Lễ Quét làng của người Tu Dí ở Lào Cai
Người Tu Dí ở huyện Mường Khương (Lào Cai) có truyền thuyết kể rằng: “Ngày xưa, các bản của người Tu Dí đang sống yên bình thì bỗng có một trận đại dịch tràn tới. Nó không chỉ làm cho vật nuôi ốm chết, cây trồng héo khô mà còn cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Trong cơn đại dịch ấy, một pháp sư có tên là Tống Chỏng Su đã lập đàn tràng cúng đảo và dùng bùa yểm vào từng ngôi nhà trong thôn trại. Nhờ đó, dịch bệnh được xua tan, cuộc sống của cộng đồng trở lại bình yên”. Từ đó, cứ đến ngày mùng 2 tháng Hai Âm lịch hàng năm, các làng người Tu Dí lại tổ chức lễ cúng để xua đuổi ôn thần, quỷ và dịch bệnh, cầu mong cho mọi người được “trăm điều như ý, vạn sự hanh thông”.
Lễ Quét làng của người Tu Dí phải trải qua 4 nghi thức là: Lập đàn thỉnh thần; điệu lễ dâng hương; nghi thức Quét làng; nghi thức Tống tiễn (chư thần, chư tướng) và cúng tạ Thổ thần. Trong đó, Lập đàn thỉnh thần và điệu lễ dâng hương là các nghi thức tiền lễ; Quét làng là nghi thức chính lễ; Tống tiễn và cúng tạ Thổ thần là nghi thức hậu lễ.
Sáng sớm ngày chính lễ, đại diện các gia đình tập trung tại khu đất có miếu thờ Thổ thần. Vị pháp sư chủ trì nghi lễ cho thiết lập đàn tràng, bày lên đó các lễ vật và đạo cụ dâng cúng trong lễ quét thôn. Đến giờ Hoàng đạo, pháp sư đăng đàn khấn mời sư phụ, các lương thần tối cao (Ngọc hoàng, Thiên lôi, Thái thượng Lão quân...), các thiện thần quản vùng (Sơn thần, Thổ thần cùng ngũ phương đại thần) và tổ tiên từng hộ gia đình trong thôn về dự lễ. Sau đó, lễ quét thôn chính thức được mở màn với bài kinh khai lễ. Kết thúc bài kinh khai lễ, pháp sư dâng ba tuần hương khấn mời các vị thần linh khắp Tam giới: các thiên thần ở Thiên phủ gồm có các vị thần tiên về dọn dẹp và trấn giữ đàn tràng; các vị thần linh Tam phủ được mời về chứng minh hội dịch, đưa tiễn công đức; chư thần, chư tướng trong khắp Tam nguyên phẩm giới về dự hội dịch đưa tiễn công đức. Cuối cùng, pháp sư làm phép thỉnh triệu âm binh, âm tướng về giải trừ tai ương, dịch bệnh cho cộng đồng.
Nghi thức thứ hai là điệu lễ dâng hương. Mở màn nghi thức này, pháp sư dâng ba tuần rượu. Tuần rượu thứ nhất, cả thôn thành tâm dâng rượu mời các thánh thần về dự uống; tuần rượu thứ hai, cầu xin các thánh thần ban cho bình an, thanh thản, không có tai ương, dịch bệnh sảy ra; tuần rượu thứ ba, cảm tạ thần thánh đã dạy cho con người cách nấu rượu. Sau ba tuần rượu, pháp sư dâng thuyền rồng mời chư thần, chư tướng lên thuyền để đi bắt các ôn thần, ác quỷ và đuổi dịch bệnh ra khỏi thôn, giam ở chín tầng mây, nhốt vào địa phủ môn... Khi lễ dâng thuyền và mời chư thần, chư tướng lên thuyền kết thúc, vị pháp sư chủ lễ đọc sớ xướng tên các hộ gia đình, rồi đi cắm từng nhà trong thôn để yểm ngăn không cho ôn thần, ác quỷ chạy thoát ra ngoài, chuẩn bị cho nghi thức chính thức trong lễ quét thôn cũng mang cùng một tên gọi.
Khi các ngôi nhà trong thôn đã được yểm cờ bùa, người được phân công trách nhiệm thả chó sẽ chặt đứt đuôi con chó hiến sinh rồi kéo chó đi khắp trong thôn. Theo vệt máu chó, đoàn người “bắt ma” do pháp sư chủ lễ dẫn đầu sẽ tiến hành nghi thức “bắt ma” ở khắp các ngôi nhà. Ở mỗi ngôi nhà, người ta để sẵn trước cửa nhà một bát nước đỏ, trong có một hòn than và các hạt ngũ cốc (thóc, ngô, đậu, lạc, cao lương). Khi đoàn “bắt ma” đến nơi, gia chủ rút bốn lá cỏ lau (gianh) ở 4 góc mái nhà đặt lên bát nước và thắp hương ở cạnh bát. Đoàn “bắt ma” dừng lại. Pháp sư lệnh cho âm binh âm tướng phong tỏa vây ma, khai hỏa bắn ma và rút dây trói ma. Pháp sư vừa xướng vang lời chú vừa quay ra khắp các hướng trước cửa nhà. Pháp sư quay hướng nào, người ta vẩy nước đào, ném mảnh sành, mảnh gốm, khua lão bạt, huơ gà trắng, bó cành đào – cỏ lau về hướng đó nhằm xua đuổi các ôn thần, ác quỷ. Xong màn lễ ở ngoài cửa, đoàn “bắt ma” xông vào trong nhà thực hiện lại các nghi thức nêu trên. Cuối cùng, pháp sư tiến đến trước ban thờ tổ tiên khấn báo việc mình được thừa lệnh Thái thượng lão quân về đuổi hết các ôn thần, ác quỷ và dịch bệnh đi... Nay mời tổ tiên nhập và yên vị lại ban thờ. Rồi pháp sư bói âm dương xem kết quả tốt hay xấu. Nếu trường hợp kết quả không tốt phải thực hành lại nghi thức bắt ma trong nhà rồi lại khấn mời tổ tiên nhập lại ban thờ.
