Văn hóa

Lưu Trọng Ninh và sự công phu làm mới “Bến không chồng“

Sau thành công của phim nhựa “Bến không chồng” - bộ phim đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Mới đây, một lần nữa, anh lại quyết định làm mới tiểu thuyết của tác giả Dương Hướng sang thể loại phim truyền hình nhiều tập. Đạo diễn tâm sự:

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
 

- Chuyện “làm mới” này bắt đầu từ việc VFC Đài truyền hình Việt Nam đặt vấn đề với tôi là họ muốn làm một bộ phim về đề tài về nông thôn. Về nông thôn có hai đề tài mà tôi rất thích, đó là những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ở Nam Bộ và “Bến không chồng”. “Bến không chồng” như một hình ảnh xuyến suốt làng quê trong giai đoạn đẹp nhất và đau thương nhất, làng quê những năm 60, 70 đẹp và rất lãng mạn.

“Bến không chồng” trước tôi chưa có điều kiện để lột tả toàn bộ bức tranh. Nó vẫn bị ẩn trong một góc nhỏ nào đó do phim nhựa ngắn, đây là điều kiện để tôi đưa toàn bộ suy nghĩ của mình vào đó. Làm “Bến không chồng” lần này khó hơn trước rất nhiều. Điều khiến tôi trăn trở nhất là phải làm thế nào để thoát khỏi bóng của “Bến không chồng” cũ? Và thứ hai đây là đề tài khó và rất nhạy cảm. Làm sao để khi khán giả xem họ thấy đây là thời oai hùng, bi tráng nhất nhưng cũng đồng thời thấy được nỗi đau của họ trong đó. Bộ phim động tới nỗi đau của phụ nữ mà khi động tới nỗi đau phụ nữ thì dễ nhận được sự cảm thông, nhưng lại có quá nhiều nỗi đau, như vậy liệu bộ phim có thể tồn tại được không?

Khi lặp lại đề tài này, tất nhiên tôi sẽ phải thay đổi rất nhiều, lấy lại chuyện cũ thì không được nên tôi đã mở rộng thêm nó. “Bến không chồng” chỉ là một cái cớ, tôi chỉ dựa vào kết cấu của tiểu thuyết, còn trong bộ phim của tôi có hệ thống mới từ kịch bản cho tới các diễn viên. Kịch bản lần này tôi viết hơi ngược một chút, khi VFC đầu tư làm phim thì họ cho tôi đi chọn cảnh trước, về tôi mới về viết kịch bản, mỗi lần tôi viết xong gửi lại thì họ rất hài lòng.

Một bộ phim hội tụ các diễn viên là ngôi sao, có chút sex, hoặc chút hành động thì phim sẽ ăn khách hơn, nhưng trong phim của anh dường như xuất hiện những gương mặt hoàn toàn mới anh có nghĩ nó sẽ ảnh hưởng tới sự thu hút khán giả của bộ phim?


- Không, phim của tôi trước tới nay vẫn thế, phim nhựa, truyền hình của tôi vẫn thu hút khách như “Hoa cỏ may” mới “đẻ” ra Hồ Ngọc Hà, Vi Cầm, Hải Anh… hay “Dốc tình” “đẻ” ra Tăng Thanh Hà, Kim Hiền... Tôi nghĩ nổi tiếng hay không không quan trọng, hơn nữa đề tài này không nhất thiết phải sử dụng diễn viên nổi tiếng để thu hút khán giả, nó thu hút bằng hình ảnh, bằng câu chuyện. Hình ảnh làng quê Việt Nam với cây đa giếng nước, sân đình bộ phim đã tái tạo lại toàn bộ hình ảnh đó và nó sẽ tự nhiên thu hút mọi người. Phim của tôi không có sex nhưng nó có những chuyện tình rung động, nó có khát vọng của con người, đó là sự thu hút.

Trong quá trình chọn nhân vật chính anh có lo ngại diễn viên không lột tả được hết nhân vật không? Nhất là diễn viên nam chính là một Việt kiều?


- Không, đó đều do cảm tính và kinh nghiệm làm phim nhiều năm của tôi. Nam chính của bộ phim đã từng mon men trong lĩnh vực điện ảnh, chỉ có điều mọi người chưa biết nhiều tới cậu ấy. Cái khó khăn nhất của cậu ấy là chưa nói rõ được tiếng Việt tốt, chúng tôi phải sử dụng lồng tiếng vì cậu ấy mới về Việt Nam được 2 năm. Tôi không chia sẻ kinh nghiệm vai diễn của mình cho cậu ấy. Cũng như tôi từng đóng vai Vạn, Vạn có tố chất nào đó hơi biệt lập một chút. Tôi muốn làm ngược tất cả, tôi không muốn lặp lại và tôi để cậu ấy tự do thể hiện nhân vật theo cách riêng của mình.

Đây là một bộ phim truyền hình dài tập vậy anh làm thế nào để khiến nó không gây sự nhàm cho khán giả?

- Thực ra bộ phim chỉ hơn 30 tập và nó không quá dài. “Bến không chồng” phim nhựa của tôi làm tại 3 làng Phù Lãng, Phù Thầy và Đình Phong tạo thành một câu chuyện, còn bây giờ thì tôi phải làm tận 18 làng vì các làng quê thay đổi nhiều nên tôi phải đi tìm từ cái sân đình tới sân kho hợp tác, đi tìm từng bờ kênh, bờ sông… Hiện nay, làng quê Việt Nam đã trở thành kí ức, tôi không muốn nó là kí ức, tôi muốn dựng lại hình ảnh làng quê để khi khán giả xem họ thấy được đó là một làng quê đẹp bình dị.

Một số bộ phim viết về đề tài nông thôn về mặt trái của làng quê, người ta thích cái ác, cái nổi cộm để nó dễ đi vào lòng người, nhưng tôi thì không đi theo con đường ấy vì thực ra làng quê không hẳn như vậy, tôi thích mô tả cái đẹp, bình dị, nhẹ nhàng. Tôi đi ngược lại và cái bình dị thì sẽ khó hơn rất nhiều. Tôi đi vào vẻ đẹp của làng quê chứ tôi không đi vào mặt trái của làng quê.

Con người của chúng ta bây giờ là con người rất đa nhân cách, cái ác cái xấu bao giờ cũng hiện hữu ở 2 mặt. Giờ ta động tới cái xấu thì họ nghĩ tới cái xấu, nhưng ta động tới cái đẹp thì họ sẽ bị rung cảm với cái đẹp.

- Cảm ơn anh.

Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo