Nghệ sĩ saxophone Lotte Anker: Ngẫu hứng là đối thoại
Với Lotte Anker : “Ngẫu hứng không phải là một thể loại. Nó chỉ đơn giản là cách để đối thoại, đối thoại với chính mình, với các nghệ sĩ khác, với khán giả và với không gian”.
(LĐ) - Sinh năm 1958 ở Copenhagen (Đan Mạch), Lotte Anker được biết đến là một trong những nghệ sĩ saxophone ngẫu hứng xuất sắc nhất trong dòng nhạc thể nghiệm/ tự do ở Bắc Âu. Với Việt Nam, ngẫu hứng là một dòng chảy còn rất mới mẻ, lấy cảm hứng từ âm nhạc đương đại (contemporary music) – còn được gọi là nhạc thể nghiệm hay nhạc cổ điển đương đại.
Lotte Anker học piano từ năm 7 tuổi. Nhưng không hài lòng với tiếng piano đơn thuần và muốn tạo ra thứ âm nhạc của riêng mình, Lotte vừa học chơi piano một cách bài bản, vừa nghe những đĩa CD nhạc rock, nhạc jazz. Chị còn tự học guitar và sáo. Nhưng chị vẫn cảm thấy như vậy là chưa đủ. Và rồi khi nhận ra nhạc cụ mình muốn theo đuổi chính là cây kèn saxophone, Lotte bắt đầu học saxophone và thực hành âm nhạc ngẫu hứng vào năm 1980, tại trường Đại học Copenhagen. Âm nhạc của Lotte Anker chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi âm nhạc của John Coltrane và Wayne Shorter, nhưng nhiểu hơn cả là bởi nền nhạc jazz ở Scandinavia thời bấy giờ.
Là một nhạc sĩ tự do, Lotte chủ yếu tự học, tự tìm tòi, trau dồi, nhưng chị cũng có bằng sáng tác từ Nhạc viện Rhytmic. Chị tham gia các lớp dạy sáng tác của nhạc sĩ, nghệ sĩ trombone người Mỹ Bob Brookmeyer và những nhạc sĩ Đan Mạch đương đại như Pelle Gudmundsen-Holmgren, Svend Hvidtfeldt-Nielsen, Hans Abrahamsen.
Năm 1988, chị lập nhóm tứ tấu của riêng mình cùng với nghệ sĩ piano Mette Petersen. Đến năm 1992, nhóm tứ tấu chuyển thành ngũ tấu với sự gia nhập của nghệ sĩ trumpet người Na Uy Nils-Petter Molvær. Năm 1995, Lotte trở thành thành viên của nhóm tam tấu ngẫu hứng “Anker, Friis, Poulsen” (với Hasse Poulsen chơi guitar và Peter Friis-Nielsen chơi bass).
Từ năm 1996, Lotte cùng với nghệ sĩ trombone Ture Larsen đồng sáng lập nên dàn nhạc 12 người “Copenhagen Art Ensemble”. Art Ensemble biểu diễn thể loại âm nhạc mới và bên cạnh chơi âm nhạc Đan Mạch đương đại, nhóm còn thực hiện những dự án/tour diễn với Tim Berne, Django Bates, John Tchicai, Nhóm tứ tấu Zapolski, Mats Gustafsson.
Năm 1997, Lotte Anker lập nhóm tam tấu với Marilyn Crispell và Marilyn Mazur. Nhóm đã biểu diễn ở các câu lạc bộ và lễ hội ở Scandinavia, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Slovenia, Morocco, Mỹ và Canada. Với Marilyn Crispell, Lotte đã đi tour cùng với nhóm tứ tấu Sine Die (cùng 2 thành viên còn lại là Anders Jormin và Arve Henriksen). Năm 2003, nhóm tam tấu: Anker, Taborn, Cleaver được thành lập với sự tham gia của nghệ sĩ piano Craig Taborn và tay trống Gerald Cleaver.
Lotte lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết và phóng khoáng
như chính cách chơi ngẫu hứng của chị.
