Lý do khiến không ai mặn mà với VAMC?
(vov) Nếu chiểu theo Quyết định thành lập, VAMC có những chức năng rất cơ bản để trong giai đoạn ít nhất 5 năm tới sẽ là tác nhân quan trọng hóa giải “cục máu đông” nợ xấu, giúp khơi thông hoạt động tín dụng vốn đã ách tắc trầm trọng suốt hơn 2 năm qua.
Về tương lai, khi nợ xấu đã được giải quyết căn bản, VAMC sẽ hoạt động như một ngân hàng đầu tư và khi đó, các ngân hàng thương mại hiện nay đang kiêm nhiệm chức năng đầu tư sẽ phải chấm dứt hoạt động đầu tư, chuyên tâm vào hoạt động tín dụng huy động - cho vay và các dịch vụ ngân hàng khác.
Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết. Còn trên thực tế, VAMC đang đứng trước một loạt vấn đề bối rối, không dễ gì khơi thông được ngay. Bối rối đầu tiên là ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đã qua, nhưng công ty này vẫn chưa thể ra mắt vì có 3 vướng mắc cơ bản: Chưa hình thành xong bộ máy nhân sự; qui chế hoạt động nội bộ chưa được ban hành; qui chế phát hành trái phiếu còn đang soạn thảo.
Ngoài những vướng mắc mang tính kỹ thuật này ra, VAMC còn đang đối diện với rất nhiều khó khăn mang tính nghiệp vụ. Đó là việc phải thực hiện mua được số nợ xấu có giá trị từ 50.000 tỷ đến 70.000 tỷ đồng cho đến cuối năm nay, trong khi đó vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng, thời gian còn lại từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng!
Cái khó mang tính nghiệp vụ thứ hai là khi mua lại nợ của ngân hàng thương mại (NHTM), VAMC phải sàng lọc qua hàng loạt giấy tờ, hàng trăm thủ tục hành chính để xác quyết xem doanh nghiệp đang có nợ xấu với ngân hàng có đáng tin cậy hay không, có đáng cứu hay không, có thể phục hồi được hay không rồi mới quyết định đổ tiền vào.
Với thực tế số liệu báo cáo của doanh nghiệp hiện nay rất mù mờ vì vẫn tồn tại hai loại sổ sách kế toán mà ngay cơ quan kiểm toán hoặc thanh tra cũng đã từng bỏ lọt thông tin, thì VAMC khó đẩy nhanh tiến trình đánh giá này để sớm có quyết định mua nợ được đúng. Đấy là đối với trường hợp VAMC muốn hỗ trợ mua nợ trực tiếp của doanh nghiệp.
Tất nhiên khi đã mua được khoản nợ này, VAMC có thể chuyển giá trị món nợ đó thành vốn góp vào doanh nghiệp và khơi thông dòng chảy tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xác định được món nợ xấu nào có thể chuyển thành cơ hội kinh doanh, đòi hỏi những cán bộ nghiệp vụ của VAMC phải rất tinh thông thị trường, giỏi nghiệp vụ, có tâm huyết với sự nghiệp… đòi nợ, mới có thể đưa ra những quyết định đúng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngay cả bộ máy chủ chốt của công ty còn “đốt đuốc” chưa tìm thấy nhân sự, tìm được lực lượng cán bộ nghiệp vụ giỏi cũng là một thách thức không nhỏ.
Một loại hình nghiệp vụ nữa mà VAMC có thể thực hiện là mua những khoản nợ có khả năng phát mãi tài sản, trên nguyên tắc đây là những khoản nợ có tài sản thế chấp, có thể phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi tiền. Nhưng đa số các tài sản thế chấp lại là bất động sản, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay thì bán được tài sản thế chấp đã khó, bảo toàn được giá trị thế chấp lại càng khó, vì giá bất động sản của năm nay đã giảm tới hơn 100% so với năm 2011.
Chưa kể sẽ có tình trạng, các NHTM sẽ chỉ bán những món nợ “khó nhằn” do những bất cập về tính pháp lý của các tài sản thế chấp (tức là những tài sản thế chấp mà chứng cứ pháp lý không đủ mạnh để chứng minh quyền sở hữu của người vay nợ). Với thực tiễn ở nước ta hiện nay, ngay cả khi một tài sản thế chấp có đủ giấy tờ pháp lý muốn bán cũng mất hàng năm trời, thì với những tài sản mà tính pháp lý yếu, không rõ sẽ phải ngâm bao lâu?
Vì thế, VAMC đã được khai sinh, nhưng đến nay vẫn chưa rõ cơ chế để nuôi dưỡng nó sẽ như thế nào. Phải chăng đó là lý do khiến ít người mặn mà với VAMC?.
Thu Liên
End of content
Không có tin nào tiếp theo