Sau khi đã “bắt” hết các ôn thần, ác quỷ cùng các dịch bệnh ở tất cả các ngôi nhà. Đoàn “bắt ma” khiêng thuyền rồng tiến thẳng ra ngã ba bờ suối ở cuối làng để thực hành nghi thức tống tiễn. Pháp sư chủ lễ làm phép tống đưa thuyền rồng “vượt biển” mang theo những bệnh dịch đi giam ở Ngũ hành sơn và đưa các ôn thần, ác quỷ về núi Thanh Dương ở Dương Châu cho hổ dữ ăn thịt. Trong khi Pháp sư cùng những người trong đoàn “bắt ma” thực hành nghi thức tống tiễn thuyền rồng ở ngã ba suối, thầy cúng Thổ thần của thôn sẽ quay về làm lễ cúng tạ Thổ thần tại miếu thờ ở bãi đất trống giữa thôn. Lễ cúng Thổ thần diễn ra nhanh chóng, thời gian không quá nửa tuần nhang. Tại ngã ba suối, sau khi kết thúc nghi thức tống tiễn, pháp sư cùng những người trong đoàn “bắt ma” và thầy cúng Thổ thần sẽ liên hoan “thụ lộc” ngay tại bãi cúng. Trước khi nâng chén rượu lộc, hai chủ lễ cũ (pháp sư và thầy cúng Thổ thần) sẽ gắp đầu gà và chân gà cho hai người sẽ đến phiên làm chủ lễ mới trong năm tới.
Hàng năm, người Tu Dí thường tổ chức lễ Quét làng vào ngày Ngọ, ngày Mùi hoặc ngày Con người (à thá cũng) vào tháng Hai Âm lịch với mục đích để năm mới mọi người được bình yên, hoa màu tươi tốt, súc vật nuôi không bị ốm chết. Trước ngày tổ chức lễ cúng, ông chủ gia đình các hộ trong làng họp nhau tại nhà người cao tuổi nhất làng bàn công việc. Khi đi, mọi người mang theo một bát gạo, một con gà, tiền, hai nén hương và một chai rượu. Những ai mang chó, lợn, dê đến góp thì dân làng có trách nhiệm tới làm trả công cho người đó trong một ngày. Tới ngày đã định, tất cả đàn ông trong làng mang tất cả lễ vật ra một bãi trống đầu làng. Theo sự phân công, những người đàn ông khoẻ mạnh nhanh nhẹn cùng nhau mổ lợn, gà, dê, chó. Các thầy cúng tay cầm kiếm gỗ, một cành lá đao, mặt bôi nhọ chia nhau vào từng thôn làm lễ quét nhà cho cả làng. Vào nhà dân, thầy cúng rót một chén rượu đặt vào bàn thờ của gia đình, lầm rầm đọc tên tuổi tất cả những người trong nhà đó. Đọc xong, thầy cúng dùng kiếm gỗ múa khắp nơi trong nhà, gia đình cử một người đi sau dùng ngô (ngô để cả bắp nướng sau đó rẽ hạt) tung qua đầu thầy cúng. Lúc này, các lễ vật đã được làm xong. Dê, chó, lợn được xếp lại trong mâm tượng trưng với chiếc đầu, bốn chân, đuôi quay theo hướng tốt, xung quanh đặt các bát gạo của từng gia đình. Thầy cúng bày tám đôi đũa, tám chiếc bát, tám chén rượu, các a pờ ngồi xếp hàng ngang trước mâm lễ lầm rầm khấn. Lời cúng là những tên của loài ma (theo quan niệm của họ) được gọi về hưởng lễ, sau đó ra đi để không làm hại con người. Cuối cùng, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ. Các thức ăn cúng ma đều phải ăn hết không được mang vào trong làng. Thầy cúng lấy cành tre cắm xung quanh bãi đất sau đó lấy đuôi và tai chó cắm xuống đất nhằm không cho ma vào làng làm hại người. Thầy cúng đốt một đống lửa và bước qua, sau đó đi về nhà. Bắt đầu từ ngày hôm đó, dân làng kiêng không cho người ngoài vào nhà. Sau ba ngày, mọi sinh hoạt lại như cũ.
Lễ Quét Ma làng được tổ chức với mục đích đuổi hết những tai ương dịch bệnh và cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho con người, cây trồng và vật nuôi, thể hiện những khát khao, mong muốn của người dân về một cuộc sống tươi đẹp hạnh phúc. Đây là phần còn sót lại của nghi thức cầu an cầu yên của cả cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Ông xã hơn 17 tuổi khiến Khánh Vân “ngã ngửa” bởi hành động bất ngờ sau hôn lễ
Phan Như Thảo phải cắt túi mật vì giảm cân sai cách, thừa nhận sai lầm vì đẹp mà bất chấp
Rầm rộ loạt tin nhắn riêng tư của Đàm Vĩnh Hưng và vợ chồng Bích Tuyền, nội dung gây rúng động MXH