Văn hóa

Nghệ thuật đàm phán trong bữa ăn Á

Lần đầu tiên dự bữa tiệc Trung Quốc đúng nghĩa khi đi công cán tại vùng Mãn Châu lạnh lẽo hồi 1988, tôi đã rất bối rối khi ngồi trước một đĩa đầy ngồn ngộn những chú chim sẻ non để nguyên con.

 

Liệu tôi nên dùng đũa gắp một con hay không, hay nên xé thịt ra khỏi xương mà không bị trông như thằng ngốc?

 

Món tiếp theo là một chú rùa lớn đã được hấp chín. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi dám thử món này.

 

Vẫn còn đói, tôi thấy nhẹ cả người khi món chính được dọn lên hóa ra là thứ trông rất hấp dẫn, ngon miệng - một chú cá lớn được để nguyên con.

 

Tôi vừa định ăn thì chủ tiệc, các quan chức chính quyền, hãnh diện khoe rằng đó là cá nuôi ở vùng nước ngay sát với nhà máy điện hạt nhân.

 

Tìm hiểu phong tục

 

Sống ở Á châu trong 16 năm, tôi biết rằng việc chuyển từ châu Âu, Mỹ hay Úc sang phương Đông thường khiến người ta mất phương hướng, nhất là khi phải ngụp lặn tìm hiểu kinh nghiệm ăn uống.

 

Mỗi quốc gia có một cách mời tiệc và quy tắc ứng xử quanh bàn ăn một khác, đầy thách thức.

 

Ngay cả trước khi món ăn được dọn ra thì một cái cúi chào từ xa mà các vị chủ tiệc người Nhật trông đợi có thể sẽ khiến người Trung Quốc, những người muốn tiếp đón theo kiểu bắt tay vồn vã của thời hiện đại, cảm thấy không vừa lòng.

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã vui vẻ nếm đồ ăn địa phương trong chuyến công cán tới Seoul hồi tháng 2/2014

 

Ăn uống một cách tự tin tại Á châu bắt đầu không phải từ việc nhấm nháp lạc rang hay khai vị bằng món sứa, mà còn từ việc phải nhận thức được rằng không có hai nền ẩm thực nào ở châu lục này giống nhau cả.

 

Ở đây, khiến một người cảm thấy no nê thì không quan trọng bằng việc khiến người ta cảm nhận được phong tục ẩm thực đặc trưng.

 

Một phần là bởi đặc sản địa phương rất được coi trọng trong các xã hội này, điều thậm chí còn được trân trọng như niềm hãnh diện của gia đình, niềm tự hào của vùng miền.

 

“Với những ai bắt đầu tới đây, việc nên làm là luôn cố gắng làm quen với các món đặc sản địa phương,” Paul Harrison nói. Ông là người có thời gian dài làm giám đốc bán hàng các thiết bị y tế của hãng General Electric.

 

“Ở Vô Tích, Trung Quốc, tôi biết có món đào rất nổi tiếng, cho nên tôi đề nghị được nếm thử khi tới mùa. Điều đó khiến mọi người rất ấn tượng.”

 

Đi ăn ở nhà hàng

 

Lần đầu tiên được mời đi ăn cùng một ông chủ địa phương chỉ là rào cản đầu tiên bạn cần vượt qua. Thách thức thực sự vẫn đang chờ bạn ở phía trước, nhưng ít nhất nó cũng giúp bạn hiểu được nhiều điều.

 

Nếu người mời bạn là người có vị trí quan trọng trong công ty, ông ấy sẽ mời bạn ăn trong một phòng riêng. Vị khách danh dự sẽ được ngồi ở chỗ xa cửa ra vào nhất, nơi luôn được coi là vị trí trang trọng nhất. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Nếu người mời là VIP trong công ty thì bạn sẽ được mời ăn trong phòng riêng

 

Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần hát tí chút trong cuộc vui karaoke sau bữa ăn, nhất là ở Trung Quốc và Nam Hàn.

 

Về các dụng cụ ăn uống căn bản thì đa phần người ta sẽ để bạn dùng theo kiểu Tây phương, như để dao, dĩa lên bàn, trừ ở những vùng quá xa xôi hẻo lánh.

