Ngày Xuân đám cưới của người Chăm
Với các làng Chăm theo đạo Bà Ni, cận Tết, trên các con đường được bê tông hóa sạch đẹp, tươi vui những âm thanh, khúc hát rộn rã mừng đám cưới. Bà con ở đây gọi vui là “mùa đám cưới”. Vào dịp Tết, số lượng các cặp đôi kết hôn có khi lên đến 60-80 đám. Không tổ chức rải rác vào các ngày trong năm, người Chăm theo đạo Bà Ni tổ chức đám cưới theo lịch Chăm vào các tháng 1, 3, 6, 8 và 11. Vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên đám cưới do nhà gái tổ chức, chàng trai sẽ về ở rể.
Các làng An Nhơn, Phước Nhơn (Xuân Hải, Ninh Hải), do anh em, họ hàng đi làm ăn xa, đến Tết mới về sum họp đông đủ nên đây là khoảng thời gian được nhiều đôi trai gái chọn sánh duyên. Trước khi làm đám cưới, đôi bạn trẻ phải trải qua các lễ dạm, lễ hỏi. Nhà nào có con gái lấy chồng, cha mẹ phải đến gặp sư cả để xin ngày, trước đó khoảng một tháng. Mỗi đám cưới diễn ra 2 tuần, thế nhưng ngày cưới không phải rải rác trong tất cả 14 ngày ấy. Theo nghi lễ, một đám cưới diễn ra 3 ngày đầu trong một tuần (Chủ nhật đến thứ 3 hoặc thứ 2 đến thứ 4), vì họ quan niệm đó là những ngày tốt. Do tổ chức trùng nhau nên rất nhiều đám cùng làm lễ chung một ngày, có khi lên đến 20 đám.
Ngày đầu tiên của đám cưới gọi là ngâm gạo (chăm prắk); ngày thứ 2 làm bánh (hôn), Hai loại bánh không thể thiếu trong đám cưới của người chăm BàNi là bánh ít (pay lik) và bánh xôi (pay pók); ngày thứ 3 làm lễ (tuik), quan trọng và ý nghĩa nhất là ngày làm lễ. Sáng ngày thứ 3, họ nhà trai (kacay), trong những trang phục truyền thống tươm tất, về họp mặt tại nhà chú rể, mừng tiền và được ông mai dẫn qua bên nhà gái để dùng tiệc. Tại nhà cô dâu, đôi bạn được các sư thực hiện các nghi lễ, trao nhau chiếc nhẫn mưta, chính thức trở thành vợ chồng.
Khi làm lễ, cô dâu mặc áo dài Chăm, chú rể mặc sàrông quấn khăn trên đầu có tua hai bên, toàn bộ trang phục đều màu trắng. Sau đó là tiệc ăn mừng của nhà họ trai, đến tối đãi tiệc bạn bè.
Vì nhiều đám tổ chức cùng một ngày nên nhiều chuyện vui xảy ra. Trên con đường làng rợp bóng mát, các họ nhà trai được ông mai dẫn đi, có khi “đụng nhau”. Trong dòng người đông đúc ấy, nhiều người không biết rằng mình bị cuốn theo một dòng khác, đến nơi, mới biết mình nhầm… Phải làm lễ nhiều đám trong một ngày, các vị chức sắc phải “chạy sô” để kịp, có khi đến chiều tối mới làm xong lễ hết các đám. Vì đám cưới nhiều, nên bạn bè cô dâu, chú rể cũng phải “chạy sô” để đến chia vui, một buổi tối, có khi phải chạy lòng vòng từ 3-5 đám.
End of content
Không có tin nào tiếp theo