Lê Thị Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học công nghệ R2D: Bài toán thương mại hóa sản phẩm than “4 không”
Không khói, nhưng vẫn có lửa
Than là loại chất đốt phổ biến và quen thuộc, thường có mặt ở mỗi bếp lửa vùng quê, hay những lò nướng tại các chuỗi nhà hàng hiện đại.
Nhắc đến than, người ta nghĩ ngay đến khói, bụi. Nhưng Lê Thị Hiền cùng với nhóm start-up đã nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm than không khói từ nguồn nguyên liệu tận dụng từ phế thải nông nghiệp như gáo dừa, vụn than trắng.
Nổi bật với đặc tính “4 không” của sản phẩm: không khói, không mùi, không nổ và không chất kết dính hóa học, Dự án Than không khói của Hiền đã giành ngôi quán quân tại Vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần thứ 3, do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ kinh doanh (BSA) tổ chức năm 2017.
Ở Bến Tre, mỗi tháng có khoảng 9.000 tấn gáo dừa thải từ ngành chế biến dừa. Nguồn phế thải nông nghiệp này được người dân, thương lái đốt thành than để bán, nhưng hầu hết đều chưa có thương hiệu. “Đây là sản phẩm đã được nhiều người sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên, không ai chú trọng đến thương hiệu. Đó là chưa kể, than được đốt không đúng quy cách, gây ô nhiễm môi trường”, Hiền nói.
Bước ra khỏi cuộc thi, Lê Thị Hiền, ở tuổi 35, đã thành lập Công ty cổ phần Khoa học công nghệ R2D (Công ty R2D) và bước đầu thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của Hiền không phải đến khi thành lập được công ty mới bắt đầu, mà đã được đặt nền móng từ 3 năm trước, khi Hiền cùng xe chiếc cà tàng đi thu mua từng vỏ gáo dừa.
Đến nay, Công ty R2D đã xây dựng được một nhà xưởng tại tỉnh Tây Ninh và một văn phòng giao dịch tại TP.HCM. Mỗi tháng, R2D cung cấp khoảng 30 tấn than “4 không” cho các chuỗi nhà hàng chuyên đồ nướng và một số cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ.
“Tôi chọn định hướng nhắm đến khách hàng cao cấp hơn, như các siêu thị cung cấp sản phẩm hữu cơ ở khu vực trung tâm; đồng thời, xây dựng thương hiệu than hữu cơ, không trộn than đá như các đơn vị khác”, Hiền chia sẻ.
Theo khảo sát của R2D, tại TP.HCM hiện có hơn 300 quán nướng, sử dụng trên 1.000 tấn than mỗi tháng, chưa kể nhu cầu của các hộ gia đình... Tiềm năng của thị trường rất lớn, tuy nhiên, R2D vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống sản xuất và các dây chuyền liên quan, nên sản lượng cung cấp ra thị trường còn chưa thực sự ổn định.
Hiền cho biết, từ đầu năm đến nay, R2D đang đầu tư hệ thống dập tự động thay cho máy đùn và có thể sản xuất khoảng 5 tấn than mỗi ngày. Sau khi ổn định hệ thống, Công ty sẽ phát triển đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố và tập trung sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh thị trường trong nước, sản phẩm than “4 không” cũng đã được xuất khẩu. Sau hơn một năm thử nghiệm bán hàng trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, Hiền nhận thấy, thị trường nước ngoài cũng rất tiềm năng và cần được chú trọng. “Có những khách hàng nước ngoài đặt vài trăm tấn than mỗi tháng, nhưng trước hết, chúng tôi cần phải ổn định sản xuất, sau đó sẽ xuất khẩu sản phẩm than mang thương hiệu R2D, chứ không gia công”, Giám đốc R2D chia sẻ.
Bài toán thương mại hóa
Một kỹ sư như Hiền không gặp quá nhiều khó khăn để nghiên cứu ra sản phẩm, nhưng việc thương mại hóa sản phẩm thành công, thì ngay cả những người đã được đào tạo về kinh doanh một cách bài bản cũng gặp nhiều thử thách.
Cũng không phải ngẫu nhiên, Hiền nghiên cứu và sản xuất than không khói. Trước khi khởi nghiệp với R2D, cô từng thất bại trong một dự án cũng dựa vào tài nguyên bản địa là trồng sắn và sản xuất bột mì. Dù chưa thành công, nhưng Hiền vẫn trăn trở với những vật phẩm lợi thế của một quốc gia có nhiều tiềm năng nông nghiệp. Cho đến khi thực hiện nghiên cứu đưa ra giải pháp khói đốt cho sản phẩm than hút shisha tại thị trường Đông Âu cho một đối tác nước ngoài, Hiền bắt đầu nghiên cứu về các sản phẩm không khói, vô hại.
Than củi, than đá, than mùn cưa đã quen thuộc với người tiêu dùng. Hiền cùng các cộng sự đã tập trung nghiên cứu, xem đâu là vật liệu tối ưu nhất để sản xuất than. Kết quả, gáo dừa được chọn, bởi sau khi đốt, sản phẩm có màu ánh kim, nghĩa là đã chuyển hóa hết và không tạo khói khi sử dụng.
“Khi khởi nghiệp, đụng đến vấn đề gì cũng khó khăn. Ví dụ, trong giai đoạn tập trung nghiên cứu sản phẩm thì không thể bố trí thời gian để giải quyết các vấn đề như bán hàng, quản trị... Khi nhìn lại, mới thấy nhiều điều không ổn. Đương nhiên, người lãnh đạo phải biết kiểm soát và đào tạo nhân viên”, Hiền tâm sự. Cô cho biết, mình vẫn đang trong hành trình tìm kiếm những người bạn đồng hành.
R2D, theo Hiền, nghĩa là “từ nghiên cứu đến phát triển” (research to development). Chính vì vậy, Hiền cùng các cộng sự luôn không ngừng nghiên cứu để phát triển. Hiện, đội ngũ R2D đang nghiên cứu để cho ra mắt một số sản phẩm như nến từ cọ dầu, gel than... Hiền tự tin, than “4 không” của R2D có nhiều khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, khi sản phẩm không ảnh hưởng tới sức khỏe, góp phần tái sử dụng các tài nguyên bản địa mà giá thành chỉ cao hơn các sản phẩm cùng loại khoảng 20%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo