Văn hóa

Lý do người Hàn Quốc không bao giờ nói 'của tôi'

Nhà báo Mỹ đã rất bất ngờ khi nghe người phụ nữ Hàn Quốc nói về chồng mình bằng từ "chồng chúng ta".

Ann Babe, nữ nhà báo của BBC đã có một thời gian sống ở Hàn Quốc. Dưới đây là trải nghiệm của cô về cách dùng từ và thể hiện bản thân trong văn hóa của người bản địa. 

"Chồng chúng ta cũng là giáo viên", Ann đã rất bất ngờ khi nghe thấy câu này từ miệng một đồng nghiệp nữ. Người này ngồi ăn súp cùng một nữ đồng nghiệp khác và họ đang trò chuyện cùng nhau. Khi đó, cả ba đang ngồi ăn trong phòng ăn trưa dành cho giáo viên của trường trung học nữ sinh Mae Hyang.

Người Hàn Quốc thường đề cao tính cộng đồng, tập thể hơn là cá nhân. Ảnh: BBC.

Câu nói này khiến nữ nhà báo cảm thấy rất khó hiểu và thắc mắc liệu có phải mình đã nghe nhầm? Hay sự thực hai người phụ nữ này lấy chung chồng?

Thấy Ann tỏ vẻ không hiểu, một đồng khác liền giải thích: "Cô ấy đang nhắc đến chồng mình đấy. Ở đây, chúng tôi thay vì nói của tôi, sẽ nói là của chúng ta".

Ann vừa nghe giải thích, vừa cầm đũa gắp kim chi một cách vụng về. Đó là thời điểm cô đang cố gắng làm quen với món ăn phổ biến này của người Hàn, cũng như thứ ngôn ngữ kỳ lạ ở đây.

Julio Moreno, một blogger Mỹ, cũng từng gặp tình huống tương tự Ann. "Khi nghe một nhóm sinh viên Hàn Quốc nói về mẹ của chúng ta, tôi đã rất tò mò không biết trong nhóm người kia có bao nhiêu người là anh em ruột của nhau. Lúc đầu, tôi đã rất bối rối".

Trong 4 năm sống ở Hàn Quốc, điều khiến Ann Babe băn khoăn nhất chính là cách diễn đạt khái niệm "của tôi" và "của chúng ta" mà người bản xứ hay sử dụng. Cuối cùng, cô nhận ra rằng, cách sử dụng ẩn đi cái tôi và thể hiện cái chung này đến từ văn hóa mang tính cộng đồng của người Hàn.

 

Beom Lee, giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ Hàn tại đại học Columbia, Mỹ cho biết: "Người Hàn Quốc thường dùng từ Uri (chúng tôi, chúng ta) để nhắc đến một thứ gì đó thuộc sở hữu chung của một nhóm, của cộng đồng hoặc thứ mà mọi người trong nhóm đều có".

Người Hàn Quốc có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau và với cộng đồng, với tư tưởng dân tộc ăn sâu trong suy nghĩ. Ở đất nước này, bất kỳ căn nhà nào, dù là bạn đang sở hữu, cũng đều được dùng với cụm từ "nhà của chúng ta", thay vì "nhà của tôi". Tương tự như vậy, bạn sẽ nói là "công ty của chúng ta" thay cho "công ty của tôi", "chồng của chúng ta" thay vì "chồng tôi"... Điều này nhằm tăng tính sở hữu chung của cộng đồng. Cách nói "của tôi" vì thế được coi là sự thể hiện của bản tính tự phụ, kiêu ngạo và kỳ lạ.

Sở dĩ người Hàn Quốc có cách nói kỳ lạ như vậy, vì họ cho rằng dù bạn sở hữu thứ gì đó thì không có nghĩa là người khác không được phép trải nghiệm chung cảm giác sở hữu hay thuộc về nơi đó. Ảnh: BBC.

"Chẳng ai nói là 'vợ của tôi' cả. Họ sẽ nói là 'vợ của chúng ta' khi trò chuyện với người khác. Nói 'vợ của tôi' cứ như thể anh ta là người duy nhất ở Hàn Quốc này có vợ vậy", giáo sư Lee giải thích thêm.

Nữ nhà báo Anh nhận ra rằng, ở Hàn Quốc, không có ranh giới rõ ràng giữa hai từ "tôi" và "chúng ta". Hai từ này có thể hoán đổi vị trí cho nhau mà không làm người khác hiểu nhầm nghĩa. Và trong tiềm thức của người Hàn, khái niệm "tôi", "của tôi" dường như không tồn tại. Nó được thay thể bởi "của chúng ta", "chúng ta".

"Khi người Mỹ coi trọng giá trị cá nhân cũng như quyền tự do của bản thân thì người Hàn Quốc lại đặt các mối quan hệ với cộng đồng, tập thể lên đầu. Họ cũng đề cao sự lệ thuộc giữa con người với nhau", Sohn Ho-min, giáo sư về ngôn ngữ học, chuyên ngành ngôn ngữ Hàn tại đại học Hawaii cũng cho biết thêm.

 

Nên đọc


Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo