Văn hóa

Nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Đắk Nông

Người Dao ở Đắk Nông hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống như: trang phục, nhạc cụ, nghi lễ, phong tục…, trong đó đặc sắc nhất là Lễ cấp sắc.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đăk Nông hiện có khoảng 16.000 người Dao đang sinh sống và lập nghiệp, trong đó, tập trung đông nhất tại các huyện Krông Nô, Đắk Mil và Chư Jút… Đồng bào Dao di cư vào làm ăn sinh sống đã mang theo nghi lễ cấp sắc truyền thống độc đáo và nghi lễ ấy vẫn được gìn giữ, phát huy.

Theo quan niệm của người Dao, xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil), nghi Lễ cấp sắc gắn kết tình vợ chồng ở hiện tại, còn trong đời sống tâm linh của người Dao khi chết đi hai vợ chồng sẽ tìm thấy nhau ở thế giới bên kia và tiếp tục cuộc sống vợ chồng.

Để tổ chức lễ cấp sắc, gia chủ phải chuẩn bị một mâm cỗ cúng thịnh soạn với heo, gà, rượu, gạo… Trước khi tổ chức lễ 3 ngày, hai vợ chồng phải sống riêng, kiêng chuyện vợ chồng, không ngủ chung, tránh ăn thịt chó mèo. Gia đình làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên về việc chuẩn bị và hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc.

Trong quá trình thực hiện nghi lễ cấp sắc truyền thống của người Dao, có rất nhiều lễ người thụ lễ phải thực hiện, trong đó nghi lễ quan trọng nhất là việc cấp pháp danh cho người thụ lễ. Nghi lễ cấp sắc của người Dao là một thủ tục không thể thiếu để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Con trai khi lớn được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng.

Lễ cấp sắc của dân tộc Dao. Ảnh: Baodaknong.

Việc cấp sắc được thực hiện theo từng dòng họ, tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh, đến em. Lễ cấp sắc có thể làm cho một hoặc vài người cùng một lúc. Người đàn ông có vợ thường được chọn để làm lễ cấp sắc trước. Nghi lễ cấp sắc truyền thống của người Dao được thực hiện và duy trì thường xuyên trong các thôn, làng có đồng bào Dao sinh sống trên hầu khắp địa bàn.

Nghi lễ cấp sắc được thực hiện bây giờ đã được cắt giảm một số nghi thức, song vẫn giữ được bản sắc truyền thống của người Dao. Để chuẩn bị tổ chức nghi lễ cấp sắc, các thành viên trong dòng họ không xảy ra xích mích gì. Thời gian tổ chức thường được thực hiện theo từng ngày, tháng, năm tốt và tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Đối với người Dao định cư tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) từ khi vào lập nghiệp tới nay, làng đã tổ chức hàng chục nghi lễ cấp sắc truyền thống. Nghi lễ này được thực hiện theo dòng họ, đơn cử như họ Dương tổ chức 3 lần, họ Triệu và họ Đặng tổ chức được mỗi họ 2 lần.

Một trong những xã tập trung nhiều đồng bào dân tộc Dao nhất là xã Đắk N’Drót (Đắk Mil), nghi lễ cấp sắc được người dân địa phương tổ chức khá thường xuyên. Điều này cũng thể hiện ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cho thấy đời sống kinh tế ổn định của người dân. Với nghi lễ cấp sắc mà người Dao nơi đây tổ chức thì chỉ thuần người dân tộc Dao lấy nhau mới tổ chức nghi lễ cấp sắc. Mỗi lễ cấp sắc được tổ chức 2 ngày 2 đêm với nhiều nghi thức.

Hay ở xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô) hiện có hơn 4.000 người Dao đang cư trú thì nghi lễ này vẫn được bà con duy trì, bảo tồn và thực hiện. Nghi lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc. Bậc đầu tiên, họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã. Bậc 2, họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Ông thầy được chọn làm lễ là người có uy tín, ngày tháng được chọn rất cẩn thận. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh, đến em. Một buổi cấp sắc có thể làm cho một hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Người thụ lễ được cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tên âm của người thụ lễ cũng được ghi luôn trong đó để khi chết về được với tổ tiên. Điều quan trọng nhất trong các buổi lễ này là cấp pháp danh cho người thụ lễ.Người Dao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện vẫn đang lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, như tiếng nói, trang phục… và đặc biệt nghi lễ cấp sắc được duy trì đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào.

 

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo