Văn hóa

Một ngôn ngữ khác của Oscar

Ðược xem là tiếng nói mạnh mẽ đến từ nhiều quốc gia lớn nhỏ với mọi mặt của cuộc sống, giải thưởng Oscar dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vẫn luôn là một ẩn số, dù rằng top 9 Phim hay nhất đã được công bố.

Force majeure - một trong chín đề cử Oscar Phim nước ngoài hay nhất năm 2015 - được xem như luồng gió mới thổi vào khu vườn điện ảnh có phần nặng nề - Ảnh: Hollywoodreporter


Hai tác phẩm chiến thắng những năm gần đây - The great beauty và Amour đều có điểm mạnh khó chối cãi. The great beauty giàu tính biểu tượng, là chuyện về một nhà văn đứng tuổi “hội hè miên man” quên lãng sự đời, còn Amour lại là bài ca tình yêu sau bao năm tháng của một cặp vợ chồng già được khắc họa tinh tế. Ðiểm chung của hai tác phẩm trên là đề cao vẻ đẹp thời gian. Xét về mọi mặt, hai tác phẩm trên không sở hữu ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, mới lạ mà nhìn chung “đánh” vào câu chuyện có phần sướt mướt.

Nếu năm nay, AMPAS (Viện hàn lâm Ðiện ảnh Hoa Kỳ) không thay đổi tư duy thì có thể dễ dàng đoán biết chiến thắng sẽ thuộc về ai trong số những phim hay nhất được chọn.

Chẳng hạn như Ida (Ba Lan) - một phim đen trắng trên nền nhạc chậm rãi, cộng với câu chuyện giật gân đã gây xúc động cho nhiều lớp khán giả. Ðiểm “tử huyệt” duy nhất của Ida là nhà phát hành vô danh Soloban, liệu có đủ tiếng nói và chiêu trò để cạnh tranh?

Còn về tính biểu tượng thì có lẽ Corn island (Gruzia) là lựa chọn hoàn hảo bởi câu chuyện xoay quanh quãng đời của một người đàn ông già nua và cô gái trẻ, tuy nhiên phim bị đem ra so sánh với tác phẩm có nội dung tương tự của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk.

Ngay từ khi tham gia LHP Cannes, Leviafan (Nga) và Timbuktu (Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie) đã được đánh giá cao nhờ cách kể chuyện có phần khác biệt. Leviafan mang cái nhìn u tối về một nước Nga đầy biến động với tội ác lên ngôi, luật rừng thống trị. Dù phim đã bị cắt đi không dưới 10 cảnh nhạy cảm, Nga vẫn đưa phim đi dự tranh và lọt vào top 9 đề cử, mùi chính trị được thể hiện rất rõ sau khi bộ phim được trình chiếu hơn 40 quốc gia với một khát vọng “thay đổi bộ mặt xã hội” như lời đạo diễn phim Andrei Zviaguintsev chia sẻ.

Nóng bỏng (vì các vấn đề bạo lực, tôn giáo) không kém là Timbuktu - phim về cuộc sống của những tín đồ đạo Hồi ở miền bắc Mali - nơi đạo diễn phim (Abderrahmane Sissako) từng sinh sống và chứng kiến sự tàn phá Timbuktu bởi nạn khủng bố năm 2012 khi lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan nắm quyền kiểm soát.

Sự ủng hộ về mặt báo chí của cả hai bộ phim nhuốm màu chiến tranh tân thời này đều được dự đoán sẽ làm một chiến thắng thuyết phục. Tuy nhiên, Oscar ít khi nào “chịu” liều với những đề tài quá nhạy cảm.

Câu hỏi đặt ra là năm nay Oscar sẽ khác biệt? Chẳng hạn như trao giải cho một phim hài? Wild tales (Argentina) do Andrey Zvyagintsev dàn dựng, hiện là ứng viên sáng giá nhờ sự lôi cuốn hài hước về một cuộc trả thù đã thu hút hàng triệu người xem trong nước, nhận được phản hồi tốt từ các nhà bình luận phim.

Nhưng Wild tales lại gặp phải đối thủ mạnh không kém - Force majeure (Thụy Ðiển) - bộ phim đoạt được nhiều giải thưởng tại Mỹ trong tháng 12 ngay lập tức tạo sự chú ý nhờ đạo diễn Ruben Östlund, sinh năm 1974, toàn làm phim hài. Force majeure được xem như luồng gió mới thổi vào khu vườn điện ảnh có phần nặng nề.

Chọn những cái tên có tiếng nói mạnh mẽ, câu chuyện hàm chứa nhiều số phận, top 9 Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất đã tương đối đầy đủ màu sắc lẫn gia vị cuộc sống. Có vui, có buồn, có đổ máu, có tiếng cười...

Dù chưa biết tác phẩm nào sẽ đại diện cho sức mạnh của điện ảnh thế giới, nhưng nhìn chung Oscar đã tạo ra được một hấp lực dễ thấy: nó khiến người ta phải xem phim, từ đó nhìn cuộc sống bên ngoài một cách trọn vẹn hơn.
 

 Châu Á vắng mặt

Có thể khẳng định ngay năm 2014 không phải là năm của các nhà làm phim châu Á. Lần cuối một phim dán mác châu Á đoạt giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2009 là Departures (Nhật Bản) với yếu tố nhân văn đậm nét về nghề khâm liệm tử thi.

Năm nay, đại diện Nhật Bản là The light shines only there bị chê vì có nhiều cảnh quay trực diện, đen tối khá khó xem với đa số thành viên AMPAS hầu hết đã lớn tuổi và khó tính.

Trong 78 nước và vùng lãnh thổ gửi phim tham dự, điện ảnh Hong Kong, Ðài Loan cũng có đại diện riêng như The golden era và Ice poison song lại bị loại khỏi top 9. The golden era mang tình tiết chậm, ít cao trào, còn Ice poison được quay bằng máy cầm tay không phải kiểu phim mà khán giả sẽ kiên nhẫn xem.

Ngoài ra, đáng tiếc khi không vào top 9 là Winter sleep (Thổ Nhĩ Kỳ) - từng giành được Cành cọ vàng của đạo diễn Nuri Bilge Ceylan sở hữu ngôn ngữ đỉnh cao. Top 9 cũng bỏ qua Two days, one night (Bỉ) - chuyện phim mô tả về đời sống ngoại ô của người lao động khi đối diện với nền kinh tế ảm đạm trong năm vừa qua.

Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo