Văn hóa

Lời nguyền “giếng độc” trấn yểm trong “cuộc chiến” ở xứ Mường

Lời nguyền "giếng độc" chỉ là một “hủ tục” mang tính chất dị đoan ở xứ Mường thời xưa nhưng nó đã gây ra "cuộc chiến" dai dẳng giữa hai dòng họ xứ Mường.

Ở xứ Mường Rụng thuộc xã Bảo Hiệu (Yên Thủy - Hòa Bình) đã từng diễn ra những cuộc tranh chấp địa vị lang Mường cách đây bảy thế kỷ. Từ ngàn xưa, người ta tương truyền rằng, dòng Quách Ngọc đã phá thế “rồng bay lên” của dòng Quách Công bằng bùa chú. Họ tìm cách nhấn chìm con mương Khèn, giết trâu trắng thả xuống giếng độc. Họ đã chặn ngang “yết hầu” của dòng nước đầu nguồn dẫn về bản nơi họ Quách Công là lang Mường. “Giếng độc” bị trấn yểm bằng lời nguyền sẽ không cho dòng Quách Công làm quan.

Mục sở thị vùng đất của các lang Mường

Một lần đến đất Yên Thủy để tìm hiểu lịch sử Lang Mường, chúng tôi nghe các cụ cao niên kể về việc tranh giành quyền lực của hai dòng họ Quách đã kéo dài suốt mấy thế kỷ. Tìm hiểu kỹ hơn về dòng dõi lang Mường, chúng tôi biết được, nơi đó hiện nay nằm ở xứ Mường Rụng.
Đến xã Bảo Hiệu (Yên Thủy - Hòa Bình), chúng tôi tìm gặp ông Quách Công Tiễn (sau cách mạng thì đặt tên là Quách Văn Tiễn). Được biết, người đàn ông này là hậu duệ đời thứ sáu của dòng họ Quách Công. Mặc dù đã 71 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những câu chuyện cách đây gần chục thế kỷ. Đó là truyền thuyết từ các tiền nhân kể lại. Bên bếp lửa bập bùng mang đậm chất sử thi, ông Tiễn kể những câu chuyện chất chứa vẻ huyền bí về những trang sử của lang Mường. Từ chuyện trấn yểm thâm độc đến chuyện bùa chú rùng rợn. Sau này, kết hợp lịch sử về các lang Mường, qua lời kể của các cụ già, chúng tôi đã tìm ra được sự thực của việc tranh chấp giữa hai dòng họ Quách Ngọc và Quách Công.

Hình ảnh “giếng độc” mà người dân Mường vẫn bàn tán.

Được biết, năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi. Sau đó, ông đã ra lệnh cho mỗi một vùng Mường phải có một lang cai trị. Lang là một người đứng đầu một xứ, thay mặt vua cai quản một vùng. Mỗi lang Mường có chức vụ như một địa chủ. Tuy nhiên, cùng là người Mường nhưng về mặt địa lý và phong tục tập quán khác nhau nên các lang Mương cũng có những điểm riêng. Tất cả các hoạt động của người dân xứ Mường Rụng này đều là sở hữu của nhà lang. Người dân sản xuất trên đất của lang và có nghĩa vụ trả thuế bằng một phần thóc lúa. Thậm chí, khi săn bắn được con thú, họ phải cống nạp lên nhà lang những phân ngon nhất. Hầu hết các hoạt động văn hóa, xã hội, ma chay, cưới xin cũng phải qua sự đồng ý của nhà lang mới được tiến hành.

Khác với sự cai quản “độc trị”, quan liêu của các lang khác, dòng Quách Công lại rất quan tâm lo lắng cho người dân. Nhà lang chia ruộng nương cho dân cày cấy. Nhà nào thiếu ăn, lang lấy của nhà giàu phân phát. Thời đó, tính cộng đồng ở đây cũng thể hiện rất rõ. Mỗi khi có đám cưới, ma chay, làm nhà… họ đều giúp đỡ nhau rất nhiệt tình. Bất kể chuyện gì của dân bản, nhà lang dòng Quách Công đều ra tay giúp đỡ. Dưới sự cai trị của dòng lang này, cuộc sống người dân rất no đủ. Người dân xứ Mường Rụng vẫn thường ca: “Khát nước xuống suối, đói lòng thì đến nhà lang”.

Thấy dòng họ Quách Công có quyền lực thịnh trị, no ấm, dòng họ Quách Ngọc ở Lạc Sơn ghen tị. Họ âm thầm tìm hiểu về sự thịnh trị của dòng họ Quách Công để bày cách hãm hại. Vào thế kỷ thứ 17, dòng họ Quách Ngọc cho một người là bậc thầy về phong thủy, am hiểu về lịch sử, tinh thông địa lý đến ở rể ở họ Quách Công làm nội gián. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, hắn đã biết được ở khu vực Đống Thả - địa điểm đặt mộ tổ của dòng họ Quách Công là nơi hội tụ sinh khí của đất trời. Địa thế như cái “đầu rồng” uy nghi lộng lẫy. Còn bản làng nằm gọn trên thân hình thế đất “rồng bay”. Chỉ cần trấn yểm được vùng đất này thì dòng họ Quách Công sẽ lụi bại.

Dùng trâu trắng yểm bùa (Ảnh minh họa).

Dùng trâu trắng, gỗ thần để yểm bùa

Những âm mưu “trấn yểm đầu rồng” mà ông Tiễn nhắc đến khiến chúng tôi càng muốn khám phá thực hư câu chuyện. Được biết, ở một số dân tộc thiểu số, muốn yểm “bùa ma tà chú” phải biết được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ để khống chế. Vì vậy, người này đã nắm bắt được điểm cốt yếu của dòng Quách Công là nguồn nước. Ở đây ai cũng phải dùng chung con mương chảy dưới từ Đồi Thả. Nước như là sinh khí truyền lại đến đời sau, chỉ cần trấn yểm được nguồn nước coi như đã hạ được “đối thủ”.

 

Ngày trước cả mấy trăm hộ ở xứ Mường Rụng vẫn dùng nguồn nước chảy từ chân núi Đống Thả. Người ta gọi đó là con mương Khèn. Con mương này đã được dẫn đi khắp các cánh đồng. Mặc dù những năm hạn hán, khắp các vùng xung quanh đều không có nước dùng nhưng ở thu lũng này vẫn còn nước tưới cho khắp các khóm lúa.

Biết được điều đó, dòng họ Quách Ngọc tiến hành âm mưu bá nghiệp xứ Mường Rụng với nhiều thủ đoạn hiểm ác. Họ tìm cách chơi xấu cực thịnh của dòng họ Quách Công bằng cách phá thế “hình nhân rồng”. Kẻ nội gián đã thuyết phục nhà lang Quách Công cần đào một cái mương để đưa nước đến cánh đồng đang khô cạn. Vì thương dân tình, lại không am hiểu về phong thủy, nhà lang đã không nghe lời khuyên can của các cụ già làng. Lang Mường huy động dân làng đào con mương dẫn nước về bản. Âm mưu phá “hình chân rồng” đã thành công. Hai con mương khác nhau chumå đầu lại và đuôi tỏa chi chít. Từ thế rồng bay biến thành hình cái chân gà.

Khi đã phá xong thế hình đất hình rồng, dòng Quách Ngọc lại tìm cách trấn yểm. Họ thấy ở giữa con mương có một ngụn nước quanh năm trong vắt. Nguồn nước này mát rượi, mùi thơm là lạ. Dân làng uống nước này ít khi bị ốm vặt. Nước dồi dào đến nỗi tỏa đi tưới cho các cánh đồng lúa quanh năm mà không cạn. Dòng Quách Công quyết yểm bùa trấn con Mương Khè.

Họ Quách Ngọc dùng con trâu trắng làm bùa. Trong văn hóa Mường, con trâu trắng là biểu tượng cho sự huyền bí, của những điều không may mắn. Mỗi khi người dân gặp chuyện quái gở họ thịt trâu trắng để trừ tà. Khi dòng họ có những chuyện không hay như có nhiều người chửa hoang, hay dòng họ có nhiều người chết trẻ, hay điều gở, bất thường là cả họ lại phải thịt trâu trắng để giải hạn.

Ngày ấy, ở Lang Rụng có một cái giếng bên cạnh tảng đá to phẳng đã bạc màu bên miệng. Tại chiếc giếng này, ai cũng thấy có khắc hình con phượng. Trước đây, đó chỉ là ngụn nước nhưng khi được yểm bùa thì nó mang cái tên là “giếng độc”. Dòng họ Quách Ngọc đã bí mật mời thầy cúng giỏi đến để làm lễ yểm bùa vào giếng bằng việc thịt con trâu trắng. Họ thả hết toàn bộ số thịt đó vào giếng nước với mưu đồ làm cho linh khí của nguồn nước tinh khiết biến mất. Ngày ấy, người ta quan niệm rằng, thịt con trâu trắng sẽ làm cho giếng nước mất thiêng.

 

Nửa năm trời đi kiếm bùa hại người

Để cho dòng họ Quách Công không có cơ hội trả thù, dòng Quách Ngọc đã tìm cách trấn yểm bằng “khúc gỗ nhiều ma”. Họ đã cử một đoàn người vào trong Thanh Hóa để chặt ba cây gỗ to mà các thầy mo của dòng họ này đã tìm được trước đó. Họ nghĩ, ba cây đại thụ đó lấy linh khí của xứ Mường Thanh Hóa để át dòng họ Quách Công. Đoàn người đi lấy gỗ yểm đã làm lễ khấn thần cây, rồi đốn mấy tuần mới hạ được. Sau đó, họ dùng ba con voi kéo cả nửa năm trời mới chuyển được cây từ Thanh Hóa về. Sau khi lấy được ba khúc gỗ về, một nghi lễ bí mật được yểm lời thề nguyền vào khúc gỗ. Bao giờ khúc gỗ nổi lên thì dòng họ Quách Công mới ngóc đầu lên được. Sau đó dấn chìm xuống đáy con mương Khèn.

Nên đọc
Theo Đời sống & Pháp luật
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo