Nghệ thuật tạo hình tượng nhà mồ của người dân tộc Cơ Tu
Từ xa xưa, cộng đồng người Cơ Tu sống trên dải đất Trường Sơn -Tây Nguyên đã nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc tạo hình độc đáo nhà mồ. Nhà mồ là công trình kiến trúc độc đáo của tộc người Cơ Tu làm nơi yên nghỉ cho người đã mất. Mỗi nhà mồ của người Cơ Tu ẩn chứa một bí mật về tính cách, sở thích lúc sinh thời của người đã mất.
Làng truyền thống Cơ tu Tây Giang nổi bật trên ngọn núi cao thuộc xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong quần thể kiến trúc làng với 12 ngôi nhà cổ truyền, hệ thống nhà mồ tại vị trí gần nơi cổng vào khiến du khách chú ý. Ngôi nhà cao khoảng 2m, mái dốc với những hoa văn hình vuông tô màu đỏ, xanh, trắng. Hai bên đầu hồi là hình ảnh 2 đầu gà trống oai phong hướng về 2 phía. Toàn bộ ngôi nhà được đỡ bởi 4 chiếc cột trụ. Hai chiếc xà ngang vươn qua mái được tạo hình 2 con trăn. Xung quanh cột nhà, người ta trạm trổ các con ba ba, rắn, kỳ đà… rồi đặt những bức tượng người già, người trẻ, có cả người buồn, người khóc, người vui hội đánh chiêng, hát lý, đâm trâu…
Già Blei Bố, buôn Á Đớ, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, cho biết ở nhà mồ mọi sinh hoạt đời sống, sản xuất, cuộc sống thường nhật của người Cơ Tu sẽ được các nghệ nhân tái hiện sinh động qua một loạt những hình tượng sinh động: Trong nhà mồ có con trâu, con gà, con chó, được điêu khắc nhiều. Người ở đó người buồn, người ngồi khóc cũng nhiều, người đánh chiêng, người vui, người hát lý. Nhà mồ đó là loại công trình đẹp nhất và người Cơ Tu yêu thích nhất. Đến mức già làng Cơ Tu ước có được nhà mồ như thế. Họ quan niệm rằng khi họ chết đi chỉ là thân thể chết thôi chứ hồn vẫn còn và họ sẽ được hưởng cái đó. Chính vì vậy mà chỉ có những người giầu có, và có khi phải chuẩn bị 5,6 năm trời mới làm được nhà mồ như vậy.
Anh A Đa Nhắt nghệ nhân điêu khắc của xã A Vương, huyện Tây Giang, cho biết nhà mồ được coi là bộ mặt của chủ hộ. Người có địa vị giàu sang, có tài giỏi hay không chỉ cần nhìn qua nhà mồ là có thể đoán được: Trong nhà mồ có các loại tài sản đồ vật quý hiếm mà người sống kiếm được cái gì thì mình điêu khắc lại những thứ đó cho ông. Ví dụ họ kiếm được con hổ, con báo thì mình cũng phải điêu khác lại đó. Ý nói là nhớ lại những thứ ông đã kiếm được, thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm của con người.
Dễ nhận thấy nhất quanh ngôi nhà mồ là rất nhiều mặt nạ giữ tợn được tô màu đen, đỏ. Người Cơ Tu gọi đó là Cơ Pêy. Người già bảo rằng những chiếc mặt nạ ấy được đục đẽo nhằm xua đuổi tà ma, ngăn chặn những điều xấu xa, bảo vệ linh hồn cho người quá cố. Bên cạnh đó còn có hình ảnh con rồng mình rắn, đầu gà trống, đuôi như cá, được khắc họa từ mặt trước ra mặt sau nhà mồ, là một biểu tượng mang tính giáo dục. Nó đại diện cho thần nước chuyên điều trị mọi sự xấu xa, bảo về bình an cho dân làng cũng như linh hồn của người quá cố. Anh A Đa Nhắt cho biết: Già làng thường lấy hình ảnh con rồng này để giáo dục mọi người trong làng để ăn ở biết trước biết sau. Ăn ở đừng thất đức với người khác nếu không sẽ bị con rồng này nó trị.
Trong nhà mồ là chiếc quan tài thuôn dài bằng gỗ đựng hài cốt. Mặt trước để mộc, mặt trên tô vẽ hình ba ba, kỳ đà, hình tròn, hình hoa mầu vàng, đỏ. Hai bên đầu quan tài là 2 chiếc đầu trâu được nghệ nhân điêu khắc công phu. Tiến sỹ Lưu Hùng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết để làm được một công trình nhà mồ như thế phải là người thợ tài hoa. Khi xưa, chiếc quan tài ấy là món quà cưới cao quý để người con rể tỏ lòng hiếu với bố mẹ vợ: Con rể làm quan tài cho bố vợ thì đó là điều cao quý, được cộng đồng ngưỡng mộ. Nếu như trước đây, người con rể mà làm được nhà mồ cho bố vợ thì chắc chắn nhà gái sẽ gả cho anh ấy thêm 1 đứa con gái nữa.
Công trình nhà mồ vô cùng quan trọng đối với người Cơ Tu. Sự giầu sang quyền thế, danh vọng đều thể hiện rõ nét trên đó. Chính vì vậy loại gỗ được người Cơ Tu lựa chọn làm nhà mồ phải là loại gỗ tốt nhất. Thông thường là gỗ lim, vừa chống mối, vừa cứng và có tuổi thọ hàng trăm năm.
Cho đến nay, người Cơ Tu vẫn luôn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán có từ xa xưa, nổi bật nhất là hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật tạo hình... trong đó có điêu khắc ở nhà mồ. Nhà mồ và quan tài là một trong những công trình kiến trúc mang tín ngưỡng dân gian truyền thống hướng về ông bà, tổ tiên của người Cơ Tu. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào mỗi làng, mỗi vùng, thân phận của người chết, tâm tính của người sống và tài hoa của người nghệ sĩ điêu khắc mà tạo nên sự đa dạng của nhà mồ và quan tài Cơ Tu ở mỗi vùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hé lộ thông tin ít ai biết về gia thế của ca sĩ Jack - J97
Lộ ảnh bên trong lễ ăn hỏi của Phương Nhi và Minh Hoàng, 1 chi tiết thể hiện rõ tâm ý nhà vị tỷ phú
Dấu hiệu 'người một nhà' của Mai Tài Phến và Mỹ Tâm ngày càng rõ
NSND Việt Anh kết hôn với bạn gái 9x?
Ca sĩ Tuấn Cường tung ca khúc Tết "ai nghe cũng thấm"
Màn 'khóa môi' chấn động của Thiều Bảo Trâm với một 'chị đẹp' khiến dân tình rần rần