Mật ong bạc hà Mèo Vạc nổi tiếng thế nào?
Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới, tổng cộng có 20 loại mật ong, sản xuất mật ong đều gắn liền với cây nguồn mật được phân bố theo những vùng địa lý nhất định (Nguyễn Khắc Chính, 2005). Mật ong bạc hà chỉ có nguồn gốc duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang, bị giới hạn cả về thời gian và không gian.
Mật ong hoa bạc hà là đặc sản quý hiếm chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có loài hoa bạc hà tím biếc tỏa hương thơm dịu nhẹ. Sản phẩm ấy như món quà quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc, cho đồng bào sinh sống ở đây. Nghề nuôi ong lấy mật của người Mông trên cao nguyên đá đã có từ nhiều đời nay, mỗi gia đình đều có vài ba tổ ong nuôi lấy mật.
Bản thân cây bạc hà với tinh dầu (Aetheroleum Menthae) trưng cất được sếp vào Dược điển Việt Nam (Nguyễn Tất Lợi, 1997). Chất lượng đặc thù của mật ong “Mèo Vạc” còn gắn liền với phương thức nuôi truyền thống có từ lâu đời của người Mông tại Cao nguyên đá Đồng Văn (bắt ong làm tổ bằng một số loại gỗ không có mùi như gỗ cây sở, không sử dụng thuốc kháng sinh…).
Do quý hiếm nên sản phẩm mới chỉ được người tiêu dùng của tỉnh Hà Giang và du khách thăm quan biết đến. Sau đó, khi người tiêu dùng và du khách thập phương lên du lịch trên Cao nguyên đá đã phát hiện ra đặc sản mật ong bạc hà quý hiếm (trong mật ong có hương vị của hoa bạc hà) thì phong trào nuôi ong lấy mật mới thực sự được ưu tiên phát triển.
Huyện Mèo Vạc đã có trên 6.100 tổ ong, tập trung chủ yếu tại các xã Xín Cái, Thượng Phùng, Lũng Pù, Lũng Chinh, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Sủng Trà, Tả Lủng. Cùng với đó, huyện Đồng Văn cũng có trên 4.500 đàn ong, tập trung nhiều ở các xã: Sà Phìn, Thài Phìn Tủng, Tả Lủng, Sính Lủng... Sản phẩm ấy như món quà vô giá mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, để cuộc sống khó khăn của đồng bào người Mông có thêm thu nhập, làm vơi bớt nhọc nhằn nơi cao nguyên đá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo