Khám phá

Nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhãn hiệu mô phỏng bản đồ

"Thực tế sử dụng mẫu các quần đảo mô phỏng trên giấy nó rất bé. Vì vậy để thể hiện đầy đủ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên nhãn hiệu là cả một vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp." - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam trả lời phỏng vấn báo Doanh nghiệp Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa

ÔngTrần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

PV: Xin ông cho biết tình hình đăng kí và sử dụng nhãn hiệu của các doanh nghiệp trong năm 2014 ?

Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam: Về cơ bản số lượng đơn không tăng nhiều nhưng có tăng một chút so với mấy năm gần đây. Số lượng tăng không đáng kể chỉ từ 1 % – 2% so với năm trước. Nhãn hiệu quốc tế tăng nhiều hơn một chút. Còn phía doanh nghiệp, người ta có sử dụng hay không thì không thể kiểm soát nổi.

PV: Gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ có công văn tới Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu có hình mô phỏng bản đồ Việt Nam không thể hiện các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông có thể cho biết số chi tiết về vụ việc này?

Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam:
Trong chế tài cũng như trong các quy định của pháp luật bản đồ minh họa phải thể hiện đầy đủ đầy đủ đảo, quần đảo. Thực tế sử dụng mẫu các quần đảo mô phỏng trên giấy nó rất bé. Vì vậy để thể hiện đầy đủ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên nhãn hiệu là cả một vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp. Sau các sự kiện từ năm ngoái, Cục Sở hữu trí tuệ có ra thông báo. Các doanh nghiệp khi đăng ký lại nếu có hình bản đồ Việt Nam thì phải nộp cho các bộ phận gia hạn. Người ta sẽ ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp được bổ sung điều này. Đây là vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng, nhạy cảm ai cũng phải lưu ý.

Vấn đề nhãn hiệu mô phỏng bản đồ không thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không gọi là vi phạm. Chỉ có là gần đây có nghị định về quảng cáo mới đây có nói về việc phải sử dụng hình bản đồ như thế nào. Còn Cục Sở hữu trí tuệ  khuyến cáo để người nộp đơn khi nộp đơn mới cũng như khi gia hạn văn bằng thì phải có nghĩa vụ để đối với chủ quyền biển đảo. Vấn đề này là nghĩa vụ thôi. Chứ còn gọi là vi phạm thì phải có căn cứ pháp lý!

PV: Từ thời điểm ban hành thông báo hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục thay thế nhãn hiệu bằng phiên bản mới có thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp đã tiến hành xin cấp mới lại đăng kí nhãn hiệu bản đồ?

Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam: Không nhớ số lượng. Nhưng vẫn có doanh nghiệp đến xin cấp mới lại vì người ta thấy đây là nghĩa vụ phải có chủ quyền biển đảo thể hiện trên logo, hàng hóa xuất sang Trung Quốc, sang châu Âu, tiêu dùng trong nội địa…

PV: Có nhận định rằng nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ông có đồng ý với quan điểm trên hay không ?

Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam:
Tôi không thấy như vậy. Vì một năm có đến hơn 29 000 hồ sơ đăng ký. Có thể doanh nghiệp biết nhưng người ta chưa cần. Có thể họ phân vân không biết nhãn này vào thị trường hay không vào được thị trường. Nếu cần người ta cũng thay luôn. Cái dở nhất là rất nhiều trường hợp khi vào thị trường thì họ bị tranh chấp.

PV: Trước kia đã từng xảy ra trường hợp nhãn hiệu doanh nghiệp từng bị người khác đăng kí bảo hộ ở nước ngoài. Vậy thì có giải pháp nào để giúp các doanh nghiệp tránh được tình trạng này?

Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam:
Đấy là trách nhiệm của các địa phương các bộ ngành mà có các doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân ở các địa phương. Việc là nếu mình có dự định sản xuất hoặc kinh doanh ở nước ngoài thì mình phải bảo vệ cái quyền lợi của mình ở nước ngoài. Bởi vì quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu có tính chất lãnh thổ. Anh không đăng kí ở Mỹ thì không có quyền ở Mỹ. Đăng kí sở hữu trí tuệ ở lãnh thổ nào thì có hiệu lực ở lãnh thổ đó.

Hiện nay thì mọi người cũng đang rất hiểu nhầm về hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid. Hệ thống đấy chỉ giúp cho các nhà sản xuất kinh doanh của các nước thành viên có điều kiện dễ dàng hơn về thủ tục thống nhất về một mẫu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, thống nhất một loại tiền. Nếu như nước nào yêu cầu thủ tục thêm thì người ta sẽ chỉ định. Nhưng đây chỉ là thủ tục thôi chứ không phải là đăng ký bảo hộ. Các nước thành viên, ví dụ như một công ty của Việt Nam công ty Vinamilk chẳng hạn chỉ định vào các nước này nước này theo hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế đấy thì người ta chỉ phải sử dụng mẫu form do người ta hướng dẫn và các thủ tục chỉ cần một lần đăng ký mẫu này nộp tại Việt Nam rồi có thể chỉ định các nước mình quan tâm ở trong hệ thống.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hệ thống đăng kí nhãn hiệu quốc tế Madrid?


Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam:
Việt Nam là thành viên của hệ thống Madrid từ năm 1949 sau đó chính quyền Sài Gòn tiếp quản. Sau giải phóng, Việt Nam tuyên bố tiếp tục là thành viên nên chính thức là từ năm 1976. Trước gọi là Thỏa ước Madrid. Bây giờ thêm một Nghị định thư Madrid song song, hài hòa thỏa ước kia để nhiều nước tham gia hơn.
Theo thỏa ước Madrid cũ là 56 nước nhưng bây giờ hầu như các nước tham gia cả hai thì dần dần làm đông cứng thỏa ước Madrit chỉ còn Nghị định thư Madrid thì gọi là hệ thống Madrid.

Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân của các nước thành viên  có thể đăng ký bằng một mẫu đơn, một thứ tiếng, một loại tiền.

PV: Năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, ông có gợi ý nào giúp doanh nghiệp bảo vệ nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, hội nhập với thị trường khu vực ?

Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam: Doanh nghiệp nào có nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài thì nộp đơn trực tiếp sang nước đấy. Cơ quan sở hữu trí tuệ các nước trong khu vực lúc đầu đàm phán để thành lập một cơ quan nhãn hiệu ASEAN nhưng không thành công. Cuối cùng thì tất cả các nước ASEAN thống nhất về nhãn hiệu sang năm 2015 sẽ tham gia hệ thống Madrid. Và người ta cho là tham gia hệ thống này là hợp lý hơn cả !

PV: Xin cảm ơn ông!

 

 Ngày 27/8/2013, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Thông báo số 7296/TB-SHTT về việc đăng ký nhãn hiệu có hình mô phỏng bản đồ Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo đó, các đơn đăng ký nhãn hiệu có hình mô phỏng bản đồ Việt Nam cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về việc sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam, đặc biệt cần thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên hình bản đồ mô phỏng.

Đối với các mẫu nhãn hiệu trong các đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hình mô phỏng bản đồ Việt Nam, chủ đơn và chủ Giấy chứng nhận có thể đề nghị thay thế mẫu nhãn hiệu bằng phiên bản mới, trong đó thể hiện rõ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (không thay đổi các yếu tố khác trên phiên bản ban đầu) và không phải nộp phí, lệ phí.

 

Hà Nguyên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo