Văn hóa

Ngôi đền 'ma ám': Ký ức lạnh người về một năm bị điên của nữ hội trưởng vui tính

“Khi bị điên, tâm trí tôi vẫn tỉnh táo, nhớ hết hành động của mình thời gian ấy. Nhưng thân thể tôi không tự chủ được, dường như có ai đó dắt chân dắt tay để tôi làm những điều điên rồ”, nữ hội trường kể.

Phát bệnh tâm thần sau lần đi qua nghĩa địa

Ngày 22/11/2017 vừa qua, thôn Phúc Lai (xã Hòa Phong, Mỹ Hào, Hưng Yên) tiếp tục tổ chức công tác dồn điền đổi thửa. Do ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của các hộ dân, việc dồn điền đổi thửa gặp nhiều khó khăn, trục trặc. Thậm chí, không ít người lời qua tiếng lại, bầu không khí ở hội trường thôn Phúc Lai trở nên khá căng thẳng. 

Rất may, khi mọi người sắp mất kiềm chế, bà Bùi Thị Đông đã đứng lên giải quyết vấn đề một cách êm thấm. Với tư cách là chủ tịch hội nông dân, đồng thời là người rất có uy tín với người dân, bà Đông đã đưa ra phương án để làm hài lòng các hộ gia đình. Có thể nói, cuộc họp tưởng như đổ vỡ lại thành công ngoài sự mong đợi nhờ sự nhanh trí của bà Đông.

 Bà Đông làm điệu bộ khoanh tay trước ngực như thời còn bị bệnh tâm thần.

Thế mà, bà Đông từng là một người điên. Bà từng lang thang khắp làng, vật vờ như một bóng ma. Bà từng làm trẻ con khóc thét, người già kinh sợ trốn tránh. Nói về quãng thời gian ấy, bà Đông thật thà chia sẻ: “Đấy là hồi năm 2010, tự dưng tôi phát bệnh tâm thần. Nói cho đúng, tự dưng tôi đánh mất mình, không còn kiểm soát được bản thân nữa”.

Năm 2010, nhà bà Đông vẫn chăn hai con bò. Một buổi trưa tháng 7, bà Đông tranh thủ ra cánh đồng ở cạnh làng để cắt cỏ cho bò. Bà kể: “Bữa đấy trời nắng, cả đồng chỉ có một mình tôi. Con đường ra đồng phải đi qua nghĩa địa của thôn, nhưng tôi chẳng sợ, vì từ bé đến lớn, tôi đi qua chỗ ấy có lẽ cả nghìn lần. Lúc trở về, tôi ngồi nghỉ ở trước nhà, trong người vẫn bình thường khỏe mạnh, bỗng tôi lăn đùng ra. Mệt lắm, tôi thấy mệt lắm, như kiểu sức lực của mình bị rút đi ấy. Tôi vẫn cố nói: Ối giời ôi, tôi làm sao ấy, làm sao ấy... Rồi tôi ngất đi”.

Bà Đông đổ gục ở cửa, miệng la bải hoải. Chồng bà Đông (ông Thanh) vội bế sốc vợ, chạy một mạch lên trạm xá của xã. Tại đây, bà Đông được cho uống thuốc và truyền nước. Bà hồi tỉnh dần. Nhưng, từ hôm ấy, bà bắt đầu trở nên khác lạ. “Nói đúng hơn, vợ tôi bắt đầu bị điên”, ông Thanh thừa nhận.

Cứ đi viện lại đòi về, trình đồng mở phủ không tác dụng

Không đập phá, không gào thét, bệnh tâm thần của bà Đông có biểu hiện tương đối kỳ lạ. Bà hành động khác thường, thái độ thay đổi hẳn. Nhớ rõ ràng về quãng thời gian mới phát bệnh, bà Đông kể: “Thần trí của tôi vẫn tỉnh táo, nhưng tôi không điều khiển được hành vi, giống như là có ai đó ở ngoài can thiệp vào cơ thể tôi vậy. Bình thường, tôi hoạt bát, hay nói lắm. Thế nhưng, thời gian bị bệnh, tôi như dở người.

 

Tôi thường không nói không rằng, cứ khoanh tay trước ngực, mắt láo liên, toàn nhìn trộm. Ai nói khác ý một tẹo là tôi quát nạt, kiểu quát mắng của người già. Hầu như cả ngày, tôi nằm trên giường, tay khoanh trước ngực, chồng con dỗ dành thế nào cũng không nghe”.

Ngôi đền Thó ở Hưng Yên.

Ông Thanh đưa bà Đông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên khám. Bác sỹ kết luận bà Đông khỏe mạnh bình thường về mặt thể chất, có lẽ bà bị “tâm bệnh”. Họ giới thiệu cho ông Thanh đưa vợ tới Bệnh viện Tâm thần Hải Dương.

Ông Thanh nhớ lại: “Khi ở nhà, bà Đông có vẻ mệt mỏi, uể oải. Nhưng đến bệnh viện, tự nhiên bà ấy trở nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn cực kỳ. Bà ấy chạy từ tầng một lên tầng ba phăng phăng, tôi đuổi không kịp. Bác sỹ bảo phải nằm viện, bà ấy đồng ý luôn. Nhưng sau một tuần, bà ấy gọi điện về nhà, khăng khăng đòi ra viện, đồng thời khẳng định đã trở lại bình thường. Nếu không cho về, bà ấy sẽ chết”.

Thương vợ, ông Thanh đón bà Đông về nhà. Quả thật, bà tỏ ra bình thường trong khoảng 1 ngày, sang đến ngày thứ 2, bà phát bệnh nặng hơn. Bà trốn nhà, lang thang ngoài đường, nhặt rác rưởi nhét đầy túi. Bà đi dọa trẻ con khiến chúng khóc thét vì sợ hãi.

Bà Đông tâm sự: “Tôi không hiểu tại sao mình lại hành động như vậy. Tôi cứ nhảy xổ vào bọn trẻ con, hù dọa chúng và phá lên cười khành khạch khi chúng bị dọa đến mức mặt mày tái mét, khóc váng lên. Tôi lại còn vỗ vai, xoa đầu mấy bà cụ nhiều tuổi trong làng. Họ gặp tôi ở đâu, họ đều len lén tránh mặt”.

 

 Ông thủ từ đền Thó.

Không để vợ tiếp tục bệnh nặng, ông Thanh lại bàn với bố vợ đưa bà Đông lên đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội và Hải Phòng. Lần nào cũng vậy, bà Đông chỉ ở khoảng một tuần, rồi nằng nặc đòi về. Bấy giờ, ông Thanh nghĩ có thể bệnh của bà Đông không thể dùng cách khoa học để chữa trị, ông quyết định dùng cách tâm linh (dù ông chưa bao giờ là người mê tín).

Theo sự hướng dẫn của một cô đồng ở làng bên, ông Thanh đã bỏ ra nhiều tiền để mở các khóa đồng với hi vọng giúp vợ khỏi bệnh. Nhưng dù tiêu tốn công sức, thời gian và tiền bạc cho việc lễ lạt, vợ ông Thanh vẫn không biến chuyển. Bà vẫn khoanh tay trước ngực, nằm sấp trên giường, miệng khào khào quát mắng. Thấm thoắt, bà Đông mắc bệnh tâm thần đã gần 1 năm.

Những ngày sống ở đền Thó

Bà Đông nhớ khá chi tiết về quãng thời gian sống tại đền Thó (Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên). Bà kể: “Bữa ấy, ông Thanh bảo tôi ngồi lên xe máy để ông chở đi. Tôi cứ nghĩ là ông ấy lại đưa tôi đi bệnh viện, nên tôi vui vẻ lên xe. Ai ngờ, ông ấy chở tôi đến thẳng đền Thó (sau này tôi mới biết, ông ấy được người ta mách nước về khả năng chữa bệnh điên của ngôi đền). Bước vào đền, tôi sợ lắm. Không phải tôi sợ, mà hình như “người” điều khiển tôi thời gian một năm đó rất sợ. Chân tôi không muốn bước, nhưng “người kia” lại giục tôi bỏ chạy cho nhanh”.

Tuy nhiên, bà Đông không thể “bỏ chạy” được. Những người ở đền Thó và ông Thanh đã giữ bà lại. Kể từ hôm đó, bà Đông chính thức gia nhập vào “tập đoàn” những người mắc bệnh tâm thần được điều trị tại đền Thó. Buổi sáng, bà phải dậy sớm, tập thể dục để nâng cao sức khỏe.

 

Thời gian đầu, khi còn yếu, bài tập của bà Đông đơn giản là đi từ dưới sân lên hiên nhà, tổng cộng 3 bậc thang. Dần dà, thể lực của bà được nâng lên, bà có thể tham gia những việc nặng hơn như cắt lúa, nhổ cỏ, thậm chí là phụ hồ. Bên cạnh đó, bà cũng phải đọc các loại kinh Phật vào mỗi buổi chiều muộn.

Cụ Nguyễn Thị Duẩn rất vui mừng khi con gái đã khỏi bệnh.

Bà Đông hồi tưởng: “Những câu kinh Phật rất hấp dẫn tôi. Trước khi bị bệnh, tôi nghe kinh như vịt nghe sấm, như đàn gảy tai trâu. Song, thời gian ở đền Thó, những câu kinh kệ chảy thẳng vào máu, vào đầu của tôi. Tôi nghe thấu lắm. Cảm tưởng như đấy là một loại sức mạnh kéo tôi ra khỏi mê mờ. “Người kia” ở trong tôi cũng không còn muốn bỏ chạy nữa và không bắt tôi làm những việc tai quái nữa. Cứ như vậy, tôi tỉnh hẳn, thoát ra khỏi cơn điên”.

Bà Đông ở đền Thó gần 1 tháng. Khi trở về nhà, bà đã trở lại chính mình. Mất một thời gian dài, bà Đông mới có thể lấy lại niềm tin từ chồng con và người làng rằng bà không còn bệnh điên. Đến nay, hơn 4 năm đã trôi qua, quá khứ bệnh tâm thần đã trôi vào dĩ vàng không dấu tích, bà Đông đã trở thành cán bộ trụ cột ở thôn Phúc Lai và nhận được sự tín nhiệm của mọi người.

Nói về thời gian mắc bệnh của con gái, cụ Nguyễn Thị Duẩn (mẹ đẻ bà Đông) bồi hồi: “Chuyện đã mấy năm mà tôi cứ ngỡ như mới xảy ra hôm qua. Gia đình từ trước đến nay có ai bị điên đâu, thế mà Đông lại phát bệnh tâm thần. Từ một người được cả làng yêu mến, nó trở thành kẻ bị cả làng xua đuổi như con hủi. Là mẹ, tôi xấu hổ lắm. Tôi không biết tại sao lại vậy, không biết có phải nó bị “ma nhập” hay không. Chỉ biết là sau 1 tháng ở đền Thó, Đông trở lại bình thường. Quả là phúc đức cho nhà tôi quá”.

Nên đọc
Theo Tuổi trẻ & Đời sống
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo