Nghệ thuật trang trí trên cây nêu của người Cor
Trong lễ cúng đâm trâu, cây nêu là trung tâm của mọi hoạt động lễ hội. Từ khi diễn ra nghi thức cột con vật hiến sinh vào chiếc nài đan bện khéo léo bằng dây mây neo vào chân cây nêu, nơi đây trở thành tâm điểm của cuộc lễ và mọi sinh hoạt cộng đồng. Người Cor tin rằng, cây nêu chính là giao điểm thông linh giữa các vị thần trên trời và con người dưới đất. Chính nơi đây con người tỏ lòng thành kính đồng thời cầu xin thần linh ban cho họ cuộc sống yên bình, no đủ. Niềm vui của cả cộng đồng cũng được thể hiện chung quanh cột lễ. Con trai khoe thân hình cường tráng; con gái khoe mái tóc dài, váy xinh, áo đẹp. Mọi người cùng hát xà ru, múa cà đáo, đánh cồng chiêng, thổi kèn a máp chung quanh ngọn lửa hồng toả hơi ấm nồng nàn thâu đêm suốt sáng.
Tuỳ theo nơi diễn ra lễ hội là vùng thấp hoặc vùng cao, cây nêu có những mô típ khác nhau và được gọi tên mô phỏng theo hình dáng cụ tượng: nêu lá, nêu bắp chuối, nêu dù, nêu phướn. Trong các loại nêu nầy, nêu phướn thường to, cao và được điêu khắc, trang trí công phu hơn các cây nêu khác.
Nêu phướn có chiều cao 14,5-15 mét, gồm 3 phần: Đế (ưưc gơơch), thân (ưưc oil) và ngọn (loi hech).
Phần đế (gốc) là một súc gỗ chò dài trên dưới 4m; bề hoành (chu vi) chừng 4 gang tay. Đế chia làm hai đoạn: đoạn từ mặt đất lên quá đầu người dùng để tròng nài mây buộc trâu, không trang trí hoặc chỉ tô màu trắng. Đoạn còn lại trang trí hoa văn liên kết thành các dải đồng tâm nằm ngang, mỗi dải rộng chừng từ 10cm-12cm. Ở đây màu trắng được sử dụng làm nền, các hoa văn hình quả trám, hình răng cưa, hình mặt trời nổi lên với các màu đen, đỏ.
Phần thân nêu là một đoạn tre hoặc hoặc nứa, dài xấp xỉ phần đế; bề hoành hơn 2 gang tay; liên kết với đế nêu bằng cách úp thân nêu rỗng vào mộng nổi ở đầu trên của đế. Thân cây nêu được trang trí kỹ lưỡng, công phu vì theo quan niệm của đồng bào đây là nơi các “thần linh” về ngự để dự lễ.
Bằng thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, bàn tay khéo léo, tài hoa, các nghệ nhân Cor đã chạm, khắc, đẽo, gọt, khoét, vẽ, tô màu làm nên những “phù điêu nổi”, với nhiều hình tượng đa dạng, khi thì tả thực, lúc lại mang nhiều nét tượng trưng: Từ các sinh vật của núi rừng (hoẵng, nai, chim chèo bẻo, hoa lá…) đến các hiện tượng thiên nhiên đã được thần hoá (mặt trăng, mặt trời, các vị sao).
Ngoài các hình ảnh trang trí tô màu, hai đầu của thân nêu còn được treo các gu, là những đồ thờ kết hợp trang trí, làm bằng vật liệu gỗ. Gu có gu pôô (gu đực) và gu pi (gu cái) với các lá “gu” dài cách điệu hình con chim, phía đầu tạo dáng hình đĩa (tròn) và hình tam giác, tô màu đỏ. Hai mặt bên thân các lá gu khắc chìm các hoa văn hình răng cưa, khắc vạch nối liền với vòng tròn. Đứng trên lưng các lá gu này là bốn con chim chèo bẻo bằng gỗ, tô màu đen. Dưới các lá gu trang trí các tua kết từ thân các loại cây họ lau sậy, nối liền nhau tạo thành hình lọng che, cùng nhiều dải tua khác thả dài, phủ xuống các lá gu bên dưới của thân nêu. Trên đầu của thân nêu cũng được trang trí bằng các tua làm từ xơ vỏ cây thân mộc. Các tua này rủ xuống che kín thân nêu. Đầu dưới của thân nêu cũng được trang trí các lá gu nhưng có kích thước nhỏ hơn và số lượng cũng nhiều hơn, có khi lên dến 12 lá.
Ngọn nêu làm bằng cây lồ ô hoặc tre, nứa có độ dài chừng 5-6m, bề hoành nơi lớn nhất bằng 2 bàn tay choàng, nối liền với thân nêu bằng mộng lùa và cũng được trang trí các tua nhuộm 3 màu đỏ, xanh, trắng. Ở đầu mút của ngọn nêu người ta treo lá phướn.
Lá phướn được đan bằng nan nứa, dài bằng ngọn nêu, bề ngang rộng 1m, tựa hình con mang (con hoẵng), có đuôi thon dài để mắc vào đỉnh cây nêu. Hai mặt bên của thân lá phướn người ta vẽ các họa tiết hình tam giác cân, nối liền nhau tô màu đen kết hợp màu đỏ trên nền trắng và trang trí các tua bằng que tre (nứa). Hai bên lá phướn có gắn một cặp chim chèo bẻo làm bằng gỗ, tô màu đen.
Ngoài cây nêu (cột đâm trâu) dựng ở trước sân, trong nhà người chủ lễ cúng trâu còn treo gu và lavan. Gu treo ở gian giữa của ngôi nhà, còn hai tấm lavan, một tấm treo ở cửa chính ra vào, tấm kia treo ở cửa vào buồng tum của gia đình.
Gu treo trong nhà (phân biệt với gu treo trên thân nêu), gồm có thân gu và 4 lá gu. Thân gu là súc gỗ đẽo thành hình trụ, có tiết diện hình vuông, cạnh non gang tay, dài khoảng 1m. Bốn mặt thân gu phân chia ra từng ô khắc chìm và tô màu hình răng cưa, hình mặt trời, hình sóng nước, hình sinh hoạt, sản xuất của con người, cùng với cỏ cây, hoa lá cách điệu, tô màu xanh, trắng, đỏ, nổi rõ trên nền màu đen. Đầu trên thân gu có xẻ rảnh để kẹp hai lá gu ăn mộng với nhau, tạo nên bốn cánh lá gu cong lên có hình đĩa và tam giác. Mặt dưới các lá gu treo các tua bằng que tre dài bằng gang tay, nối liền nhau. Hai mặt bên có khắc chìm và tô màu hình răng cưa, hình cánh hoa, hình mặt trời cách điệu cũng với các màu xanh, trắng, đỏ, trên nền màu đen. Đuôi của thân gu gắn các lá gu và chạm khắc, tô màu giống như phần đầu của thân gu. Trên đầu chiếc gu, người ta treo con chim đại bàng bằng gỗ, chiều dài từ đầu đến đuôi chừng một cánh tay, sải cánh gần 2 gang, mỏ tô màu đỏ, cổ màu đen, thân và cánh kết hợp màu đỏ, trắng trên nền đen.
Lavan là hai tấm gỗ dài khoảng 2m, rộng chừng hơn gang tay. Hai đầu của mỗi tấm gỗ người ta đẽo thành hình tròn. Mặt trước của mỗi tấm khắc chìm các mô típ hoa văn: Hình mặt trời, hoa lá, cây cỏ, sóng nước, bông lúa, trên nền màu đen, tô màu xanh đỏ, trắng.
Nét đặc trưng của cây nêu - cột lễ dùng trong Lễ hội ăn trâu của dân tộc Cor so với các dân tộc anh em H’rê, Cadong láng giềng, cũng như các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên là cây nêu được trang trí các gu pii, gu pôô trên thân, làm “giường thần”, nơi ngự của các thần linh về dự lễ. Cùng với cây nêu, người Cor còn làm gubla và lavan (gu tròn, gu dẹt) dùng để cúng trong nhà. Gubla và lavan được gia công chạm khắc với nhiều dải hoa văn trang trí, thể hiện bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân dân gian Cor.
Một điều chúng ta cần lưu ý là tất cả công việc chạm khắc công phu và giàu tính mỹ thuật như trên, người Cor chỉ sử dụng một công cụ cơ bản duy nhất là chiếc rựa. Màu sắc để tô lên các hình vẽ, hoa văn được trích xuất từ các loại thảo mộc hoặc mài từ đá núi. Người Cor cũng có những bài hát kể (ta mon tamé) mô tả hình dạng cây nêu, ý nghĩa của các hình tượng, hoa văn được chạm khắc công phu; tên tuổi và nơi ngồi dự lễ của các vị thần linh trên thân nêu,… Theo một nghệ nhân ở vùng Trà Thủy (Trà Bồng), mỗi ta mol tamé như vậy muốn hát kể trọn vẹn phải mất cả 3 ngày, 3 đêm. Điều này, thêm một lần nữa cho thấy vai trò, vị trí và ý nghĩa của cây nêu trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào Cor.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đàm Vĩnh Hưng có động thái bất ngờ giữa lúc bị vợ chồng Bích Tuyền công khai tin nhắn ‘xin tiền’
Bí mật phía sau số tiền tỷ phú Mỹ yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng bồi thường, mục đích thật sự được vén màn
Đàm Vĩnh Hưng vội vã rút đơn kiện tỷ phú Mỹ vì không muốn bị công khai ‘bí mật đặc biệt’ này?
Thương Tín phải chấp nhận những điều này khi bệnh tật
Ngọc Trinh và Vũ Khắc Tiệp thân mật khoác vai dạo phố sau ồn ào "cạch mặt", nghỉ chơi?
Lý Nhã Kỳ: Kiêu sa, lộng lẫy trong đêm Giáng sinh