Văn hóa

Lễ nhập hạ - nét văn hóa độc đáo của người Khmer

Lễ nhập hạ có ý nghĩa quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer, vừa tạo thời gian để sư sãi chuyên tâm học đạo, trau dồi giáo lý và tự vấn bản thân trong quá trình tu hành, vừa tạo điều kiện cho người dân chuyên tâm lao động sản xuất, đạt năng suất cao trong mùa vụ…

Vào ngày 15/6 Âm lịch hàng năm, bà con Khmer lại tổ chức lễ nhập hạ, gọi theo tiếng Khơ me là lễ Chôi-bà-sa, để cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, gia đình hạnh phúc. Lễ nhập hạ được lưu truyền từ đời Đức Phật Thích Ca, diễn ra trong hai ngày chính:

Ngày thứ nhất diễn ra vào buổi chiều. Đồng bào Phật tử Khmer sẽ đem hoa, lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện. Trong đó, đèn cầy là một lễ vật không thể thiếu được các Phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục ngày đêm trong ba tháng nhập hạ. Đối với người Khmer, tục mang đèn cầy đến chùa trong ngày nhập hạ mang một ý nghĩa hết sức to lớn, nhằm cầu cho gia đình giàu sang phú quý, yên vui, hạnh phúc ở kiếp này cũng như kiếp sau và biểu tượng ánh sáng từ chiếc đèn là mong cho tinh thần của họ được minh mẫn sáng suốt như ngọn đèn và làm ăn được suôn sẽ hơn.

Lễ nhập hạ có ý nghĩa quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer. 

Ngày thứ hai: Đồng bào Phật tử đem cơm, nước, gạo…đến chùa để dâng lên Đức Phật cùng sư sãi, nhằm cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình, cho người trong phum, sóc. Trong ngày thứ hai này đồng bào Phật tử tập trung vào chùa rất đông vì sau khi nghe sư sãi tụng kinh cầu an, cầu siêu và thuyết pháp thì đồng bào Khmer lấy lễ vật dâng lên kiệu có trang hoàng hoa lá, (tiếng Khmer gọi là sân-khưc), khiêng đi ba vòng xung quanh chánh điện. Tiếp theo, họ dâng đèn cầy vào chánh điện và thắp sáng lên để làm lễ nhập hạ. Trong thời gian này, các sư sãi không được đi khỏi chùa để chuyên tâm học kinh Phật, làm lễ đầy đủ vào các giờ lễ, giữ giới luật và giữ cho tinh thần được thanh tịnh, trau dồi giáo lý.

Theo kinh luật, vì muốn cho các vị xuất gia tu học dừng bước vân du để có một mùa tu tập, hành thiền, tụng kinh, sư phải hạn chế đi đứng, không được phép đi quá đêm. Trừ khi ông bà bệnh hoạn, thầy tổ bệnh, bản thân bận sự kiện của đất nước thì xin phép Đức Phật đi được 6 đêm, 7 ngày, tức là không quá 7 đêm. Nếu đi quá 7 đêm, theo giới luật gọi là "đứt hạ", thì trong năm đó, mình không được tính hạ lạc xuất gia, không được hưởng lợi lộc, không được tham dự trong hàng tăng sự của tăng chúng.Mùa an cư kiết hạ cũng là mùa mà thanh niên Khơ me đi tu nhiều nhất, bởi thời gian này, họ có cơ hội học hỏi được nhiều điều về giáo lý, giáo luật. Nhưng, nếu xuất gia tu hành vào trước ngày nhập hạ thì phải tu hết 3 tháng mùa hạ, chỉ sau khi kết thúc mùa an cư kiết hạ mới được trở về nhà.

Đồng bào Phật tử đem cơm, nước, gạo…đến chùa để dâng lên Đức Phật cùng sư sãi. 

Trong ba tháng Nhập hạ (từ ngày 15/6-15/9 Âm lịch), ngoài việc thắp đèn cầy, các chùa Khmer còn đánh trống vào hai buổi sáng (bắt đầu từ 4 giờ -5 giờ) và chiều (từ 16-17 giờ) để giúp cho đồng bào của phum sóc chủ động được thời gian trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Đến rằm tháng 9 Âm lịch, nhà chùa lại làm lễ ra hạ hay lễ xuất hạ (Chênh Vôsa). Trong dịp này, bà con dân tộc Khmer thường tổ chức nghi thức thả đèn nước (Lôi protip) trên các dòng sông của phum, sóc, với ý nghĩa để tưởng nhớ đến Đức Phật và cũng thể hiện lời xin lỗi nước và đất vì đã làm ô uế đất và nước trong quá trình sản xuất trong năm. Sau đó, mọi người lại dùng xe hay kiệu để đưa đèn ra sông để thả theo dòng nước. Đi theo có đoàn múa trống sadăm của chùa để thêm phần long trọng.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo