Lựa chọn Quốc hoa- trăm mối tơ vò!
(Dantri) - Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH TT&DL), đã có đề án trình Chính phủ về chọn Quốc hoa cho Việt Nam, Bộ VHTTDL đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về sự cần thiết của việc lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam, đề xuất Quốc hoa Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến nhân dân và dư luận xã hội qua hình thức bầu chọn trực tiếp Quốc hoa Việt Nam ở ba miền đất nước và qua mạng Internet.
Theo đó, trong 20.000 ý kiến, có 62 - 97% số ý kiến bình chọn trực tiếp và 62,1% số ý kiến được hỏi trên mạng Internet chọn hoa sen, 16% chọn hoa Đào, 5% chọn hoa Ban và 2% chọn hoa tre và nhiều ý kiến khác.
Trước những ý kiến trái chiều, Dân trí đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển Việt Nam và Giáo sư (GS) Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu Văn hóa. Mở đầu cho câu chuyện, cả PGS.TS Lê Quý Đức và GS Ngô Đức Thịnh đều có nhận định chung cho rằng đã cần thiết lắm hay không việc tổ chức lựa chọn Quốc hoa, khi mà Việt Nam đang có có quá nhiều vấn đề cần phải làm ngay như kinh tế, giáo dục, đối ngoại… cần phải ưu tiên giải quyết ngay.
Hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong
dịp Tết đến, Xuân về của người miền Bắc.
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, việc lựa chọn Quốc hoa là việc hết sức khó khăn, cần phải có một thời gian dài để đi đến quyết định cuối cùng, vì phải thăm dò dư luận và được sự đồng thuận của toàn dân. Và hơn nữa, mỗi vùng miền lại có một loại hoa gắn bó với đời sống và tiềm thức, nên việc lựa chọn ra một loài hoa đặc trưng, làm biểu tượng cho cả dân tộc là việc rất khó và cần nhiều thời gian để làm…
PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng để tìm ra Quốc hoa phải chọn loại hoa ăn sâu vào trong tiềm thức, hòa quyện tâm hồn của người Việt, hơn nữa, Quốc hoa phải biểu tượng cho 54 dân tộc anh em, nó càng phải là biểu tượng của sự đồng lòng, nhất trí và gắn kết. Cũng không vì thế mà gò bó chỉ một loại hoa, có thể chọn hai hoặc trên hai loại, việc này do nhân dân tự biểu quyết và chọn lựa.
Mai vàng, loài hoa miền Nam yêu thích.
Mỗi vùng miền lại có một hoa làm biểu trưng và gắn bó với nhân dân vùng miền đó, như miền Bắc thích hoa Đào, miền Nam hoa Mai, các vùng miền khác thích hoa Ban, hoa Mơ, thành phố thích hoa Sen, nông thôn lại thích hoa Lúa... Vì vậy, muốn chọn được Quốc hoa sẽ phải lấy ý kiến, khảo sát xã hội học, phải đi sâu đi sát, tâm tư nguyện vọng của dân, phải lấy ý kiến rộng rãi từ Nam ra Bắc và các dân tộc anh em, sau đó các nhà quản lý mới tập hợp ý kiến, nguyện vọng lại và chọn ra Quốc hoa, như vậy mới đảm bảo được tính khách quan.
PGS.TS cho biết thêm, không nên lấy biểu tượng của nước ngoài vào Việt Nam, hoa Sen theo đạo Phật từ Ấn Độ vào Việt Nam, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân, tuy nhiên nên chọn một loài hoa mang đặc trưng của dân tộc ta, như vậy sẽ mang hồn thiêng của dân tộc. Văn hóa là phải có chiều sâu và nó được bồi đắp dần lên, thực sự cần thiết để có một quốc hoa thì nên làm điều tra xã hội học, nhiều người thích thì mới làm, và phải giải thích được, tại sao người ta lại thích loài hoa đó?
Sự lựa chọn được số đông ủng hộ là hoa sen.
Thêm nữa, nhiều câu hỏi khác cũng phải đặt ra, để tạo ra biểu tập trung cho tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, việc chọn Quốc hoa là cần thiết, nhưng thời điểm này đã cần thiết lắm hay chưa? Liệu nhân dân có thấy cần thiết là thời điểm này phải chọn quốc hoa? Hơn nữa, trên thế giới, họ không quy định đất nước phải có Quốc hoa mới được hội nhập kinh tế, mới có tiếng nói trong ngoại giao...
Nhiều ý kiến đã cho rằng, chọn Quốc hoa có thể làm đa dạng, phong phú hơn những giá trị mang tính biểu trưng của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để nói lên bản sắc riêng, văn hóa, hồn cốt của dân tộc lại cần phải có khoảng thời gian để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không thể quá nôn nóng.
Ngọc Linh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Hai chương trình nổi bật của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mừng xuân Ất Tỵ 2025