Lễ tra hạt - nét văn hóa đặc sắc của người Khơ Mú ở Điện Biên
Là một trong những dân tộc không có chữ viết riêng, nên nhiều bản sắc văn hóa của người Khơ Mú ở Điện Biên đã bị mai một. Nhưng với tính tự tôn dân tộc trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, lại có một kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú đã góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo, riêng có của người Khơ Mú.
Hàng năm, đồng bào Khơ Mú duy trì và tổ chức nhiều lễ hội liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt như lễ hội: Ăn mừng cơm mới, cầu mưa, cầu mùa, kin lẩu nó,… trong đó không thể thiếu lễ hội “Tăng rôi pư chui ngo sừm la” hay còn gọi là Lễ tra hạt.
Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú, mỗi độ xuân về, dân bản làm lễ tra hạt, cầu cúng thần linh, thần rừng, thần sông, thần suối, những linh hồn cù bất, cù bơ không nơi nương tựa, những người chết bất đắc kỳ tử, chết không có mồ mả về hưởng lễ và che chở, phù hộ cho dân bản mạnh khỏe, mùa màng bội thu, cho lúa xanh tốt, cho thóc đầy bồ, dân bản no ấm… nhằm xua đuổi tà ma ám hại cây lúa, bệnh tật, mối mọt ám ở nương rẫy, bám vào hạt giống làm hạt giống không nảy mầm.
Lễ tra hạt của dân tộc Khơ Mú thường diễn ra vào mùa xuân, khoảng tháng giêng - tháng 2 (Âm lịch) hàng năm, phần lễ diễn ra tại gốc cây to ở đầu nương rẫy, phần hội diễn ra tại sân bãi trong bản. Thầy mo thay mặt dân bản cầu khấn thần linh. Trước khi cúng, thầy cầm bó đuốc xua xung quanh gốc cây to cúng 3 vòng rồi mới đặt lễ cúng, thầy mo nắm từng nắm xôi nhỏ chấm vào thức ăn, để lên gốc cây và cúng.
Lễ hội tra hạt là đặc trưng của cuộc sống muôn sắc màu, đầy những âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên, tạo cảm hứng cho những nghệ nhân dân gian sáng tạo nên chiếc gậy chọc lỗ tra hạt độc đáo. Chiếc gậy không chỉ trở thành công cụ lao động mà còn là nhạc cụ đem lại những phút giây thư giãn trong trẻo trong quá trình lao động.
Việc chọc lỗ thường do nam giới đảm nhiệm còn tra hạt lại là phần việc của nữ giới. Điệu múa tra hạt đã nghệ thuật hóa động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất. Những động tác tưởng chừng như khô khan cứng nhắc, nay trở nên uyển chuyển, mềm mại và có nhịp điệu. Đây còn là tiết mục vui chơi thu hút rất nhiều người tham gia, nhất là thanh niên nam, nữ.
Trước hết là phải chọn ngày để làm lễ tra hạt, ngày tra hạt thường được căn cứ vào việc được hay mất mùa của gia đình đó, tức là nếu gia đình nào đi gặt lúa vào ngày mùng 5 thường hay được mùa thì từ đấy gia đình đó lấy ngày mùng 5 làm ngày tra hạt và ngày gặt. Ngoài ra người Khơ Mú kiêng gặt lúa và tra hạt vào ngày làm nhà, ngày sinh, ngày, giờ mất của ông bà, bố mẹ. Lúa giống dùng để tra hạt phải được sàng sẩy sạch sẽ rồi phơi khô đảm bảo không mối mọt, không bị lép mới được đem ra gieo trồng. Việc gieo trồng ở đây mang tính cộng đồng cao, mọi người đi giúp nhau, đổi công cho nhau. Việc được hay mất mùa cũng tùy thuộc vào hướng gieo trồng của mỗi một dòng họ, đồng bào quan niệm mỗi dòng họ có một hướng gieo trồng khác nhau, không họ nào được phép đi theo hướng gieo trồng của dòng họ khác.
Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt không còn phổ biến, nhưng điệu múa tra hạt thì vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào. Múa tra hạt không còn chỉ hạn chế trong một gia đình hay dòng họ, mà nó là ngày hội chung của cả bản, cả vùng. Vũ điệu chọc lỗ tra hạt của người Khơ Mú với chiếc gậy độc đáo, gắn với nhạc cụ vang lên âm thanh tưng bừng rộn rã, như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Hai chương trình nổi bật của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mừng xuân Ất Tỵ 2025