Một Hà Nội khác của Sébastien Laval
Dù chụp Hà Nội hay cộng đồng dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở miền Trung, ảnh của Sébastien Laval không thôi ám ảnh người xem về sự biến đổi âm thầm mà khốc liệt của thời gian và đời sống. Ðô thị thì không ồn ã, miền núi thì không chộn rộn sắc màu theo kiểu ảnh hiếu kỳ thường thấy của dân nước ngoài đi du lịch, người đàn ông Pháp chú ý nhiều đến đời sống văn hóa, tập tục nghi lễ của các tộc người. Như thể Sébastien Laval cảm nhận được sự cô độc của những phận người mà như anh từng gọi là "những cộng đồng sống bên lề thời gian".
Hà Nội 18g-6g là triển lãm ảnh đầu tiên của Sébastien Laval về đời sống đô thị - kiểu đô thị trầm mặc, im ắng về đêm. Rong ruổi trên những con phố từ 18g đến 6g sáng để chụp những bức ảnh của mình, Sébastien Laval nhìn thấy một cuộc sống không kém phần sôi động của Hà Nội phía sau những khung cửa sổ sáng đèn.
"18g là giờ tan tầm của người Hà Nội, giờ đó họ về nhà, đi ăn. 6g sáng hôm sau họ lại đổ ra đường. Tôi muốn ghi lại cuộc sống của họ suốt 12 giờ bị màn đêm bao bọc. Điều đặc biệt hơn, Hà Nội về đêm đẹp một cách khác thường" Sébastien Laval
* Hà Nội khác gì so với Pháp và những thành phố anh đã đi qua?
- Ở Hà Nội đặc trưng là những bức tường sơn màu vàng cam. Tại Pháp thì không có màu đó, ánh sáng ở Pháp đều đều như nhau. Tôi đã đi nhiều thành phố châu Á nhưng Hà Nội có gì đó rất đặc biệt. Không biết có phải vì rất gắn bó không mà tôi đã đến Hà Nội rất nhiều lần. Có chút ít lộn xộn nhưng thành phố nào cũng thế, có khi thiếu nó Hà Nội sẽ không đẹp theo cách của riêng mình như thế. Tôi cũng thích những đường tàu ở Hà Nội nữa. Ở Pháp, nhà cửa không xây sát đường tàu nên khó tìm thấy bức tranh cuộc sống giao thoa lẫn nhau thế này.
Tôi bắt đầu chụp về Hà Nội từ năm 2007. Mỗi lần qua VN tôi lại chụp thêm một ít, cóp nhặt trong năm năm liền.
* Với những bức ảnh về Hà Nội đêm này, nhiều người nói rằng đó là ảnh của một người rất hoài cổ?
- Tôi nghĩ không hẳn thế. Tôi quan tâm đến con người, cách họ sống, sinh hoạt như thế nào. Ðã 17 năm nay tôi chụp ảnh về VN và muốn ghi lại hình ảnh về sự phát triển của đất nước và con người ở đây. Nhiều năm nay, tôi cũng theo đuổi dự án chụp ảnh các dân tộc thiểu số VN. Tháng 3 năm tới tôi sẽ quay lại để thực hiện các bức ảnh cuối cùng của dự án. Triển lãm ảnh về các tộc người sẽ diễn ra tại TP.HCM vào cuối năm 2013. Sang năm 2014, triển lãm sẽ được giới thiệu đến công chúng Pháp.
* Nhưng dường như anh rất day dứt với sự thay đổi trong đời sống của các tộc người, ít ra là trong những bức ảnh?
- Tôi đã chụp rất nhiều những bức ảnh mà ở đó văn hóa của từng dân tộc đã bị pha lẫn đi rất nhiều. Tôi nhớ có một bức ảnh cô gái Pa Cô đứng bên cạnh là anh chàng mặc sơmi và đội mũ lưỡi trai xoay ngược lại. Và tôi nghĩ đó là cuộc sống. Năm 1995, lần đầu tiên sang VN, tôi đã đi các tỉnh miền núi phía Bắc và họ chủ yếu vẫn mặc đồ dân tộc mình. Nhưng giờ thì không như thế nữa. Họ đã thay đổi và chúng ta phải chấp nhận. Chỉ có điều cần phải tạo ra cho các thế hệ trẻ hoài niệm, ý nghĩa đã từng tồn tại những tập tục như thế, người dân đã từng mặc như thế. Không thì sau này người ta sẽ không biết gì nữa. Ðó là điều rất đáng tiếc.
* Ngoài công việc, điều gì đã khiến anh chăm chỉ đến VN trong suốt 17 năm qua?
- Chỉ có một điều để nói là tôi yêu VN, vì thế tôi luôn tìm kiếm các dự án để có thể quay trở lại vùng đất này. Với riêng cá nhân mình, VN cũng mang lại cho tôi nhiều thứ thông qua công việc. Những chuyến đi đến VN hình thành nên tính cách, con người, tư duy của tôi.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quỳnh Nga lên tiếng về tin đồn tình cảm với Việt Anh: “Chúng tôi chưa đúng thời điểm”
Thuỳ Tiên xuất hiện lộng lẫy, nhận cùng lúc 2 giải thưởng uy tín
Tam Triều Dâng phát cọc khi yêu đương “anh trai thư giãn” Võ Cảnh trong phim Tết
Hòa Minzy nhập viện cấp cứu giữa đêm, tình hình hiện tại khiến nhiều khán giả lo lắng
Quỳnh Nga một lần nói hết về tin đồn hẹn hò Việt Anh, thừa nhận rung động nhưng không phải yêu
Mỹ Tâm tặng quà gần 500 triệu đồng cho bà con khó khăn ăn Tết