 

Tuy nhiên, người địa phương sẽ rất vui và thấy ấn tượng tốt nếu bạn có thể dùng đũa khéo léo hoặc thậm chí dùng tay bốc đồ ăn (ở Ấn Độ và các vùng nông thôn Philippines), miễn là bạn rửa tay sạch sẽ.

 

Dùng gì thì dùng, bạn nên lấy những phần nhỏ thôi, và đừng gắp đồ ăn cho người bên cạnh, nhất là khi dùng đũa. Nhưng đừng thấy kinh sợ khi mọi người thò đũa vào nổi lẩu chung. Bởi người Trung Quốc và người Nhật đặc biệt khéo trong việc chỉ chạm vào những gì họ định gắp ăn.

 

Húp sì soạp được coi là tỏ ý khen món ăn ngon. “Đừng ăn tới miếng cuối cùng,” Mark Michelson, Chủ tịch Diễn đàn CEO Á châu cảnh báo. “Để dư ít thức ăn trong đĩa sẽ khiến chủ tiệc không cảm thấy nghĩa vụ phải gọi thêm đồ ăn.”

 

Ở Trung Quốc, ta còn nên để lại dành bụng để ăn món chè ngọt tráng miệng, điều thường khiến khách nước ngoài ngạc nhiên, bởi món này chỉ được dọn ra khi bữa tiệc truyền thống đến lúc kết thúc.

 

Tránh gọi các món đặc biệt hay các món ăn thêm. Khi không chắc về món nào đó thì hãy để người địa phương gọi thay.

 

“Người Trung Quốc thì thích vớt cá tươi từ bể lên,” Mike Chino, một nhân vật cao cấp trong Viện Nghiên cứu Mỹ-Trung thuộc Đại học Nam California nói. “Người Thái, nhất là những người theo Phật giáo, lại không bao giờ muốn bị nghiệp chướng từ việc khiến một sinh vật phải chết.” Nếu chủ tiệc tại Indonesia hay Malaysia là người Hồi giáo thì chớ đòi các món thịt heo.

 

Người Trung Quốc và người Nhật đặc biệt khéo khi dùng đũa gắp đúng phần họ định gắp

 

Tất nhiên, có rất nhiều câu chuyện kể về việc người phương Tây được mời với đủ những thứ lạ lùng, từ thịt chó cho tới óc khỉ.

 

Đừng sợ!

 

Hầu hết người Á châu đều nhận thức rõ về việc người phương Tây sợ những loại thức ăn gì và sẽ không đi quá đà khiến cho khách thấy khó chịu.

 

Tuy nhiên, cá thường sẽ được dọn còn nguyên đầu, và thịt thường được để vẫn còn xương hoặc sườn, nhưng bạn có thể tách ra dễ dàng.

 

Bạn sẽ ghi điểm nếu dám nhiệt tình nếm thử tất cả những gì được dọn ra. Khi được mời món kiến rang giòn dùng với hạt thông, “hãy tự nhủ lòng là ăn vào cũng chả chết ai,” Harrison nói.

 

Cạn chén

 

Hãy chuẩn bị tinh thần để đứng lên ngồi xuống liên tục. Lịch sự là phải đứng lên mỗi khi nâng ly, mà chuyện này diễn ra khá đều đặn, rồi nhớ luôn chạm ly thấp hơn ly của ông sếp.

 

Nếu nghe thấy chữ “Ganbei” hoặc “Kanpai” (có nghĩa là cạn chén trăm phần trăm trong tiếng Trung và tiếng Nhật) thì hãy nhớ uống cạn.

 

Nhiều người nước ngoài cảm thấy khó mà giữ nhịp uống rượu liên tục như thế. “Rượu [đổ đi] dưới gầm bàn là một kỹ năng sinh tồn ở Trung Quốc,” Chinoy nói.

 

Rượu địa phương thường là có hương vị rất ngon, chất lượng cao, nhưng độ cồn cao sẽ nhanh chóng khiến bạn bị say, mà trạng thái say lơ mơ thì không lợi chút nào nếu bạn muốn bàn chuyện làm ăn.

 

Người Á châu ăn nhiều món khá 'độc', nhưng hầu hết đều nhận thức rõ món nào sẽ khiến người phương Tây e ngại

 

Rót trà cho mọi người cũng cần phải đúng kiểu. Hãy chờ cho trà ngấm, rồi rót vào chén cho tất cả những người khác trước khi rót cho mình.

 

Về phần mình, người Trung Quốc sẽ tỏ ý cảm ơn bằng cách gõ gõ ngón tay trỏ xuống mặt bàn, cử chỉ được cho là gắn liền với truyền thuyết kể rằng một vị hoàng đế thường làm khi chuếnh choáng hơi men.

 

Khi được mời đến nhà ăn tối

 

Ngoài những nơi đặc biệt hiếu khách như Philippines hay Malaysia thì chớ nên trông đợi bạn sẽ được mời tới nhà các đồng nghiệp người địa phương.

 

“Nếu như họ mở rộng cửa đón chào, hãy coi đó là một dịp rất đặc biệt,” Michelson nói. Đó là cơ hội để học hỏi được kỹ càng hơn về văn hóa, tuy nhiên, việc mời đến nhà không có nghĩa là bạn được đi tham quan khắp nhà. Thường thì không gian gặp gỡ chỉ giới hạn ở khu vực phòng khách mà thôi.

 

Khi tới nơi, đừng bao giờ bấm chuông cửa nếu trong tay không có món quà được gói ghém cẩn thận, đẹp đẽ - món gì đó trang trọng, đắt tiền cỡ như chai rượu Chianti đặt trong giỏ trở lên là vừa.

 

Các món quà lưu niệm mang từ đất nước của khách tới, như bình hoa nhỏ, hay chiếc khăn choàng, sẽ rất được quý hóa.

 

Mang tặng hoa cũng tốt, nhưng nhớ để ý là hoa cúc trắng ở Nhật chủ yếu dùng cho tang lễ.

 

Mang theo rượu là thói quen khá phổ biến tại phương Tây, nhưng ở Á châu làm vậy lại bị coi là coi thường khả năng tài chính của chủ nhà trong việc tổ chức tiếp đón cho ra trò.

 

Ít nhiều gì thì bạn cũng nên có món quà cầm tay khi được mời tới nhà ăn tối

 

Người phương Tây cũng có thói quen mang theo một món gì đó góp vui, nhưng điều đó sẽ bị coi là sỷ nhục khả năng tiếp đãi của vợ hay chồng, hay của người đầu bếp của chủ tiệc.

 

Nhớ bỏ giày trước khi bạn vào nhà, và nhớ đừng đi tất rách ở đầu ngón chân, bởi đó sẽ bị coi là dấu hiệu cho thấy sự nghèo túng.

 

Không nên có thái độ với nhân viên hoặc người giúp việc một cách bình đẳng như khi bạn giao tiếp với chủ nhà. “Bạn chớ có tán tỉnh các cô giúp việc hoặc hỏi xem điều kiện làm việc của họ ra sao,” Harrison cho lời khuyên.

 

Và nhớ ra về ngay sau khi bữa ăn kết thúc, trừ phi chủ nhà đem thêm rượu ra mời. Không ai ưa các vị khách nấn ná quá lâu, cho nên hãy học cách đọc được các dấu hiệu gián tiếp của người Á châu.

 

Nếu họ hỏi bạn có mệt không, thì điều đó có nghĩa là họ đã bắt đầu thấy mệt rồi.

 

Thương lượng trong bữa tiệc

 

Nếu định bàn chuyện làm ăn trước khi vào tiệc, “hãy đảm bảo là bạn nói chuyện với đúng người,” Harrison cảnh báo. “Tại Á châu, quyền lực luôn tập trung vào một số ít, và các quyết định được đưa ra chóng vánh không cần phải bàn gì với hội đồng quản trị.”

 

Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng bạn đưa ra những vấn đề một cách đầy đủ bằng tiếng Anh thì các nội dung đó sẽ được chuyển tải chi tiết tới người có quyền quyết. “Có rất nhiều thương vụ đã hỏng do bị dịch sai ý, hoặc do nói tới quá nhiều thông tin bằng tiếng Anh mà bên kia không nghe được hết,” Michelson nói.

 

Harrison cũng đồng tình với nhận xét trên. “Hãy nói một cách chính xác và không nên đưa ra quá nhiều lựa chọn khác nhau,” ông nói. Khi phải chọn đồ ăn hoặc thương thảo, thì ông nói luật chơi là: “Ai chớp mắt trước, người đó thua.”

N.H (BBC Capital)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo