Văn hóa

Lời răn dạy đạo đức trong sách cổ của người Dao ở Lào Cai

Lời răn dạy là những câu nói có vần, có nhịp điệu về giáo lý, đạo đức trong gia đình, cộng đồng được ghi chép trong sách cổ người Dao. Lời răn dạy gồm nhiều loại, thể loại khác nhau ghi chép xuyên suốt theo chu kỳ đời người, là kho tàng tri thức dân gian quý giá cần được bảo tồn, phát huy đồng thời với giá trị - hồn sách cổ của người Dao.

Người Dao ở Lào Cai có 74.220 người gồm 3 nhóm ngành Dao đỏ, Dao họ, Dao tuyển cư trú ở 8/9 huyện, thành phố thuộc tỉnh Lào Cai. Mỗi nhóm ngành người Dao đều có nhiều thể loại về lời răn dạy, giáo lý được ghi chép trong sách cổ.

Người Dao (Dao tuyển) quan niệm có 5 giới (thời kỳ) của cuộc đời con người gồm: Giới Nhi (được tính từ đứa trẻ trong bào thai đến 10 tuổi), Giới Hưng (từ 10 tuổi đến 50 tuổi), Giới Lão (ngoài 50 tuổi đến trước khi chết), Giới Ma (từ sau khi chết đến trước khi giỗ đầu) và Giới Tiên (sau khi giỗ đầu, người ăn ở phúc đức sau sẽ được siêu thoát thành tiên). Có thể nói, người Dao được đắm mình trong nguồn suối tắm mát về lời răn dạy theo suốt chu kỳ đời người.

Ngay sau khi đứa trẻ sinh ra được 3 ngày, trong lễ đặt tên, bà đã ru cháu, khuyên cháu chăm ngoan, ngủ ngon hoặc có những lời mang tính khuyên nhủ cả cộng đồng tránh xa những thói hư tật xấu.

Lớn hơn, đứa trẻ được đắm mình, tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống, những câu đố, câu hát về trò chơi. Trong cuốn sách Chủ xồng sâu của người Dao đỏ ghi: “Có con cái, cho đến trường; Đi đây đó, học điều hay”, cuốn Boòng dầu cấu của người Dao họ lại có những điều răn về phận trai, phận gái, việc học hành: “Dạy con học hỏi điều trong sách; Dạy gái thêu thùa chớ ngơi tay; Điều học trong sách phải thực hành; Đừng lấy sách vở mắng lại thầy; Nếu mắng lại thầy thì hết cách; Chỉ có quan tài để dấu thân”.

Lời răn dạy là những câu nói có vần, có nhịp điệu về giáo lý, đạo đức trong gia đình, cộng đồng được ghi chép trong sách cổ người Dao.

Khi đến tuổi trưởng thành, người Dao tổ chức lễ cấp sắc (quá tang, lập tịch, độ giới...) cho trẻ em nam. Trong lễ cấp sắc, lời răn gắn với nghi lễ linh thiêng được thầy cúng thổi hồn dạy bảo: “Cấp sắc rồi, con không được trộm cắp, nói xấu người; Cấp sắc rồi, con không được ác tâm, đánh chửi người thiên hạ...”.

Khi xây dựng gia đình, vai trò của bà mối, lời răn cùng nghi lễ liên quan đến đám cưới được tỷ mỷ ghi chép trong cuốn sách Phá Lý, Coóc truy sâu. Sau khi đã xây dựng gia đình, lời răn nói đến mối quan hệ vợ chồng, con cái.

Trong ứng xử, gia đình, cộng đồng, sách Tăng quảng thư, Phá Lý, Boòng dầu cấu... ghi rằng: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân; Một ngày bắt đầu từ giờ Dần; Điều cốt lõi của gia đình là sự hoà hợp; Cái quan trọng nhất trong đời là tính cần cù chịu khó; Cầu người không bằng cầu ngay chính bản thân; Xét bản thân trước rồi mới đến người ngoài”.

Đến tuổi già, cận kề với tổ tiên lời răn phản ánh kinh nghiệm, cuộc sống, hướng dẫn nghi lễ, ma chay.

Sau khi cải táng, trong nghi lễ người Dao lại căn dặn: “Tiễn đưa linh hồn lên tiên cảnh; Chúc cho chủ chay thọ vô cùng; Con nhớ ân sâu sửa soạn cúng; Dâng cho linh hồn khỏi khó khăn....Mong thành tiên thánh chốn thiên đường”...

 

Nụ cười của những cô gái Dao.

Theo thống kê đến tháng 12/2009, người Dao ở Lào Cai còn lưu trữ được trên 11.000 cuốn sách cổ. Trong đó, sách viết lời răn dạy hầu như ở các làng đều có, được thể hiện ở các tên gọi khác nhau như: người Dao tuyển gọi là “diền bằn, moong dầu, pu li pằn, rành nhây”, người Dao họ gọi “pên các thánh ca vằn thi”, người Dao đỏ gồm nhiều cuốn dạng giáo trình: “thiên hả, so khai, xứ xồng, pò lẩy, chăng quang sâu, cọ chỉ sâu, dìu dần sải ni...”. Năm 2009, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sưu tầm 35 cuốn để dịch thuật, đã lựa chọn 17 bản chữ Dao, 13 bản dịch lời Việt xuất bản song ngữ (Chữ Dao - Âm Việt) do TS. Trần Hữu Sơn (chủ biên). Hiện tại, Chủ biên cuốn sách đang vận động các nguồn tài trợ, in ấn, xuất bản và tặng cho chủ nhân sáng tạo - cộng đồng các làng người Dao.

Mặc dù số lượng sách cổ phong phú nhưng hiện nay vấn đề lưu trữ sách cổ, bảo quản sách cổ vẫn còn nhiều khó khăn, là hiện trạng “Báo động” trước kho tàng di sản vô giá của người Dao.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã vận dụng các nguồn đầu tư, hỗ trợ mở 10 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho trên 200 thanh thiếu niên biết đọc, biết viết. Từ mô hình trên đã có 28 làng có nghệ nhân - người am hiểu, tâm huyết với chữ Dao cổ tự đứng lên mở lớp truyền dạy cho trẻ em, đó là việc làm xứng đáng được tôn vinh, trân trọng trong cộng đồng. Tuy nhiên, con số các làng, trẻ em được tiếp cận chữ viết cổ rất “khiêm tốn” so với 466 làng được điều tra về lưu trữ, phát huy kho sách cổ ở Lào Cai.

 Lời răn dạy, sách cổ là kho tàng tri thức của cộng đồng người Dao. Nhờ có sách cổ mà nghi lễ, tín ngưỡng, tri thức của cộng đồng của người Dao được lưu giữ và trao truyền khắp các thế hệ. Vì vậy, để bảo tồn được sách cổ phải có nhiều biện pháp tuyên truyền về giá trị sách cổ, đổi mới nhận thức về vai trò của tôn giáo tín ngưỡng Dao, vai trò của các nghệ nhân, thầy cúng người Dao. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ bảo tồn tiên tiến với các hình thức bảo tồn dân gian của người dân, làm sống lại môi trường học tập, trao truyền kiến thức thực hành viết, đọc chữ Dao cổ cho thế hệ trẻ, cộng đồng tham gia - chủ thể sáng tạo, lưu giữ văn hoá người Dao.

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo