Nét đẹp đón Tết cổ truyền của đồng bào Thái ở Nghệ An
Ngày Tết không chỉ là dịp xum họp, đoàn tụ gia đình mà còn là nét đẹp độc đáo trong văn hóa, phong tục của đồng bào hòa quyện vào thiên nhiên núi rừng, cùng hướng tới những điều tốt lành cho năm mới đang đến. Đời sống xã hội hôm nay có nhiều thay đổi với sự du nhập nhiều giá trị văn hóa mới nhưng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vẫn được giữ gìn và phát huy.
Xưa kia, các dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An không ăn Tết Nguyên đán, mỗi dân tộc đều ăn Tết theo phong tục riêng của mình. Với đồng bào Thái cũng vậy. Họ có Tết cơm mới, sau khi lúa ở trên nương đã chín vàng họ thịt trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ, tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau Tết cơm mới là Tết mừng nhà mới, Tết ông Táo, Tết đón sấm đầu năm, Tết Síp Sí (14-7 Âm lịch), Tết độc lập 2-9. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, một số vùng phải tận sau những năm 1960 mới tổ chức ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh. Hiện nay, Tết Nguyên đán đã trở thành tết của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An.
Đối với người Thái, vào những ngày cận tết, nhà nhà, người người nô nức chuẩn bị quần áo, đồ ăn và các trò chơi dân gian. Thường 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng lớn nhất trong năm, mọi người đi chợ mua sắm những thứ cần thiết sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp, ông trưởng bản chủ trì tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang cây cỏ hai bên đường vào bản, dựng cổng chào, vệ sinh bến nước; các gia đình đem mâm bát, đĩa, đũa, cốc chén, chõ đồ, thớt, ra bến nước rửa sạch, phơi khô; chỉnh trang lại hàng rào bao quanh nhà, nắn lại tấm phên vách; quét dọn gầm sàn, cầu thang, giàn phơi... Tối ngày 28 tháng Chạp, Ban Quản lý Bản thường tổ chức tặng quà, làm bữa cơm mời các gia đình thường binh, liệt sĩ, gia đình có công và cả các cán bộ công tác xa nhà về quê ăn Tết. Đây là những hoạt động mà trước kia không hề có trong dịp Tết Nguyên đán ở người Thái, đến nay, những hoạt động này đã trở thành tập quán phổ biến hầu khắp các bản làng của họ.
Tối 29, nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng và sáng 30 bắt đầu luộc bánh chưng. Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà). Ngày nay, số lượng bánh chưng được gói không nhiều như trước nữa, thêm vào đó các món ăn ngày Tết của đồng bào được bổ sung đa dạng hơn theo nét ẩm thực miền xuôi như nem rán, canh miến, rau xào, rau sống, bánh phồng tôm, đồ uống cũng có thêm bia, nước ngọt…
Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi gội đầu. Tục lệ này mang ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Tiếp theo đó là lễ mặc áo váy mới. Đối với phụ nữ, trang phục váy áo sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường và đeo thêm một số đồ trang sức khác. Trước đây, đồng bào Thái có tục gọi hồn, làm vía cho các thành viên trong gia đình vào tối 28, 29 hoặc 30. Người ta thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, ông Mo lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, ông Mo đích thân buộc một sợi chỉ đen vào cổ tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Trong đêm giao thừa đêm hương nhang không được tàn, cả nhà phải thức ngồi quây quần bên bếp lửa để đón giao thừa để chào đón những giây phút quan trọng, sự chuyển giao của năm cũ sang năm mới. Trong tiếng Thái, giao thừa gọi là pông chay. Trong tiếng Thái, Giao thừa gọi là pông chay. Đúng 12 giờ đêm Giao thừa cũng chính là lúc mà các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở đẳm chào trên mường trời tề tựu đông đủ tại gian hóng trong nhà. Vì thế, chứng tỏ là ngày Tết thực sự, con cháu trong nhà phải túc trực, đánh chiêng trống chào đón; bày các loại áo, váy, quần áo trẻ em, vải vóc, mặt chăn thổ cẩm, bạc nén, vòng cổ, vòng tay để tổ tiên chứng dám khung cảnh và hương vị của ngày Tết. Người Thái có tục giữ lửa bếp trong suốt đêm Giao thừa. Đồng bào quan niệm rằng, nếu bếp lửa mà tắt thì năm mới sẽ gặp phải nhiều điều không may mắn.
