Doanh nghiệp - Doanh nhân

Mai Thanh Thủy, sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tiffany and Son: Khi thất bại, phải chiến đấu để mọi thứ tích cực hơn

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những sản phẩm, giá trị mới làm thay đổi cuộc sống của con người. Trong dòng chảy ấy, Mai Thanh Thủy cùng những cộng sự của mình đang biến một phương thức giao dịch có từ cổ xưa trở thành giải pháp hữu ích để xử lý hàng tồn kho hiệu quả.

Xử lý hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn “phong cách 4.0”

Buổi sáng một ngày đầu năm 2018, trên tầng 11 tòa nhà văn phòng tại phố Lạc Trung (Hà Nội), chúng tôi đã có cuộc nói chuyện cùng Mai Thanh Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiffany and Son. Nữ doanh nhân xinh đẹp thích cách gọi tên ngắn gọn là “Mai Thủy”, đúng với vẻ trẻ trung của cô.

Tiffany and Son cung cấp giải pháp AnyExchange giúp các doanh nghiệp lớn xử lý hàng tồn kho bằng phương thức “hàng đổi hàng”, không dùng tiền mặt. Hàng tồn kho luôn là vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp, vì không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt khách hàng nếu không được xử lý hiệu quả. Thông qua AnyExchange, các doanh nghiệp lớn sẽ giải quyết được hàng tồn kho, nhưng vẫn giữ được nguyên giá trị, trao đổi được những hàng hóa và dịch vụ cần thiết, quá trình xử lý nhanh gọn.

Nữ doanh nhân Mai Thanh Thủy.

Ý tưởng AnyExchange được hình thành từ giữa năm 2015, khi Mai Thuỷ cùng lúc tiếp nhận thông tin từ hai đối tác: một bên là doanh nghiệp có lô hàng 30.000 thùng nước giải khát tồn kho, một bên là đơn vị truyền hình cần sản phẩm để làm chương trình khuyến mại, nhưng ngân sách không đáp ứng được.

Mặc dù cả hai đơn vị đều có thể tự bắt tay hợp tác trực tiếp với nhau, nhưng họ đã nhờ Mai Thủy đứng ra chắp nối và điều phối việc trao đổi để tránh sự phức tạp và rủi ro trong quá trình thực hiện. AnyExchange đã giúp doanh nghiệp nước ngọt giải phóng hàng tồn kho, thu lại được sóng quảng cáo cho mục đích quảng bá sản phẩm; trong khi đó đơn vị truyền hình, có được nguồn hàng dồi dào, chất lượng tốt để làm khuyến mại.

“Cả hai doanh nghiệp đều không muốn trao đổi trực tiếp với nhau do đã từng trải nghiệm nhiều rắc rối trong quá trình tự thực hiện trước đây. Làm sao để đảm bảo các cam kết về chất lượng, số lượng, mục đích sử dụng…? Với sự giám sát điều phối của AnyExchange, họ tránh được toàn bộ rắc rối đó, nên rất hài lòng. Từ đó, chúng tôi tiếp tục phát triển giải pháp để cho đến nay, AnyExchange có thể đáp ứng được các yêu cầu trao đổi phức tạp, cho nhiều doanh nghiệp cùng một lúc”, nữ CEO cho biết.

 Từ thành công đó, Mai Thủy và cộng sự đã tự xây dựng cho mình hệ thống quản trị và phân tích thông tin AnyExchange Core. Những con số, tin tức thống kê vô cùng phức tạp, nhu cầu đầu vào, đầu ra được phân loại một cách logic để đưa ra đề xuất trao đổi phù hợp nhất với nhu cầu của đối tác. AnyExchange tiến hành những giao dịch không phát sinh tiền mặt. Mô hình “barter” này vốn đã xuất hiện trên thế giới, còn tại Việt Nam, AnyExchange có lẽ là đơn vị duy nhất và chuyên nghiệp thực hiện trao đổi hàng cho các doanh nghiệp lớn.

 “Dòng tiền được xem là máu của doanh nghiệp, chúng tôi giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn hàng hóa, dịch vụ có sẵn để đổi lấy những thứ họ cần, thay vì chi tiền mặt. Điều này cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm được rất nhiều chi phí mua, bán hàng hóa”, Mai Thủy cho hay.

 

 Chỉ sau một năm hoạt động, AnyExchange đã sinh lời lớn. Cho đến nay, AnyExchange đã thực hiện thành công hàng trăm chương trình trao đổi. Công ty hiện có trên 50 đối tác là tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ lớn và nhiều cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, mạng xã hội…

 “Tôi cũng sử dụng AnyExchange cho các nhu cầu thiết yếu của chính công ty mình. Hiện tại, mặt bằng văn phòng, điện, nước, Internet, viễn thông, kho bãi, văn phòng phẩm, công cụ marketing, đều do chúng tôi trao đổi với các đối tác. Tiến tới chúng tôi sẽ trao đổi toàn bộ chi phí hoạt động, biến Công ty thành đơn vị không sử dụng tiền mặt”, Mai Thủy tự hào.

Không bỏ cuộc khi thất bại và khát vọng vươn xa

Lẽ dĩ nhiên, thành công chưa bao giờ là điều dễ dàng với các start-up và nữ CEO Mai Thủy cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thủy tâm sự, khởi nghiệp đến với cô như một cái duyên tình cờ.

Vào năm thứ 3 đại học, cô sinh viên Mai Thủy sớm thử thách bản thân khi được nhận vào thực tập tại một ngân hàng - lĩnh vực đúng với chuyên ngành mà cô đang theo học.

 

“Sau 4 tháng thực tập, tôi nhận thấy công việc tại ngân hàng không phù hợp với mình và rất khó khăn để đặt ra lộ trình tương lai. May mắn là tôi có cơ hội tiếp cận một start-up về lĩnh vực thương mại điện tử. Khi đó, tôi không hiểu thương mại điện tử là gì, chỉ nghĩ đơn giản đó là công ty công nghệ. Tôi bắt đầu công việc với vị trí thấp nhất là thực tập không lương và từng bước được thăng tiến. Có được Tiffany and Son của ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của những người đồng nghiệp lớn tuổi, những người đã giúp tôi tiết kiệm được nhiều năm kinh nghiệm cuộc sống và cho tôi hiểu được giá trị của sự tự do làm chủ”, Mai Thủy tâm tư.

Với chủ trương không ngừng sáng tạo, mỗi năm, Mai Thuỷ và cộng sự đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 ý tưởng mới để sàng lọc, tìm kiếm những dự án hiệu quả. Sau nhiều thử nghiệm không thành công, đã có những lúc công ty tưởng như phá sản, cổ đông tan rã, rút lui, chỉ còn lại 2 người, nhân viên còn lại 5 người.

“Tôi chưa từng nghĩ mình đã có những lúc thất bại thảm hại như vậy. 7 con người - một đoàn quân rệu rã - nhưng chúng tôi đã không bỏ cuộc! Quan trọng là khi thất bại, bạn vẫn phải tiếp tục chiến đấu để mọi thứ trở nên tích cực hơn”, Mai Thủy nói.

 Tiffany and Son dưới sự lãnh đạo của vị thuyền trưởng trẻ tuổi đang ấp ủ nhiều kế hoạch để củng cố vị thế dẫn đầu. Với bộ máy hoạt động giàu kinh nghiệm và có uy tín cao tại thị trường miền Bắc, Mai Thủy không giấu tham vọng năm 2018 sẽ là năm AnyExchange xây dựng tiếng vang tại thị trường phía Nam vốn vô cùng tiềm năng.

 “3 năm qua, phần lớn AnyExchange tập trung trao đổi hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, dịch vụ truyền thông, viễn thông. Năm 2018, chúng tôi hướng đến thị trường phía Nam với lĩnh vực bất động sản, vận tải và các ngành dịch vụ cao cấp”, Mai Thủy tiết lộ. 

 

Bên cạnh đó, AnyExchange luôn ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, bởi theo nữ doanh nhân trẻ, những doanh nghiệp sản xuất Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài, họ là những đơn vị thực sự cần AnyExchange.
 Không ngại thất bại và tự đặt ra cho mình những mục tiêu đầy thách thức. Đó là cách để Mai Thủy và những bạn trẻ tư duy sáng tạo làm nên những điều lớn lao từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trò chuyện với Mai Thủy:

Là một lãnh đạo doanh nghiệp với tuổi đời còn rất trẻ, bạn làm thế nào để gây dựng uy tín với các đối tác?

Tôi luôn làm việc bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao nhất, điều đó luôn được duy trì trong suốt quá trình tiếp cận và hợp tác với bất kỳ đối tác nào của công ty. Tại Tiffany and Son, tôi xây dựng văn hóa kỷ luật thép tới toàn bộ nhân viên, cách thức đó cũng nhận được thêm sự tin cậy từ đối tác.

Khởi nghiệp gắn liền với thất bại, mà thất bại vẫn chưa dễ được “chấp nhận” tại Việt Nam. Vậy gia đình bạn có ủng hộ bạn trong suốt quá trình khởi nghiệp không?

 

Bố mẹ tôi gắn bó cả đời trong doanh nghiệp có yếu tố nhà nước, do vậy bố mẹ coi trọng sự ổn định, mong muốn tôi có công việc tốt tại cơ quan, tổ chức lớn. Trong những năm đầu đi làm, bố mẹ không hiểu nhiều lắm về công việc của tôi, tôi cảm nhận được sự không hài lòng của gia đình đối với mình. Cho tới năm 2017, khi AnyExchange có được những thành tựu nhất định, có lẽ bố mẹ tôi mới yên tâm ủng hộ công việc mà tôi đang làm.

Bạn đặt ra những mục tiêu rất tham vọng cho AnyExchange. Để làm được điều đó, vốn có phải là vấn đề quan trọng?

Thực chất, mô hình này không cần nhiều vốn đầu tư ban đầu. Tôi cũng đã nhận được nhiều lời ngỏ ý đầu tư của một số cá nhân và tổ chức, nhưng năm 2017 chưa phải là thời điểm chín muồi. Năm 2018, khi AnyExchange đã sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn nâng cấp về quy mô, chúng tôi có thể sẽ tìm đến những nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển mạnh các kế hoạch như kỳ vọng.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo