngô.

Tết Ngô là tết lớn nhất trong năm của người Cống được tổ chức vào ngày 1/6 Âm lịch hằng năm nhằm mục đích trình báo với tổ tiên về những việc đã làm được trong năm. Cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà.

Để đón Tết ngô, người Cống thường phải chuẩn bị trước nửa tháng. Không khí nhộn nhịp của ngày tết về đến từng gia đình từ 3 đến 4 ngày trước khi ngày tết chính diễn ra. Nhà nhà trong bản đều chuẩn bị  ngày tết của gia đình mình sao cho thật chu đáo và vui vẻ nhất. Mọi người trong gia đình đi kiếm củi, lên rừng lấy măng, hái nấm,  lên nương bẻ ngô, xuống suối bắt cá, bắt cua về để chuẩn bị cho ngày tết ngô.

Tiến hành nghi lễ cúng trong Tết ngô. 

Tùy vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ chuẩn bị cho ngày Tết có thể nhiều hay ít món. Lễ vật dâng lên tổ tiên thường có: Thịt lợn (gồm thủ, đuôi, gan, ruột non); thịt gà, cơm ngô, bánh ngô, nấm rừng, rau bí luộc, cua rừng (12 con, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và tượng trưng cho 12 con giáp). Người Cống quan niệm, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng cắn đuổi những con vật phá hoại đó. Ngoài thức ăn, trong mâm cỗ cúng không thể thiếu chén rượu tự chế để mời gia tiên.

Ngoài ra, trong mâm cỗ cúng của người Cống không thể thiếu món cơm ngô và bánh ngô. Bánh ngô được chế biến từ ngô nếp non nạo nhỏ, trộn đều với đường hoặc mật ong. Sau đó dùng lá cây chít gói lại thành từng chiếc. Bánh ngô được đồ bằng chõ xôi khoảng 1 giờ là có thể ăn được. Cơm ngô cũng được nạo nhỏ, trộn cùng gạo nếp và được gói trong lá dong thành những gói to cho vào chõ xôi đồ lên, đến khi chín có mùi thơm của ngô nếp non khiến cảm giác thèm ăn của con người tăng lên gấp bội.

Sáng 1/6 Âm lịch, các thành viên trong gia đình đều dậy sớm ra sông, suối gần bản tắm gội, giặt giũ. Người Cống quan niệm tắm gội vào ngày đầu năm mới là để gột rửa đi những xui xẻo, bệnh tật để đón một ngày mới trong năm. Sau khi tắm gội xong, mỗi thành viên múc về nhà một ít nước sạch đổ vào trong thùng đựng nước của gia đình cầu mong cho sự may mắn phát tài, tiền của vào nhà như nước.

Vào những ngày Tết Ngô, già trẻ, gái trai trong bản tụ tập ở nhà văn hóa thôn, bản để tưng bừng biểu diễn những điệu múa truyền thống như múa “múa pê lêm giao” (múa đón mừng năm mới). Đây là điệu múa tập thể đông người,  theo một vòng rộng cả nam cả nữ, cũng có thể xếp thành từng đôi một nam và một nữ… Múa đón giao thừa được tổ chức ở sân rộng, xung quanh đống lửa to và tất cả mọi người đều tham gia vào cuộc vui để đón chào một năm mới.

Tết Ngô được gắn liền với những sinh hoạt của tộc người, mang tính cộng đồng cao, là một kho tàng văn hóa dân gian với nhiều loại hình nghệ thuật, xứng đáng được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo