Văn hóa

Ngày thơ Việt Nam 2015 - có gì mới?

Nhà văn Đào Thắng - Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, thành viên BTC Ngày thơ Việt Nam 2015 (từ 13-15 tháng Giêng) cho biết năm nay sẽ gộp hai sân thơ trẻ và truyền thống thành sân thơ “trăm miền” để chừa đất cho các bạn quốc tế.

 

Sẽ có nhiều thi sĩ Á, Âu, Phi, Mỹ hội tụ tại Văn Miếu đúng không ông?

Đăng ký đông nhưng chưa chắc họ đến đủ. Một số không có điều kiện sang Việt Nam mà phía Hội Nhà văn không bao hết được vé. Họ sẽ gửi bài qua mail. Chúng tôi dịch, nếu hay thì mang tới.

Dự kiến khoảng bốn năm chục nhà thơ quốc tế. Họ giao lưu với độc giả Quảng Ninh ngày 13 sau đó 14 sẽ về Hà Nội, tham gia sân thơ “trăm miền”. Các bạn sinh viên giỏi ngoại ngữ của Học viện An ninh sẽ giúp họ trong việc giao tiếp, giới thiệu thơ. Chúng tôi cũng có một cabin chuyên dịch thơ (bốn đến năm thứ tiếng) đặt tại Văn Miếu.

Quốc tế hóa là điểm mới của Ngày thơ Việt Nam năm nay?

Còn nhiều cái mới khác chứ. Ví dụ việc chấm giải festival. Đọc cho nhau nghe, chấm tại chỗ, trao giải luôn. Thay vì mọi năm về nhà mới chấm đến khi trao giải thì nguội hết cả, người nhận giải ở địa phương lại mất công tàu xe Hà Nội.

Năm nay sẽ có phố nghệ thuật để tôn vinh nghệ thuật truyền thống như hát văn, hát xẩm… Biểu diễn nghệ thuật ngay trong quán thơ. Muốn lan tỏa thì ra sân khấu chính. Mà các quán thơ năm nay làm rộn ràng lắm. Cả ngày 14 đến tối khuya. Mọi năm sáng 15 khai mạc cũng coi như bế mạc luôn. Nhưng năm nay các quán thơ sẽ duy trì tới tận chiều tối, phục vụ các bạn yêu thơ.

Xem ra người yêu thơ, thành viên các CLB thơ hiện nay, ngày càng có tuổi?


Theo quan sát của tôi thì tới Ngày thơ phần nhiều là độc giả nữ ngoài ba mươi. Giới trẻ, học sinh sinh viên thường đi theo đám đông, đến theo trường lớp. Còn ở các CLB thì đúng “các cụ” mới là những người năng nổ nhất. Nhưng không có nghĩa người trẻ không quan tâm tới thơ. Chẳng qua do chính những người làm thơ lại khiến thơ xấu đi trong mắt độc giả.

Ông có thể nói rõ hơn?

Thì như trào lưu viết thơ không niêm luật vần vè rất khó đọc, thậm chí không đọc được (vì không thành thơ). Hay như chuyện có tiền là in được thơ. Những tập thơ dày cộp in ra chỉ để tặng. Chẳng mấy ai đọc, để thì chật nhà. Tình trạng đó làm cho người ta mất thiện cảm với thơ, quên mất rằng thơ chân chính khiến tâm hồn con người tinh tế hơn cao đẹp hơn.
 

Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo