Khách du lịch đến các tỉnh miền Tây có thể thử cháo nấm, nấm mối kho, om tương, xào lá cách... món nào cũng có vị ngon, ngọt đặc biệt.
Vào đầu mùa, giá mua tại vườn trung bình 200.000-300.000 đồng một ký, dao động đến 500.000 đồng một ký giữa mùa. Khi xuất lên thành phố hoặc mang ra nước ngoài, giá nấm được đẩy lên cao nhất có khi đến một triệu đồng mỗi ký. Dù giá cao, chỉ rộ có một mùa nhưng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nấm mối vẫn được mệnh danh là “vua nấm”.
Nấm mối sinh sôi ở các gò đất cao, đất thịt nơi có ổ mối trú ngụ và sinh sôi nhiều dưới gốc cây, tán lá ẩm thấp. Nấm mối thường được tìm thấy nhiều nhất ở huyện Giồng Trôm, Chợ Lách, Bến Tre, các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, và một số tỉnh miền Đông như Bình Phước, Đồng Nai.
Vào đầu mùa, khách du lịch đến các tỉnh miền Tây sẽ dễ dàng tìm thấy trong thực đơn các món mới chế biến từ nấm mối. Nấm mối xào muối ớt là món phổ biến nhất vì cách chế biến này giữ nguyên vị ngọt của nấm.
ấm ngon có thể biến tấu thành hàng chục món khác nhau, ví dụ như cháo nấu nấm mối, nấm xào tỏi ăn với cơm theo khẩu vị của người Nam Bộ. Nấm mối sơ chế bằng cách xào sơ qua với gia vị, bắc xuống để nguội rồi bỏ tủ đông có thể dùng được vài tháng. Cháo gà, cháo vịt hoặc cháo hành không, bỏ chút nấm mối đã xào vào, vị nấm dậy lên át hết tất cả vị khác của món ăn.
Ngoài nấu cháo, nấm mối còn được dùng xào lá cách, nấm mối kho, om tương, nấu bánh canh, hoặc kho với nước cốt dừa. Nguyên liệu nấm khi cho thêm vào các món khác vẫn giữ được mùi đặc trưng, dai sần sật và vị ngọt thanh.
Ngoài vị ngọt đặc trưng tăng thêm sự phong phú cho các món ăn, nấm mối còn là bài thuốc có công dụng lợi sữa, giúp ăn uống dễ tiêu, ngừa các bệnh về thận và giảm cholesterol...
Một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi có lượng nấm mối nhiều nhất là Bến Tre. Tại tỉnh này, vào mùa nấm mối, khách du lịch có thể tìm thấy ở hầu hết chợ lớn nhỏ. Nấm mối cũng được chế biến ở các quán ăn, nhà hàng hay hàng quán lề đường có món bánh xèo đổ nấm mối nổi tiếng.