Ly kỳ cây thuốc giúp người chết sống lại ở vách đá Thanh Hóa
Một khóm cây kỳ lạ trên vách đá cheo leo bên bờ sông Mã, người Thái gọi là cây Giá lóc, người Mường gọi là cây Pôông trăng. Từ xa xưa đến nay, khóm cây ấy vẫn gắn bó máu thịt với đời sống của người dân nơi đây...
Từ những huyền tích…
Giữa dòng nước chảy cực xiết như ngựa phi của sông Mã, đoạn qua thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) bỗng nảy lên một dải đất nhỏ, tồn tại đã ngàn lần mưa lũ mà không bị cuốn đi. Cù lao trên sông Mã ấy có tên là Ca Da và hàng trăm năm trước đã được dùng gọi chung cho cả một mường rộng lớn, trù phú vào hàng bậc nhất của xứ Thanh: Mường Ca Da.
Theo ông Phạm Hồng Nêu, người già có uy tín trong cộng đồng người Thái Thanh Hóa, địa danh Ca Da bắt đầu từ câu chuyện ghi trong sách cổ, kể về một người đàn ông đã chết được cải tử hoàn sinh nhờ sự tình cờ hy hữu.
Ngày xa xưa, có một người bị chết trôi, xác dạt về phía bãi gần nơi dòng suối Khó đổ về sông Mã. Cũng lúc ấy, có con quạ bay qua, nhìn thấy xác người bèn sà xuống kiếm mồi. Quạ đang mổ bỗng thấy xác người cựa quậy, sợ hãi quá, vội vàng bay đi. Người chết dần dần tỉnh lại. Thì ra con quạ này vừa tình cờ ăn được lá của cây thuốc hồi sinh ở núi Pha Long, mỏ còn dấu thuốc nên ngấm vào vết mổ làm người chết sống lại. Thấy chuyện kỳ lạ, cả mường đổ ra bờ sông Mã rước người ấy về làm lang đạo cho mường. Có người đứng đầu, mường trở nên thịnh vượng, trù phú. Nhớ ơn con quạ, người dân cùng ăn thề sẽ không bắn, không ăn thịt quạ nữa.
Sau này, vị thượng tướng quân là Lò Khằm Ban (con rể vua Lào, tằng tổ dòng họ Phạm ở Quan Hóa) được vua Lê Lợi sai cai quản vùng đất phía tây từ Nghệ An đến Lai Châu ngày nay. Thấy đất đai màu mỡ, phong thủy hữu tình, ông Lò Khằm Ban bèn đóng quân ở đây, khai khẩn ruộng nương lập mường bản, đặt tên là mường Ca Da (nghĩa là “Con quạ cứu chữa người”).
Trong dịp trao đổi với nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh (thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) về sự giao lưu văn hóa Mường – Thái ở đôi bờ sông Mã, ông Ninh có nhắc đến một loài cây quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mường, là cây Bông trăng.
Theo ông Ninh, cây Bông trăng là kết quả từ cuộc tình bi thảm của nàng Ờm và chàng Bồng Hương. Bồng Hương vốn là trẻ chăn trâu trong nhà quan lang. Trong một lần lên nương, khát nước, vợ của người quan lang đã hứa sẽ gả cô con gái trong bụng cho Bồng Hương nếu cậu tìm thấy nước cho bà uống. Khi nàng Ờm được sinh ra, ngày càng xinh đẹp nết na, thì chính bà mẹ lại ra sức ngăn cản mối tình không môn đăng hộ đối của họ. Nàng Ờm vẫn kiên quyết gìn giữ mối tình của mình. Có lần, giận quá, bà mẹ đã dùng “bốn mươi roi cây trảy, bảy mươi roi cây lèn en” đuổi đánh nàng Ờm trên ngôi nhà sàn rộng lớn. Máu của nàng rơi qua kẽ sàn thấm ướt chiếc khăn trắng của chàng Bồng Hương đang tuyệt vọng chạy theo bước chân người yêu dưới gầm sàn. Đêm đó, Bồng Hương cõng người yêu lên hang núi trốn, rồi cả hai cùng kiệt sức chết trên núi Pha Long.
“Chiếc khăn của chàng Bồng Hương rơi xuống vách đá, mọc lên một loài cây lạ, hoa lốm đốm màu đỏ trắng như vết máu loang lổ của nàng Ờm. Đó là hoa Bông trăng, hai màu như hoa giấy, nhưng hình dáng lại như hoa dẻ, thường nở rực rỡ vào mùa Xuân. Cảm động với mối tình chung thủy mà bi thương của hai người, người Mường coi lá của cây Bông trăng như biểu tượng của tình yêu keo sơn gắn bó, nên còn gọi nó là cây Làn mùn (làm bùa yêu). Loài cây này gặp trời mưa thì màu trắng, gặp nắng thì chuyển sang màu đỏ. Nên cứ dịp hoa Bông trăng nở, người Mường lại tổ chức lễ hội Pôồn Pôông, một hình thức dân ca nghi lễ, thần linh, vừa mang tính chất giao duyên trai gái, vừa cầu phúc, cầu mùa…” – ông Hà Nam Ninh cho biết.
… Đến cây Bông trăng truyền thuyết
Những câu chuyện kỳ lạ vẫn luôn có cái lõi sự thật phủ quanh lớp hào quang huyền thoại. Ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Quan Hóa, gật gù: “Nó có thực. Không phải vì tôi là người Thái của Mường Ca Da nên có niềm tin như thế. Mà bằng chứng là ở núi Pha Long hiện nay vẫn còn loài cây kỳ lạ đó”.
Ông Nghĩa trầm ngâm: “Ngày bé tôi đã được các cụ đưa đến xem một lần rồi. Cũng đã lâu quá, tôi không nhớ rõ cụ thể nó nằm khúc sông nào, chỉ nhớ phải đi thuyền mới tới được chân núi. Cây lại mọc ở vách đá cheo leo hiểm hóc, chỉ có chim mới bay đến được, nên khó lấy lá của nó lắm”.
Ông Cao Bằng Nghĩa tiếp tục hào hứng đem những câu chuyện mà ông sưu tầm và đọc được trong sách của người Thái về cây thuốc ra thổ lộ. Nó là cây Giá lóc (cây thuốc lột xác, hồi sinh), báu vật thần kỳ không gì quý hơn của mường Ca Da.
“Nghe các cụ kể thì thời Pháp thuộc, ở huyện Bá Thước có ông Hà Văn Mao, một danh nhân với sự nghiệp Cần Vương kháng Pháp, đã dùng các cây luồng và nứa kết thành một chiếc bè rất lớn ở chân núi Pha Long. Sau đó, ông dùng súng đạn ria bắn lên cây thuốc, nhưng không có chiếc lá Giá lóc nào rơi xuống bè. Chúng cứ bay vòng vèo, rồi rơi xuống sông, ngay lập tức bị các con cá dốc vây đỏ môi đỏ nhảy lên đớp hết, không chừa một chiếc nào. Trải qua không biết bao nhiêu thế hệ, rất nhiều người tìm mọi cách để lấy bằng được lá cây Giá lóc đó, nhưng chưa một ai thành công, nên đã quý lại càng quý hơn” – ông Nghĩa cho biết.
Theo sự chỉ dẫn của ông Hà Nam Ninh, chúng tôi tìm đến làng Chênh (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) để tìm vách núi Pha Long, nơi có loài cây kỳ lạ. Giữa núi non hùng vĩ bên khúc sông Mã, không dễ để xác định được vị trí cây Bông trăng. Rất may, từ ngôi nhà nhỏ, bà Trương Thị Tiên, người làng Chênh, đi ra, cười xởi lởi: “Các bác đi xem cây Bông trăng đúng không?”.
Một vách đá màu vàng óng hùng vĩ nằm thẳng đứng bên bờ sông Mã, theo hướng tay chỉ của bà Tiên. Giữa vách đá tưởng như phẳng lỳ ấy mọc lên một khóm cây xanh mướt, rộng chừng nửa manh chiếu. Vị trí khá hiểm hóc. Từ trên không có đường xuống, dưới không có đường lên, hai bên không một chỗ bám, chiều nào cũng cách cây Bông trăng hàng chục mét. Đàn chim sáo bay quanh khóm cây chỉ bé như những con ruồi. Quả thật, mọc cánh mới có thể dùng tay mà hái lá.
“Trước đây, chúng tôi thường làm nương ngay dưới chân vách núi có cây Bông trăng, thỉnh thoảng còn vào trong cái hang rộng mấp mé mép nước nghỉ ngơi. Lúc ấy bãi đất còn chưa bị Thủy điện Bá Thước làm ngập sâu hàng chục mét nước như bây giờ, nên nhìn lên càng cao vời vợi. Người ta cũng tìm nhiều cách như dựng thang dài hay thả dây, nhưng không cách gì tiếp cận được với cây đó. Nghe nói trước kia có đơn vị bộ đội đóng quân gần đây, một số chiến sĩ đã buộc dây vào gốc cây trên đỉnh núi, rồi ngồi trong chiếc võng để đu xuống. Nhưng chẳng hiểu sao, người ta không thể nào thả dây đúng được vị trí có khóm cây ấy, cứ như sự trêu ngươi. Nhiều lần như vậy, cho rằng thần linh ngăn trở nên mọi người cũng không cố tìm cách lấy lá cây nữa” – Bà Trương Thị Tiên cho biết.
“Không có chuyện cầu cúng lễ lạt xung quanh khóm cây Bông trăng này, nhưng người Mường chúng tôi luôn tin rằng, sự hiện diện của loài cây ấy nhắc nhở con người ta biết tôn trọng tình cảm của người khác, nhất là sự tự do trong tình yêu nam nữ, tránh những câu chuyện bi thảm như xưa. Bà con còn cho rằng, ai có được chiếc lá của cây Bông trăng để làm bùa tặng người bạn tình của mình, thì sẽ trăm năm hạnh phúc, quấn quýt bên nhau. Không rõ những lời ấy có thực đến đâu, nhưng nhiều đời nay chúng tôi vẫn tin là vậy, để sống với nhau tốt hơn” - bà Trương Thị Tiên nói thêm.
Cũng như ông Hà Nam Ninh, ông Cao Bằng Nghĩa cũng cho rằng, khóm cây bên vách đá Pha Long bày tỏ sự chung thủy, tri ân người có công với mường bản Ca Da, khiến bà con có cuộc sống phồn thịnh hôm nay. “Dưới vỏ bọc huyền thoại, là tình cảm uống nước nhớ nguồn, không quên nguồn gốc và ẩn sâu một sự tự hào về sự hồi sinh kỳ diệu của cuộc sống hôm nay” – ông Cao Bằng Nghĩa nói.
Việc loài người chưa thể tiếp cận để lấy đi những chiếc lá, cũng là điều may mắn cho loài cây huyền thoại. Từ lâu, người dân địa phương đã coi đây như là loài cây biểu tượng trong đời sống tinh thần của mình, giúp người ta sống tốt hơn, tình nghĩa hơn. Người Mường, người Thái nơi thượng nguồn sông Mã xứ Thanh vẫn cần lắm loài cây biểu tượng cho sự trong sáng, thủy chung, trong cuộc sống xây dựng bản mường ngày càng thêm tươi đẹp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo