Văn hóa

Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng

Ngày Tết Nguyên tiêu có thể làm lễ ở chùa hay ở nhà. Đồ lễ ở nhà không cần to và long trọng như ngày cuối năm.

 Người dân cầu an ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên là một lễ hội cổ truyền vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Ở Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu được coi là ngày lễ quan trọng nhất đầu năm mới, còn được gọi là "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng". Ngày này còn những tập tục khác như cầu an, cầu phúc, ăn bánh trôi, ngâm thơ. Người ta còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời.

Rằm tháng Giêng ở Việt Nam xa dần điển tích nguyên thủy, pha trộn thêm yếu tố Phật giáo và của quan niệm dân gian. Đây là dịp lên chùa ước nguyện điềm lành của chúng sinh. Vì ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm nên thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của giới Phật tử và người dân. Câu nói “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng giêng trong tâm thức mọi người.

Về cơ bản, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho người dân và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa lễ Phật.

Sao hạn được dùng khá phổ biến trong lịch pháp Phật giáo để phối với ngày hoặc định cát hung. Có 9 ngôi sao (gồm Thủy diệu, Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Thổ tú, La hầu, Thái bạch, Vân hớn, Kế đô) dùng phối năm xem vận mệnh con người. Người xưa cho rằng có mối liên hệ giữa thiên thể (9 sao) với con người. Mỗi năm, đàn ông hay phụ nữ đều có một sao khác nhau chiếu mệnh. Vào ngày sao hạn chiếu mệnh, cần thắp đèn thắp nến, cầu xin bình an, tăng thêm phúc thọ.

Do Tết Nguyên tiêu trùng với lễ giải sao Thái Bạch (giờ Dậu, ngày 15 âm lịch, theo quan niệm xưa), nên nhiều chùa kết hợp tổ chức lễ giải sao. Nghi lễ cúng sao đầu năm mỗi chùa một khác, tụng kinh cũng khác nhau. Đầu năm có hạn nên đến chùa, các tháng sau có thể làm ở nhà. Cụ thể về dâng sao giải hạn cho từng người, có thể tham khảo trong bài viết "Dâng sao giải hạn và cách hóa giải".

Tết Nguyên tiêu không có yêu cầu bắt buộc phải làm lễ ở chùa hay ở nhà, nhưng do tính chất cầu an ở chùa chỉ là chung chung nên đa phần ngoài đi chùa, mọi người vẫn làm tại nhà riêng. Chỉ cần chú ý đồ lễ ở nhà không cần to và long trọng như ngày cuối năm là được.

Nội dung văn khấn (chỉ để tham khảo): Kính lạy Thần linh Thổ địa, Gia tiên họ ...., bà cô ông mãnh, chư vị tiên linh. Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng, năm Ất Mùi. Chúng con là…………… Ngụ tại………… Chúng con thành tâm, bày biện hương hoa, nghi lễ cung trần, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh. Kính xin phù hộ độ trì, con cháu mạnh khỏe, gia đạo bình an, sở cầu như ý.

Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo