Văn hóa

Nét đẹp truyền thống của dân tộc Sán Dìu

Dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch và thị xã Phúc Yên. Cũng như nhiều dân tộc khác, người dân tộc Sán Dìu có những phong tục tập tập quán truyền thống riêng.

Từ nét độc đáo trong trang phục

“Áo đen em nhuộm cây tràm/Khăn đen em đội, áo tràm em may/Vòng cổ bằng bạc, vòng tay cũng tròn/Yếm trắng đeo ngực cho non/Xà cạp em cuốn cho tròn bọng chân/Bao xanh em thắt ngang lưng…”

Đó là những câu hát nói về bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Sán Dìu. Với tông màu dịu nhẹ “Màu nâu sắc tràm” đã làm nên nét độc đáo và riêng biệt cho người Sán Dìu.

Trang phục của người phụ nữ Sán Dìu bao gồm: Áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng; quần, váy màu chàm đen, đội khăn đen, thắt dây lưng màu trắng hoặc xanh, quấn xà cạp trắng; đeo vòng ở cổ và tay, đeo xà tích bạc bên hông. Nét độc đáo trong trang phục, đó là chiếc váy nhiều mảnh thường thì từ 2-6 mảnh, những miếng vải chàm chồng lên nhau ở phần trên rồi khâu lại có dây dải buộc vào eo lưng, phần dưới để xếp, không khâu chỉ, ngày nay chủ yếu là loại trang phục có 2 mảnh,1 mảnh ở phía trước 1 mảnh ở phía sau, chỗ hở là 2 bên sườn. Còn nam phục truyền thống mặc quần áo màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng, quần dài, cạp chun, ống quần rất rộng, tuy giản dị nhưng vẫn làm nổi bật lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ.

Luôn đi kèm với bộ trang phục của người Sán Dìu là chiếc túi đựng trầu, hình múi bưởi được thêu tỉ mỉ với nhiều họa tiết bắt mắt, miệng túi được nối nhiều dây tết bằng chỉ màu dùng để đeo. Trong túi đựng trầu còn có dao têm trầu và miếng vỏ gỗ. Xã hội ngày càng phát triển, hòa mình với nhiều loại trang phục trong cuộc sống hiện đại, thì người mặc các bộ trang phục truyền thống ấy ngày càng ít đi. Để phát huy và giữ gìn bản sắc, bà Nguyễn Thị Mói ở thôn Đạo Trù cho biết: “Chúng tôi thường mặc trang phục truyền thống này trong những ngày lễ hội, ngày trọng đại trong năm, đám cưới, chương trình giao lưu văn nghệ…để cho các thế hệ con cháu ngày nay biết và yêu thích hơn khi nhìn thấy”.

Lớp truyền dạy hát dân ca Soọng cô của nghệ nhân Trần Thị Năm, Phó Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên).

Đến điệu hát Soọng cô- điệu hát cổ truyền

Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc Sán Dìu và được lưu truyền, qua nhiều thế hệ theo lối truyền miệng. Soọng cô thường hát theo lối đối đáp, giao duyên, giữa nam và nữ. Trong màn hát đối đáp Soọng cô, nam nữ phải cách xa nhau 2 mét và không được ngồi, đứng gần nhau. Khi hát, bên nào thua phải xin hát đối lại trong lần hát đối sau. Có nhiều bài bản với các làn điệu hát khác nhau như: Mời trầu, mời nước, hát hỏi thăm, hát chào, hát xin về, hát níu chân nhau. Những câu hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, hát khi đi làm nương hay trong các lễ hội.

Ngày nay, hát Soọng cô vẫn được thịnh hành và phát huy ở nhiều địa phương trong tỉnh. Có rất nhiều các câu lạc bộ được lập dạy hát như: CLB hát Soọng cô ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên); CLB chợ tình Đạo Trù (Tam Đảo)…để bảo tồn và phát triển hát dân ca Soọng cô.

Và lễ tết bản sắc riêng của người Sán Dìu

Hàng năm, người dân tộc Sán Dìu có nhiều ngày lễ tết riêng. Tết lớn nhất là Tết Cả hay còn gọi là tết cổ truyền, được chuẩn bị nhộn nhịp từ trước Tết khoảng 16 ngày. Tết Cả của người Sán Dìu, cúng giao thừa đơn giản, chỉ có một con gà hoặc một miếng thịt lợn, xôi ngũ sắc, các loại hoa quả, rượu nước, trầu cau. Vào sáng mồng 1 Tết thì có tục ăn chay, đây là nét riêng chỉ người dân tộc Sán Dìu mới có; mồng 2 Tết người Sán Dìu làm cỗ thịnh soạn để đón năm mới và tiếp đón họ hàng, bạn bè thân thiết. Vào ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng. Bánh chưng của người Sán Dìu có hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, được gọi là bánh chưng gù.

 

Tiếp là Tết Thanh Minh, khác với người Kinh, người Sán Dìu thường đi tảo mộ vào đúng dịp Tết Thanh Minh. Việc tảo mộ hàng năm của người Sán Dìu được coi trọng, bởi theo quan niệm của họ “Nhất tang thiên thu”, đây là dịp đặc biệt để con cháu báo hiếu đối với những người đã khuất. Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5, người Sán Dìu vẫn gói bánh chưng gù như Tết Cả, ngoài ra họ còn ra vườn hái quả mang về cùng nhau ăn, với ý nghĩa là giết sâu bọ.

Tết 14 tháng 7 Âm lịch, các gia đình gọi tụ tập con cháu từ xa gần về đông đủ để tổ chức ăn uống. Tết Cơm mới vào khoảng ngày 10/10 Âm lịch, họ làm lễ cúng tổ tiên và thổ thần, có thịt lợn, thịt gà, nấu cơm bằng gạo mới và nhiều loại thức ăn khác. Cuối cùng là Tết Đông Chíthường cúng cơm nếp, thịt gà, thịt lợn và nhiều loại bánh nếp và bánh tẻ.

Với những nét độc đáo, đặc sắc riêng của dân tộc mình, người Sán Dìu đã phát huy và bảo tồn được văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tới đông đảo các thế hệ thanh niên trẻ và mọi người trong, ngoài tỉnh biết đến.

Nên đọc
Theo Báo Vĩnh Phúc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo