Linh ứng lạ kỳ ở ngôi chùa nằm trên 'rốn rồng'
Phật hóa ở cánh đồng
Không phải tự nhiên mà ngôi chùa Sùng Bảo được lập lên mà đằng sau đó là cả một quá trình gắn liền với Phật hóa tại mảnh đất địa linh. Cho đến tận bây giờ không một ai trong làng biết được thực hư ngày Phật hóa ra sao và ngôi chùa Sùng Bảo được xây dựng từ bao giờ. Dân làng cũng chỉ biết truyền tai nhau về câu chuyện tượng đất hóa tượng vàng tại cánh đồng làng xưa.
Trụ trì chùa Sùng Bảo, sư thầy Thích Tuệ Hạnh kể lại tích Phật hóa của làng: “Xưa ở đây chia làm ba làng khác nhau là làng Ván, làng Đuệ và làng Dục. Ba làng làm nông nghiệp cả, trẻ mục đồng ba làng đều hay chăn trâu ở ngoài Đồng Quân. Mục đồng mới nghịch nặn Bụt để chơi đồ hàng.
Sau đó mới đắp đất làm vách tường, lấy cây lau làm cột, lá cây dứa dại làm mái che làm thành miếu nhỏ để thờ Bụt. Ngày ngày mục đồng ba làng thay phiên nhau mang nải chuối xanh, nấu cơm, làm oản tẻ để lễ Bụt. Có một đêm trời mưa to gió lớn, sáng ra mục đồng mới vội rủ nhau ra xem Bụt có bị hỏng không, ra đến nơi thì thấy tượng đất hóa thành vàng lấp lánh.
Thấy thế, mục đồng gọi người làng ra xem, làng gần đấy mới xin rước về để thờ nhưng không thể rước được. Sau mới họp cả ba làng lại và quyết định lập một cái Quán nhỏ để thờ chung thì tự nhiên rước được tượng Bụt về”.
Cũng chính từ đó cả ba làng thờ chung Bụt, sau lấy tên là Đức Phật Bà Đồng Quân. Dân ba làng thay phiên nhau đem hương hoa thờ phụng Đức Phật. Cho đến tận bây giờ trải qua nhiều lần trùng tu do chiến tranh tàn phá ngôi chùa Sùng Bảo vẫn giữ được địa thế như trước và thờ bức tượng cổ Đức Phật Đồng Quân.
Sư thầy Thích Tuệ Hạnh cho biết thêm: “Trước chùa có tên gọi là Sùng Bảo Cổ Tự. Thời nhà Đường Trung Quốc có ông Cao Biền vốn nổi danh với những bùa chú trấn yểm, trong lần sang nước ta ngang qua làng thấy đất chùa linh mới hạ bùa để yểm nhưng chưa hạ bùa thì tự nhiên bùa đã cháy thành tro”.
Bao đời này người dân trong vùng vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về Đức Phật Bà Đồng Quân, trong đó có kể về vua Lê Đại Hành hai lần xuất quân đánh giặc phía Bắc nhưng không thành. Lần thứ ba đi ngang qua làng nghe tin làng có ngôi chùa linh thiêng, vua bèn lập đàn xin Phật Bà phù hộ. Sau khi giành được thắng lợi Vua Lê Đại Hành đã cung tiến ngôi kiệu Bát Cống, hiện ngôi kiệu đó vẫn còn được lưu giữ tại ngôi chùa.
Tọa lạc trên rốn Rồng
Liên quan đến địa thế tọa lạc của ngôi chùa Sùng Bảo, các cụ cao niên thời xưa có kể lại cho con cháu trong làng, ngôi chùa nằm trên rốn của một con Rồng. Con Rồng nằm cuộn tròn và chạy dọc suốt ba làng là làng Ván, làng Đuệ, làng Dục (nay là ba làng Xuân Nhân, Xuân Bản, Xuân Đào – PV).
Ông Phan Văn Thành người nắm rõ địa thế vùng này cho biết: “Trước các cụ cũng bảo với con cháu trong làng là toàn bộ vùng đất này là đất Rồng. Làng Xuân Bản làm nằm trên đầu của Rồng, làng Xuân Nhân là nằm trên thân Rồng và làng Xuân Đào là nằm ở đuôi Rồng”.
Đề cập thế đất của ngôi chùa Sùng Bảo, Ông Thành lý giải: “Chính ngôi chùa là nằm ở làng Xuân Nhân mà cụ thể là ngôi chùa nằm ngay trên rốn của Rồng. Căn cứ như lời các cụ trước có kể lại là mỗi vị trí của Rồng đều có một cái giếng nước và đúng là tại trung tâm ba làng đều có ba giếng nước. Nằm ngay tại chùa có một cái giếng nước quanh năm đầy nước, trước kia là dân trong làng đều lấy nước giếng về ăn”.Ông Thành cũng cho biết thêm về Đức Phật Bà Đồng Quân thờ tại chùa: “Trước dân trong vùng còn gọi Phật Bà là Thiên Thiên Pháp Vũ Đồng Quân. Thiên Thiên nghĩa là trời, Pháp Vũ nghĩa là mưa to gió lớn còn Đồng Quân chính là nơi Phật hóa. Nơi xây dựng ngôi chùa cũng chính là trung tâm của đất trời không chỉ là tọa lạc trên thân Rồng”.