Nét mới trong đêm Giao thừa là cha mẹ mừng tuổi cho con cái trong nhà. Các tộc người thiểu số không có thói quen bỏ tiền trong bao lì xì mà chỉ đưa tờ giấy bạc để người được mừng thấy đó là tiền thật. Nếu như trước kia, trong đêm 30, đồng bào chỉ đánh chiêng trống, thì ngày nay, mọi nhà đều quây quần xem ti vi, thanh niên thì nghe nhạc, việc tụ tập đánh cồng chiêng trống, hát giao duyên đối đáp, thổi khèn, sáo không còn rầm rộ như trước kia.
Trước đây, đồng bào Thái có tục lấy nước cầu may. Nước đối với người Thái là mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Nếu như lấy nước mà gà đã gáy rồi thì sẽ không còn ý nghĩa. Nước để lấy là nước suối nhưng nếu ai lấy được nước ở đầu nguồn của con suối thì sẽ càng mát trong, thanh khiết hơn. Người Thái quan niệm, lấy nước suối ở đầu nguồn về uống và rửa mặt, trong những giây phút đầu tiên của năm mới sẽ được thanh khiết như nguồn nước suối và cả năm đó họ cùng gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.
Sau nghi lễ lấy nước cầu may, các thành viên trong gia đình bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Người Thái lấy thủ và bốn chân lợn làm đồ cúng, cùng với đó là những món ăn và các loại bánh truyền thống như thịt giàng, bánh chưng… Mâm cúng thường có từ 2-3 mâm, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, mâm thứ ba là cúng các thần trong nhà như thần bếp, thần thổ dưới chân cầu thang và những vong hồn khác. Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá, với các món nướng, chua, khô. Con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ Tết, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ nói những lời chúc tốt đẹp, mong con cháu gặp nhiều may mắn. Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng Một Tết.
Nếu như ở người Kinh, sáng Mồng 1 Tết, người ta thường kiêng đến nhà người khác, còn dân tộc Thái thì không kiêng, họ quan niệm rằng, càng có người đến “xông nhà” sớm càng tốt, bất kể nam hay nữ, trẻ hay già. Trái lại, theo quan niệm, đồng bào vẫn không được ưng lắm việc vay mượn, xin xỏ hay chửi bới tại nhà do say rượu. Ngày mồng 1 Tết, bố mẹ, hay chủ nhà không ra khỏi nhà chờ con rể đến chúc phúc. Ban ngày thường tổ chức tung còn (vít con), buổi tối thì đánh trống chiêng hay phục vụ các gia đình có việc quan trọng như làm vía cho ông bà, mời họ hàng, thông gia ăn cơm. Tối ngày mùng 1 hay mồng 2 họ đã làm lễ tạ. Đồng bào dân tộc Thái hết sức giữ gìn lời ăn tiếng nói, không chửi mắng nhau, không nói năng tục tằn thô lỗ, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau...
Hiện nay, từ chiều tối mồng 1 Tết, các hoạt động văn nghệ, thể thao đã trở thành phong trào rộng khắp các bản làng. Mỗi bản thường có một đội văn nghệ, biểu diễn vào buổi tối. Các đội bóng chuyền hay bóng đá tổ chức thi đấu giữa các bản, giữa các xã kề cận. Vui nhất trong dịp Tết là việc tổ chức hoạt động cho nhân dân vui chơi nhảy sạp, tung còn trong tiếng cồng, tiếng chiêng, hát múa lăm vông rộn rã… Một nét văn hóa mới nữa là các hoạt động thăm hỏi, chúc Tết từng gia đình trong bản của đoàn thể, nhất là hội phụ nữ và đoàn thanh niên.
Hội vui và các phong trào văn hóa, văn nghệ thường kéo dài cho đến Rằm tháng Giêng mới mãn. Trước đây, đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An ăn Tết cho đến Mồng 6 tháng Giêng mới thôi. Nghĩa là người ta nghỉ ở nhà, đi thăm thú anh em, họ hàng, thông gia xa gần, chứ không đi làm việc ruộng nương. Theo tập quán xưa, sáng Mồng 7 Tết là ngày Khai hạ, bà con đồng loạt xuống đồng cày cấy. Ngày nay, Tết chỉ kéo dài đến mồng 3 là hết. Thậm chí, có nhà mồng 3 đã xuống đồng cày cấy. Từ mồng 4 trở đi là thời gian dành cho việc tổ chức đám cưới cho con cái, làm vía cho ông bà, cha mẹ nội ngoại.
Việc đón Tết Nguyên đán của người Thái ở Nghệ An là như vậy. Đó không chỉ là dịp để đồng bào được ăn ngon, mặc đẹp mà còn tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình, dòng họ và cả cộng đồng làng bản, qua những lời ca, tiếng hát, những chén rượu, lời chúc tốt đẹp gửi đến nhau khi Tết đến, Xuân về.
End of content
Không có tin nào tiếp theo