Lotte Anker đang giảng dạy hòa âm, sáng tác và âm nhạc ngẫu hứng ở Nhạc viện Rhytmic (Copenhagen) và đã hoàn thành nhiều dự án và các buổi hòa nhạc ở Scandinavia, Đức, Canada. Trong cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn, Lotte Anker đều lấy cảm hứng từ thế giới nhạc jazz hiện đại và âm nhạc đương đại. Trách nhiệm của những người chơi ngẫu hứng là tìm kiếm những âm thanh mới, tìm những phương cách mới để chơi ngẫu hứng và đối thoại với người nghe.
Người chơi ngẫu hứng không chỉ phải tìm cách đối thoại với riêng âm nhạc của mình, đối thoại với khán giả, mà còn cả với môi trường, không gian xung quanh. Việc biểu diễn lâu năm cho chị những kinh nghiệm và sự nhạy bén. Sau mỗi lần biểu diễn chị đều giữ lại những chất liệu mà mình tâm đắc, để sau đó kết hợp chúng lại, khiến những bài biểu diễn của chị vẫn có chất quen thuộc mà vẫn luôn có nét sáng tạo riêng. Công việc của một nghệ sĩ chơi ngẫu hứng mất rất nhiều thời gian và tâm huyết. Đến bây giờ chị vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo và phát triển những chất liệu mới.
Lotte Anker đã từng nhấn mạnh nhiều lần rằng: “Ngẫu hứng không phải là một thể loại. Nó chỉ đơn giản là cách để đối thoại, đối thoại với chính mình, với các nghệ sĩ khác, với khán giả và với không gian”. Âm nhạc ngẫu hứng có thể được chơi bởi nhiều nghệ sĩ có nền tảng và xuất phát âm nhạc khác nhau. Trong thực hành ngẫu hứng, phải cùng nhau xây dựng ngôn ngữ, kỹ năng. “Điều quan trọng nhất là phải có một tâm hồn cởi mở, sẵn sàng thực hành âm nhạc ngẫu hứng. Cũng phải học cách mở rộng đôi tai để lắng nghe bản thân mình khi chơi xung quanh những người khác, lắng nghe bạn diễn để có thể tương tác với họ, lắng nghe khán giả để đối thoại với họ. Vì chơi ngẫu hứng là không biết trước được điều gì, không có sự chuẩn bị kỹ càng, nên người chơi ngẫu hứng phải mạo hiểm và dám làm” – chị chia sẻ.
Chơi ngẫu hứng giống như cùng vẽ một bức tranh chung. Mỗi người đều là một phần của bức tranh lớn, đều góp một màu sắc, đường nét hay chất liệu. Đó là bức tranh chung, là công việc chung, không phải chỉ mình ta đơn độc. Sự phát triển của âm nhạc ngẫu hứng cũng tương tự như tiến trình phát triển của nghệ thuật hội họa, ngày càng trừu tượng hóa. Trong hội họa thị giác đương đại, các bức tranh mất dần đi những khuôn mẫu, đường nét, hình khối, chỉ còn lại màu sắc và chất liệu. Âm nhạc ngẫu hứng cũng vậy, dần dần cũng chỉ còn màu sắc và chất liệu, không còn giai điệu và tiết tấu.
Lần đầu biểu diễn với nghệ sĩ Việt Nam, Lotte thấy rất lạ và bối rối không biết phải kết hợp như thế nào. Chị sử dụng thứ nhạc cụ phương Tây ồn ào, âm vang, trong khi những nghệ sĩ Việt Nam sử dụng nhạc cụ dân tộc tiếng mảnh, nhẹ, tinh tế, có những âm luyến láy đặc trưng. Sau rồi chị vẫn dùng cách mở rộng đôi tai mình, đón nhận và lắng nghe những âm thanh mới, tiếp thu và tìm ra cách đối thoại, kết hợp phù hợp nhất. Lotte giải thích: “Chơi ngẫu hứng là một công việc kết hợp, cùng làm với nhau. Đó là sự xây dựng một thứ ngôn ngữ chung, tìm cách đối thoại bằng ngôn ngữ của mình để cùng tồn tại song hành, chứ không phải hòa trộn lẫn nhau hay tự biến đổi mình để thành giống nhau”.
Ở Đan Mạch có những lớp dạy nhạc dạy trẻ em thưởng thức âm nhạc trước khi dạy những nốt nhạc cơ bản. Họ tạo ra những âm thanh bất kỳ, kết hợp các âm điệu, nốt nhạc với nhau và hỏi bọn trẻ thích sự kết hợp âm thanh nào hơn. Lotte hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ dạy trẻ học nhạc theo hướng kích thích óc sáng tạo như vậy, mặc dù điều này chưa được phổ biến ngay cả ở Châu Âu. Trẻ em có bản năng tạo ra những âm thanh, tiếng ồn. Sẽ rất hay nếu phát triển được khả năng sáng tạo này của trẻ, tạo cho trẻ “tai nghe” tốt và tập cho trẻ sáng tác chỉ bằng “tai nghe” bản năng đó.
Chị biết nhiều nghệ sĩ không đọc nhạc phổ mà chỉ chơi bằng bản năng như vậy, nhưng họ chơi rất hay, dựng được những buổi biểu diễn hoành tráng và có “tai nghe” tốt hơn nhiều so với những người học bài bản. Tuy nhiên, học nhạc vẫn cần có căn bản, cần luyện tập những kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng thành thạo nhạc cụ của mình. Những nghệ sĩ không chuyên cũng bị giới hạn nhiều trong tham gia biểu diễn nghệ thuật so với nghệ sĩ chính thống.
Theo chị, cách tốt nhất là nên hướng trẻ em học nhạc theo bản năng, bắt đầu bằng ngẫu hứng, rồi sau đó mới học tập bài bản. Còn đối với những nghệ sĩ chuyên nghiệp có học hành bài bản thì chơi ngẫu hứng cũng sẽ là một trải nghiệm tốt cho họ. Thị trường âm nhạc luôn xoay vần và biến chuyển không ngừng với sự thịnh hành của những thể loại khác nhau. Âm nhạc ngẫu hứng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nào và được công chúng đón nhận ra sao, phụ thuộc rất nhiều vào cách lớp nghệ sĩ tương lai được giáo dục, định hướng.
Lotte Anker từng đến Việt Nam để tham dự
liên hoan âm nhạc đương đại Hanoi Poster concert “In the moment”.
New Music năm 2009. Thời gian này, theo lời mời của Đom Đom – Tổ chức phát triển Nghệ thuật và m nhạc thể nghiệm ở Việt Nam – chị thực hiện một dự án cộng tác với các nghệ sĩ Việt Nam và tổ chức workshop về nghệ thuật biểu diễn ngẫu hứng cho sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Buổi hòa nhạc “In the moment” (Trong khoảnh khắc) của chị và các nghệ sĩ Việt Nam tại Hà Nội vừa qua đã diễn ra rất thành công và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Lotte đã mang đến cho chúng ta một thứ âm nhạc hoàn toàn ngẫu hứng, khiến ta như “phiêu” cùng chị, cùng khám phá thế giới âm thanh sống động, đa dạng của không gian âm nhạc đương đại.
LĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hậu duệ của sao Tây Du Ký trông như thế nào? Con gái Ngộ Không “không có ai để gả”, nhưng con trai Bát Giới đẹp trai quá!
Người chứng kiến toàn bộ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt lìa vài ngón chân ở nhà tỷ phú Mỹ có thái độ kỳ lạ
Hà Thanh Xuân lần đầu lên tiếng về chuyện ly hôn 'Vua cá Koi'
Anh là người mà Chương Tử Di từng muốn lấy nhất, xuất sắc hơn Uông Phong, nhưng hiện tại vẫn độc thân với tài sản ròng vài trăm tỷ
Lộ clip Đàm Vĩnh Hưng bị ngã ở nhà tỷ phú Mỹ, nhân chứng sống tuyên bố cứng rắn trước khi ra tòa
Là bố con nhưng MC Lại Văn Sâm và quý tử lại xưng hô với nhau bằng danh xưng này
Cột tin quảng cáo