Cầu đảo ắt sẽ có mưa
Đề cập tới việc linh thiêng của Đức Phật Bà tại ngôi chùa ông Thành cho biết, ngay đến bản thân ông cùng người dân sinh sống trong xã cũng phải công nhận ngôi chùa rất linh thiêng. Chính nhờ Đức Phật Bà mà cả vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ông Thành cho hay: “Linh hay không linh dân trong vùng ai cũng biết và đã chứng kiến. Ngày trước thời xưa vùng này chỉ cấy lúa một vụ thôi. Nhiều năm cứ vào tháng 2 tháng 3 khô hạn liên tục xảy ra, đồng ruộng không có nước.
Bà con mòn mỏi đợi mưa để cày ải, làm đất gieo mạ nhưng đất trời ngày càng khô hạn thêm. Các cụ trong làng mới nghĩ đến việc làm lễ tại chùa để xin Đức Phật Bà ban mưa cứu làng. Làng xã tập trung bà con lại làm lễ cầu đảo thì tự nhiên trời đổ mưa”.
Liên tục nhiều năm tiếp theo đến mùa cày cấy trời không có mưa, ruộng đồng khô hanh bà con ba làng lại làm lễ cầu đảo xin mưa. Dân làng ai cũng bảo nhờ làm lễ cầu đảo xin Đức Phật Bà ban mưa cho lên bà con cày cấy năm nào mùa màng cũng bội thu.
Ông Thành cho biết thêm: “Nhiều năm ở xã không có mưa làng xã chúng tôi lại làm lễ cầu đảo xin Đức Phật ban mưa cứu dân. Lễ cầu đảo đơn giản chỉ có một nải chuối xanh, oản tẻ, hoa quả cùng vài nén hương ra chùa hạ kiệu, xin Đức Phật làm lễ.
Đặc biệt rước kiệu phải là người con gái đồng trinh. Mà khi rước kiệu là kiệu tự nhiên cứ bay, rước qua những vùng địa thế nguy hiểm nhưng người rước và kiệu đều không việc gì. Hôm đầu tiên là rước từ chùa ra chỗ cánh đồng mà Phật hóa để làm lễ sau đó lại rước về chùa.
Hôm sau lại làm lễ rước kiệu quanh xã. Kỳ lạ mỗi lần làm lễ cầu đảo ba đến năm ngày sau thì trời đổ mưa mà mưa chỉ xảy ra ở trong xã còn vùng khác không có mưa”.
Để chứng minh sự linh thiêng của ngôi chùa Sùng Bảo, ông Thành dẫn chứng thêm thời gian Mỹ thả bom tàn phá một số địa phương miền Bắc năm 1968.
“Năm đó máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, tất cả làng đều bị bom dội hoang tàn không còn một nóc nhà. Nhưng điều kỳ lạ là ngôi chùa toàn bộ xung quanh đều đổ sập mà ngôi hậu cung nơi thờ tự Đức Phật Bà lại không việc gì, chỉ có ngói do sức ép của bom mới bị bung ra. Mọi người lúc đó mới bảo nhau khu vực thờ tự Đức Phật cho dù bom dội đến đâu cũng không hề gì”, ông Thành nhớ lại.
Nói đến linh ứng động chạm đến ngôi chùa bị Phật quở trách, ông Thành hãi hùng khi kể lại một trường hợp trong làng: “Năm đó cũng cách đây khá lâu rồi có cậu thanh niên người làng nghịch ngợm vào chùa bẻ một cổ tay của Đức Ông. Mấy tháng sau anh này đi nghĩa vụ quân sự thì bị tại nạn chết. Từ đó không một ai trong làng dám mạo phạm đến chùa, nếu ai động đến chùa nặng thì hạn nặng, nhẹ thì hạn nhẹ”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quang Mừng cán bộ văn hóa xã Xuân Dục cho biết thêm: “Ngôi chùa Sùng Bảo có niên đại cách đây ít nhất phải trên 1500 năm gắn liền với tích Phật hóa tại Đồng Quân.
Câu chuyện các cụ kể lại tượng đất hóa tượng vàng là có cơ sở căn cứ, đây không chỉ là địa chỉ tâm linh cho người dân trong vùng mà còn nhiều vùng khác nữa. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ngôi chùa chính là một trong những địa chỉ hoạt động cách mạng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo