Muốn thành công, hãy bắt chước cách của Steve Jobs, Elon Musk và Kanye West
Elon Musk đã cách mạng hóa ngành giao thông, thanh toán trực tuyến, không gian vũ trụ... Nhà đồng sáng lập Hãng công nghệ Apple – Steve Jobs đã “tái tạo” ngành công nghiệp máy tính cá nhân và làm thay đổi thế giới với sản phẩm iPhone. Kanye West thì góp phần định hình phong cách âm nhạc và thời trang hiện nay.
Để trả lời cho những câu hỏi như: Người thành công là người như thế nào? Những người có tầm hưởng lớn này có điểm chung gì không?..., Allen Gannett – tác giả cuốn sách mới The Creative Curve (tạm dịch: Khúc quanh sáng tạo) cho rằng, bí quyết thành công của họ rất đơn giản.
“Những doanh nhân thể hiện sự xuất sắc với những thứ họ làm và có được thành công to lớn chỉ vì họ có khả năng tìm ra 'điểm vàng’ giữa sự mới mẻ và sự quen thuộc”, Gannett cho biết trên CNBC.
Gannett, 27 tuổi, là nhà sáng lập và CEO của công ty phân tích marketing TrackMaven, có kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty lớn như Microsoft, GE và Cisco. Trong The Creative Curve, Gannett đã nêu một quan điểm đáng ngạc nhiên về việc “ăn cắp trí tuệ”, đó là: Để có ý tưởng tuyệt vời tiếp theo, bạn không cần phải tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Thay vào đó, hãy lặp lại những ý tưởng cũ tuyệt vời của người khác.
“Khi nhìn vào những câu chuyện của Elon Musk hoặc Steve Jobs, chúng ta nghĩ rằng họ phải ở một “đẳng cấp khác” so với mình. Nhưng sự thật là, tất cả họ đều làm việc trong những đội ngũ có sự hợp tác cùng nhau, và họ “tham chiếu” thành công của người khác”, theo Gannett.
Gennett viện dẫn trường hợp Kanye West mới đây có đăng một câu tweet trên mạng xã hội Twitter về việc kết hợp 2 yếu tố cũ và mới: “Chúng ta đang quá chú trọng vào sự ‘độc nhất vô nhị’. Hãy thoải mái với việc lấy những ý tưởng cũ và cập nhật nó theo ý bạn. Tất cả các nghệ sĩ vĩ đại đều làm mới những cái cũ”, West nêu quan điểm.
Trên thực tế, một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Kanye West là Gold Digger đã được lấy cảm hứng từ bài hit I've Got a Woman vào năm 1954 của nhạc sĩ nổi tiếng Ray Charles.
Trong chương trình "Triumph of the Nerds" vào năm 1996, Steve Jobs cũng cho thấy góc nhìn tương tự khi tự nhận rằng máy tính cá nhân Macintosh của Apple cũng chỉ là một phiên bản thân thiện với người dùng hơn những máy tính trước đó. “Picasso từng nói rằng ‘Nghệ sĩ giỏi thì bắt chước, còn nghệ sĩ vĩ đại thì ăn cắp’. Và chúng ta chẳng có gì phải hổ thẹn về việc ăn cắp những ý tưởng tuyệt vời”, Jobs phát biểu trên kênh truyền hình PBS.
Trong khi đó, Elon Musk thì vay mượn những ý tưởng từ đời sống hằng ngày và biến đổi chúng. Với những công ty đầu tiên của mình là X.com và PayPal, Musk “lấy những thói quen thường nhật trong đời sống và biến đổi chúng từ kênh offline sang online. Còn với Tesla, ông biến những chiếc xe hơi thông thường thành xe điện. Chiếc Tesla Roadster ban đầu rất giống với chiếc Lotus Elise của Hãng Lotus Cars”, theo Gannett.
“Những ‘chuyên gia sáng tạo’ này rất thoải mái với việc bắt chước và mô phỏng theo cấu trúc của những ý tưởng tuyệt vời (nhưng không phải là sao chép nguyên văn, đó là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ), bởi vì họ muốn tạo ra một điều gì đó quen thuộc với công chúng và biết rằng nó hiệu quả”, Gannett nói.
Cách làm tương tự cũng hiệu quả trong bối cảnh những ngành nghề khác ngày nay, CEO TrackMaven cho biết thêm và đề xuất: Khi bạn suy nghĩ về những ý tưởng mới để chia sẻ với sếp hoặc các đồng nghiệp, đừng đề xuất một kế hoạch hoàn toàn mới. Thay vào đó, hãy cân nhắc về những ý tưởng đã phát huy hiệu quả trong quá khứ và cập nhật chúng. Nhờ đó, nó sẽ vừa mang yếu tố mới mẻ nhưng cũng vừa phảng phất nét gì đó quen thuộc.
“Tài năng thiên bẩm thường không tồn tại. Nếu bạn muốn phát triển những kỹ năng mới, trở ngại lớn nhất là chính bạn. Nếu bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ và suy nghĩ kỹ càng về ý tưởng tốt tiếp theo, thật sự là có rất ít giới hạn cho tiềm năng của bạn”, Gannett kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo