Ngỡ ngàng người xưa... "check in"
Bức tranh sinh động về cuộc sống tiền sử tại hang ChauvetHang Chauvet
Ở tỉnh Ardeche, miền Nam nước Pháp là một trong những hang động chứa đựng nhiều bức vẽ đẹp nhất và được bảo quản tốt nhất của người tiền sử. Di tích này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 12/2014. Nhiều tài liệu chỉ ra rằng, hang Chauvet từng là nơi cư ngụ của người tiền sử tại châu Âu vào giai đoạn từ 30.000 - 32.000 năm trước. Các tác phẩm nghệ thuật trên vách hang cũng xuất hiện cùng thời gian này.
Các bức vẽ đa phần miêu tả các loài động vật sống trong môi trường tự nhiên thời kỳ đó như sư tử hang, báo, gấu, linh cẩu, ngựa, bò tót, voi mammoth…Ngoài chủ đề động vật, người tiền sử cũng vẽ các bộ phận cơ thể người không hoàn chỉnh như chân, cơ quan sinh dục, hoặc đơn giản là in nguyên bàn tay của “tác giả” lên đá. Những bức vẽ được bảo quản rất tốt trong điều kiện khí hậu mát mẻ, không tiếp xúc với ánh Mặt trời. Do đó, giờ đây chúng ta có thể biết rõ con người đã từng hiện tại khu vực này hàng chục ngàn năm trước và môi trường sống khi đó của họ như thế nào.
Những bàn tay của quá khứ tại hang Pettakere
Hang Pettakere nằm ở góc nhỏ tại huyện Bantimurung, phía Nam Sulawesi, Indonesia. Tương tự hang Chauvet, đây từng là nơi cư ngụ của người tiền sử tại Đông Nam Á. Hang Pettakere nổi tiếng bởi những bức vẽ thời tiền sử độc đáo, đó không phải là những hình ảnh vẽ về cuộc sống, động vật xung quanh, mà là hàng ngàn dấu tay của con người được in trên vách đá.
Các nhà khảo cổ cho rằng, những người tiền sử đã đặt bàn tay của họ lên vách đá, sau đó trét hỗn hợp nước và đất son đỏ lên xung quanh. Khi nhấc tay ra, trên tường sẽ có một khoảng trắng in hình dấu tay và xung quanh được viền lại bởi màu đỏ của đất son.Theo cách đo độ tuổi bằng phóng xạ carbon các dấu tay trên vách hang Pettakere có niên đại từ 35.000 - 40.000 năm trước đây, không hề thua kém độ tuổi của các bức vẽ hang động tại châu Âu.
Những bài thơ bay bổng tại Hoàng Hạc Lâu Trung Quốc
Các nhà thơ Trung Quốc thời xưa thường thích du sơn ngoạn thủy và khi dừng chân tại các danh lam thắng cảnh đẹp, họ thường sáng tác thơ và lưu lại tại danh thắng đó. Một trong những danh thắng được các nhà thơ lớn đến thăm và để lại bút tích nhiều nhất là Hoàng Hạc Lâu tại Trung Quốc.
Đây là một ngôi tháp lịch sử, được cất trên vực đá Hoàng Hạc thuộc núi Xà Sơn, bên bờ sông Dương Tử, thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.Hoàng Hạc Lâu là một trong "tứ đại danh tháp" của Trung Quốc, đồng thời nổi danh là ngôi lầu nổi tiếng được các thi nhân ca tụng.
Vào thời thịnh trị của nhà Đường (618-907), nhiều thơ nổi tiếng như Lý Bạch và Thôi Hiệu đã đến thăm và đề thơ lên vách của Hoàng Hạc Lâu. Trong đó bài thơ được truyền tụng nhiều nhất chính là bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu, khiến cả Lý Bạch cũng phải cảm thán rằng không thể sánh bằng. Đáng tiếc, những bài thơ gốc đề tại Hoàng Hạc Lâu không còn do tòa lầu nhiều lần bị phá hủy do các cuộc chiến tranh trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1985, Hoàng Hạc Lâu được phục dựng, các bài thơ nổi tiếng tại đây cũng được khôi phục bằng những bản khắc trên đá.
Các bức tường mang phong cách graffiti tại Pompeii
Pompeii là tàn tích của một thành bang cổ thuộc Đế chế La Mã. Pompeii hiện nay ở gần thành phố Napoli thuộc Italia, thành bang này đã bị phá hủy và bị chôn vùi hoàn toàn trong trận phun trào của núi lửa Vesuvius vào năm 79.
Bởi tro núi lửa từ vụ phun trào đã bao phủ lấy mọi thứ trong thời gian rất ngắn nên có thể nói, cuộc sống của người dân tại Pompeii thời điểm đó được lưu giữ gần như trọn vẹn. Thành bang này đã cung cấp cho các nhà khảo cổ một cái nhìn chi tiết vào cuộc sống tại thành phố thuộc Đế chế La Mã thời cực thịnh.
Đặc biệt, trên nhiều bức tường của Pompeii có rất nhiều chữ được vẽ chằng chịt bằng sơn với đủ loại nội dung từ mô tả cuộc sống hàng ngày, những lời tỏ tình, đến cả các hoạt động quảng cáo và vận động bầu cử.Những chữ này có nét giống với các bức vẽ graffiti trên đường phố ngày nay. Thú vị hơn nữa, hóa ra người dân Pompeii từ hơn 2000 năm trước đã biết “check-in”. Các nhà khảo cổ đã xác định ý nghĩa của một dòng chữ trên tường, được dịch ra như sau: “Satura đã ở đây vào ngày 03 tháng 09”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngân 98 livestream tiết lộ bị bố ruột tống tiền, nói rõ mối quan hệ giữa mẹ ruột và mẹ Lương Bằng Quang
Ái nữ độc nhất của Madam Pang sống ‘dát vàng’ từ khi sinh ra, nhan sắc minh tinh, học vấn gây choáng
Đà Nẵng: Các khu du lịch sẵn sàng đón khách du xuân Ất Tỵ 2025
Rộ tin Hoa hậu Kỳ Duyên đi ăn tối với ‘người mới’, danh tính đàng trai gây bất ngờ
Giá quảng cáo trên chương trình Táo quân 2025 và các năm qua như thế nào?
Tùng Dương đề nghị hát miễn phí để "góp cỗ" cho nhạc sĩ Giáng Son lấy chồng