Mỏm đá "ma" và những lời đồn rợn người ở Yên Bái
Mỏm đá ma ở Châu Quế Hạ, Văn Yên (Yên Bái) được người dân bản địa truyền tai nhau không ít câu chuyện liêu trai về ma quỷ. Mỏm đá nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Theo quan sát, mỏm đá này khá to, đang ở tư thế nằm ngang, cao khoảng 5m. Đặc biệt, ở dưới chân mỏm đá này có một cái hang, người trưởng thành có thể chui vào. Điều đáng nói, xung quanh mỏm đá này có không ít những câu chuyện ma mị mà người dân bản địa vẫn thường truyền tai nhau khiến người nghe không khỏi sởn gai ốc.
Đến xóm Cốc Bả, Châu Quế Hạ (Văn Yên) hỏi các cụ cao niên trong làng cũng chẳng mấy ai hay biết mỏm đá ma này có từ bao giờ. Họ khẳng định, từ khi cha sinh mẹ đẻ ra đã thấy. Và kỳ lạ ở chỗ, mỗi ngày mỏm đá này lại “lớn” hơn một chút. “Nhiều người yếu bóng vía đi ngang qua đây đã vô tình gặp phải 'ma nữ'. Cũng có người từng bị 'ma đuổi' theo về đến tận nhà”, một cao niên quả quyết.
Anh Dũng, ngụ tại thôn Trạc, người từng bị “ma theo” về đến gần nhà, hãi hùng nhớ lại: “Nửa đêm, tôi cũng không biết đấy là người hay ma nữa nhưng thấy sợ quá. Lúc trước, nghe mọi người nói ở khu mỏm đá to có ma, tôi không tin. Đúng hôm đó, cũng như mọi hôm, nửa đêm tôi mới lang thang trên con đường làng để trở về nhà. Vì con đường này quá quen thuộc nên tôi cũng không mang theo đèn pin, chỉ duy nhất cầm trên tay chiếc điện thoại đen trắng đời cũ. Qua đoạn nhà văn hóa của thôn là đến đoạn đường vắng có mỏm đá. Bỗng dưng tôi thấy lành lạnh, tóc gáy dựng đứng và sởn gai ốc. Quay nhìn lại phía sau, tôi thấy bóng của một người phụ nữ tóc dài, mặc đồ màu trắng đứng trên vách đá nhìn về phía mình”, anh Dũng tiếp lời.
Người đàn ông tuổi ngoài 30 khi kể lại câu chuyện của mình vẫn chưa kịp “hoàn hồn” trở lại, anh kể tiếp: “Khi đấy, chân tay nhũn ra nhưng vẫn cố chạy thật nhanh để về nhà. Đang chạy, cũng không quên ngoái lại phía sau nhìn xem có ai theo mình không, không ngờ “nó” vẫn đuổi theo sau. Từ lúc đấy tôi chỉ cắm đầu cắm cổ chạy chứ không dám ngoảnh lại nữa, qua đoạn dốc thẳng dù hết sức lực nhưng vẫn cố chạy đi vượt rào để sang nhà cho nhanh”.
Sau lần vô tình chạm mặt “ma nữ” ở mỏm đá đầu làng anh Dũng luôn nơm nớp trong tâm trạng hoảng sợ. Vì không giữ được bình tĩnh và trấn an được bản thân nên trong lúc chạy “bán sống bán chết” anh bị ngã, chân bị ống nứa cứa khá sâu khiến anh phải điều trị mất một thời gian dài. Cũng từ lần chạm mặt ấy, anh Dũng không dám đi một mình trên đường làng.
Thấy người nghe chưa bị thuyết phục bởi câu chuyện của mình, anh Dũng chỉ cho tôi đến nhà chú Hùng, ngụ cùng làng Cốc Bả để chứng thực cho sự tồn tại của “ma nữ” ở mỏm đá. Tuy nhiên, người này chỉ mơ hồ nói: “Tôi thấy mọi người bàn tán nhau rằng dạo trước có một nhóm người là công nhân lái máy xúc đến vùng này để làm việc. Họ đã thuê nhà Nga Kế đầu làng để ở tạm. Theo như mọi người truyền nhau rằng, thời điểm đấy là mùa hè, thời tiết nóng nực nên những người đàn ông ấy mới tính ra sân hè ngủ cho mát. Đến nửa đêm, đang ngủ thì một người trong nhóm cảm giác có “vật” gì đó la đà, di chuyển xung quanh và tiến gần để sờ mặt. Chỉ đến khi anh ta mở mắt rồi hét lên thì “cái bóng” ấy mới dần di chuyển đi hướng khác và biến mất”.
Các cụ cao niên trong làng còn kể về câu chuyện đôi vợ chồng người Dao chết trong hang đá và thực hư chuyện “ma trêu”. Bà Dương Thị Liệc (tuổi ngoài 80) kể lại rằng, tại làng Cốc Bả, khoảng 30 năm về trước, khu vực này có rất ít người đến định cư, sinh sống. Cả làng có được vài nóc nhà mọc lên đơn độc. Xung quanh là rừng rú, muông thú nhiều nên những người đàn ông trong nhà thường đi săn thú rừng về làm thức ăn cho cả nhà.
Ngay như cái tên Cốc Bả cũng có nghĩa là một cây đa cổ thụ to ngụ trên đỉnh núi ở chốn rừng sâu. Bà Dung (90 tuổi), một cao niên khác trong làng góp lời: “Câu chuyện ma mãnh thì chẳng ai dám khẳng định là có thực hay không có cả. Người thì tin có, kẻ thì bảo không. Tôi sống đến tuổi này, “ma rừng” tôi cũng thấy rồi”.
Bà Dung kể: “Trước ở cánh đồng ấy toàn bộ là rừng cỏ lau, cỏ sậy. Khi con người di cư đến, họ bắt đầu khai phá thiên nhiên hoang dại để làm nương, làm rẫy. Hồi đấy, vào mùa hè có đôi vợ chồng người Dao đến đốt rừng lấy đất canh tác. Thời tiết nóng nực kết hợp với lau sậy khô khiến cho ngọn lửa bùng lên dữ dội, không ai có thể khống chế. Ở giữa cánh đồng có một mỏm đá to, vợ chồng người Dao kia không chạy được ra ngoài mới đành chui vào trong hang đá trú tạm, đợi khi ngọn lửa cháy nhỏ sẽ chạy ra. Nhưng không ngờ, lửa bén vào đến chân mỏm đá, khói nghi ngút, cuối cùng họ bị chết ngạt”.
Chị Trang, người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này từ tấm bé cho biết, con đường làng đã trở nên quen thuộc với chị hơn bao giờ. Chị kể rằng: “Ngày trước tôi không thấy sợ, đã có lần cùng đám bạn leo trèo lên tận đỉnh của mỏm đá ấy đuổi nhau, hát hò, thậm chí có đứa hiếu kỳ còn chui vào trong hang đá để chơi trò chốn tìm cùng nhau”.
Khi được hỏi để xác thực lại câu chuyện “mỏm đá ma” và những câu chuyện ma mị, những huyền tích về đôi vợ chồng trẻ chết trong hang đá liệu là có thật hay tất thảy chúng chỉ là những lời đồn đại vô căn cứ, mang tính chất liêu trai, Trưởng thôn Lự Kim Tác nói: “Chuyện có người gặp ma là không có cơ sở khoa học nên không thể nói là có được. Tuy nhiên, về câu chuyện xưa có đôi vợ chồng trẻ chết ngạt trong hang đá là đúng. Ở đây, ngày ngày mọi người vẫn đi làm qua đây và không thấy gì bất thường cả”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo