Văn hóa

Ngược đời chuyện lấy chồng trả góp ở Phú Yên

Luật tục này cho phép phía nhà trai được quyền thách cưới những lễ vật để nhà gái đáp ứng.

Ngày nay, người đồng bào Ê Đê ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) vẫn còn tồn tại luật tục nhà trai thách cưới. . Cũng vì vậy mà nó trở thành gánh nặng đè lên cuộc sống của chính những cặp vợ chồng sau hôn nhân.

Và, cũng vì thách cưới trên trời mà nhiều cặp đôi không thể đến được với nhau, tìm đến cái chết, nhiều phụ nữ phải nuôi con một mình.

1. Trên con đường đầy sỏi đá dẫn vào làng, chị Hờ Riu (35 tuổi, ở buôn Ly) gùi bó củi nặng trĩu trên lưng, theo sau là đàn con nheo nhóc. Những đứa trẻ đen nhẻm, còi cọc, mái đầu một mùi khét nắng đang hồn nhiên nô đùa. Sự vô tư của bọn trẻ trái ngược hoàn toàn với nét mặt u buồn của chị Riu. Bởi với chị, giờ không chỉ lo miếng ăn cho các con, mà còn phải lo trả nợ tiền cưới cách đây 17 năm cho nhà chồng.

Trong căn nhà xiêu vẹo được lắp ghép từ những tấm phên tre cũ nát, chị Riu giọng trầm buồn kể về bi kịch của gia đình mình. Nguồn cơn câu chuyện xảy ra vào năm 1994, khi đó bà Hờ Rứch (mẹ chị Riu) trong một lần vượt cạn đã không may qua đời, để lại 6 đứa con mồ côi. “Rầm sàn gãy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế”, luật tục ở đây đã vậy nên cha Riu phải cưới một người con gái khác trong gia đình nhà vợ. Ngặt nỗi, phía nhà vợ không có người để nối dây. Thế là cha Riu phải đi khỏi nhà để lấy người con gái khác, bỏ lại 6 đứa con nheo nhóc.

Từ ngày ấy, 6 chị em Riu sống trong sự cưu mang của ông bà ngoại. Riu là chị cả nên ngày ngày phải lên nương làm lụng nuôi các em. 4 năm sau đó, ông bà ngoại cũng mất, chị em Riu dắt nhau về ngôi nhà cũ của mẹ để tự chăm lo cho nhau. Dù sống trong cảnh đói khát, lạc lõng giữa buôn làng nhưng chị em Riu cũng may mắn trụ qua được những tháng ngày bất hạnh nhất cuộc đời.

Chị Hờ Riu và các con, cháu sống trong nghèo đói vì hủ tục thách cưới.

Năm 1999, Riu “bắt chồng” và bắt đầu rơi vào một bi kịch khác chỉ 5 năm sau ngày mẹ mất, cha bỏ rơi. “Người Ê Đê ở đây quan niệm phụ nữ muốn “bắt chồng” về lao động cho mình thì phải trả lễ vật cho nhà trai. Hồi ấy, nhà chồng đưa ra lễ vật là 3 con bò, 1 con để giết thịt đãi dân làng, 2 con còn lại làm lễ vật cho nhà chồng; 2 vòng đeo bằng đồng; 1 bộ quần áo truyền thống; 30 bình rượu cần cùng số tiền 20 triệu đồng. Mình nghèo quá, nhưng chồng cứ bảo cưới đi rồi về hai vợ chồng làm trả góp sau. Hồi ấy, mình chỉ có 1 con bò giết thịt đãi làng và bộ quần áo cho chồng, còn lại xin trả góp.

Từ ngày lấy vợ, anh Y Cu (SN 1978, chồng chị Riu) phải sống trong cảnh “giật gấu vá vai” nhưng chẳng đổi dạ thay lòng. Anh chăm chỉ làm thuê làm mướn kiếm tiền về nuôi đàn em vợ, chắt bóp giúp vợ trả lễ vật cho cha mẹ. Hai vợ chồng cứ nghĩ còn sức đi rẫy thì không lo không trả hết lễ vật. Thế nhưng cái đói cái nghèo cứ bám riết khi sau đó những đứa con lần lượt chào đời. Đầu năm cưới thì chưa qua năm chị Hờ Riu đã sinh con trai đầu lòng. Đến năm 2006, chị đã sinh đứa con gái thứ 4, cuộc sống càng thêm đói kém.

Vừa phải nuôi các em, vừa chăm lo cho 4 đứa con nên 17 năm qua món nợ kia vợ chồng chị Riu vẫn chưa trả xong. Ngay bản thân chị Riu cũng không biết đến khi nào mình mới có thể trả hết món nợ này. “Mình sinh ra thì luật tục đã có như thế rồi, con gái trong làng muốn bắt chồng đều phải tự nguyện tuân theo. Chỉ tại nhà mình nghèo quá nên mới có chuyện chồng làm cho mình bao năm mà mình vẫn chưa trả đủ lễ vật. Cũng may là nhà chồng thương tình nên cho vợ chồng mình được trả lễ vật dần dần. Bây giờ mình còn nợ 15 triệu nữa nhưng không biết đến cuối đời có trả hết được không”, chị Riu tâm sự.

Theo chị Riu, hiện 2 người em út vẫn đang sống với chị, 3 người em lớn nay đã có gia đình nhưng hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn. Chị Hờ Điu (33 tuổi, em gái chị Riu) cùng chồng sinh sống gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa chính thức cưới hỏi vì không lo nổi lễ vật. Hai vợ chồng chị Điu sống tạm trong căn nhà rách nát cạnh nhà chị gái. Nếu một ngày người đàn ông không muốn sống nữa thì sẽ bỏ đi đến với người phụ nữ khác, chị Điu phải một mình nuôi con. Biết là vậy nhưng chị Điu cũng đành chấp nhận sống bởi nếu “bắt chồng” được rồi thì gánh nặng lễ vật còn nặng nề hơn chị ngày trước.

Bà Hờ Nâu và đứa con gái của chị Hờ Riên.

2. Ở xã Ea Trol này, không phải đôi nam nữ người đồng bào Ê Đê nào yêu nhau cũng đến được với nhau. Khi việc thách cưới bị đề cao thì tình cảm chỉ là chuyện riêng của đôi lứa, còn việc nên vợ nên chồng hay không lại là chuyện khác. Không ít trường hợp nam nữ thương nhau nhưng khi tính chuyện cưới thì phải đôi ngả chia ly. Nhiều trường hợp cô gái mang bầu nhưng vì bị thách cưới quá cao, không bắt được chồng nên phải làm mẹ đơn thân.

 

Người dân ở buôn Thu vẫn chưa thể quên được câu chuyện buồn của anh Y Lang (26 tuổi) và chị Hờ Riên (24 tuổi). Cách đây gần 4 năm, hai người có tình cảm với nhau, muốn tính chuyện cưới hỏi nhưng không được vì gặp phải rào cản thách cưới. Dù gia đình anh Lang chỉ thách cưới 2 con bò và 8 triệu đồng nhưng gia đình chị Riên vì quá nghèo nên xin giảm xuống còn 1 con bò. Thế nhưng gia đình anh Lang trước sau vẫn một mực thách 2 con bò.

Điều đáng buồn hơn, chị Riên sau đó mang bầu, sinh đứa con gái với anh Lang nhưng cha mẹ anh vẫn không đồng ý. Cuối cùng hai người phải chia tay, anh Lang đi tìm người con gái khác, chị Riên phải một mình nuôi con.

Kể lại chuyện buồn của cháu gái, bà Hờ Nâu (77 tuổi) không giấu được nỗi chua xót: “Mẹ con Riên mất sớm, một mình cha nó làm nương rẫy nuôi 4 đứa con, đào đâu ra số tiền lớn như thế mà bắt chồng cho nó. Người ta thách cưới cao quá mình không đáp ứng được nên phải chịu thôi. Nếu nhà bên kia thách cưới thấp xuống, mình còn xin cưới nợ được. Con gái có con mà không bắt được chồng mình buồn lắm”.

Phía bên kia con đường, trước tường nhà của ông Y Năm (43 tuổi) vẫn còn dán dòng chữ “chúc mừng hai họ”, nhưng ít ai biết rằng đứa con gái đầu của ông cũng rơi vào bi kịch nuôi con một mình.

Ngồi trò chuyện, ông bảo: “Mình mới bắt chồng cho đứa con gái nhỏ được 1 tháng. Kinh tế gia đình cũng khá giả hơn xưa, mình cũng xây được nhà, chứ hồi trước nghèo lắm. Cũng vì nghèo mà đứa con gái đầu của mình không cưới được chồng vì người ta thách quá cao. Mà hồi đó nó trót mang bầu nên phải sinh con. Sau đó, nó xấu hổ nên để đứa con cho vợ chồng mình nuôi, còn nó lên Gia Lai làm thuê kiếm sống mấy năm rồi chưa về”.

 

Theo ông Y Thanh - Chủ tịch UBND xã Ea Trol, chẳng những phải chia tay, nuôi con một mình vì hủ tục, mà đau lòng hơn, nhiều đôi trai gái đã tự tử chỉ vì không có tiền thách cưới. Ví như trường hợp anh Y Thun (31 tuổi, ở buôn Thin). Cách đây 6 năm, anh Thun có tình cảm với một cô gái ở buôn Ly nhưng gia đình anh thách cưới quá cao khiến anh và người thương không thể đến được với nhau. Đau khổ chuyện tình cảm, anh Thun đến thôn Suối Cối 2 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) thăm bà con rồi uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Ngôi nhà từ những tấm phên tre cũ nát của chị Hờ Riu.

3. Luật tục thách cưới của người đồng bào Ê Đê nơi đây, chẳng những làm khổ những đôi nam nữ, mà những đứa trẻ sinh ra cũng lớn lên trong nghèo đói, không được học hành. Con trai đầu của chị Hờ Riu là Y Lai (17 tuổi) nhưng vì nghèo nên không được đi học mà phải theo cha mẹ lên nương. 3 em gái nhỏ dù còn đi học nhưng chẳng thích thú gì với con chữ.

Chị Hờ Riu cho biết: “Đứa con lớn của mình không được đi học, mấy đứa sau thì có đến trường nhưng tụi nó cũng chán chữ lắm, vì sách vở chẳng làm cái bụng no được. Chỉ có theo người lớn lên nương làm mùa, săn bắt thú, mồi chim là vui. Trẻ con trong làng từ khi sinh ra được người lớn địu lên nương, lớn lên như cây trên rừng, như cá dưới suối chứ mấy ai được học hành đến nơi đến chốn đâu”.

Một ngày của gia đình chị Riu bắt đầu từ sáng sớm đến khi mặt trời khuất dưới núi. Mấy đứa con thích thì đi học, không thích thì theo mẹ lên nương rẫy. Từ khi chào đời đã thấy cha mẹ cơ cực nên lũ trẻ chẳng ý thức được nỗi bất hạnh mình đang chịu. Có lẽ tương lai của chúng rồi đây cũng sẽ mờ mịt, bi kịch cứ thế tiếp diễn đằng sau nỗi buồn mang tên luật tục.

Ông Y Thanh cho biết: “Số tiền thách cưới quá nhiều, đồng nghĩa với việc tổ chức đám cưới của đồng bào cũng tốn kém, lãng phí. Như vậy, thay vì thách cưới, các gia đình để số tài sản này vun đắp cho các cặp đôi thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Đằng này, các cặp đôi sau khi lấy nhau về còn nai lưng ra làm để trả nợ. Sau này, khi con cái lớn lên, rồi cưới vợ gả chồng thì họ cũng thách cưới, tiếp tục làm khổ con trẻ”.

 

Theo ông Y Thanh, bây giờ trình độ dân trí mỗi ngày được cải thiện nhưng việc bài trừ hủ tục vẫn là chuyện nan giải. Đầu năm 2014, chính quyền xã Ea Trol đã đề xuất “Mô hình không thách cưới” trình lên huyện Sông Hinh và đã được cho phép thực hiện mô hình thí điểm tại xã EaTrol. Theo đó, chính quyền xã vận động các ông bố bà mẹ có con trai cam kết sẽ không thách cưới. Sau một thời gian, đã có 22 gia đình cam kết thực hiện. Tuy nhiên, trong số này lại có nhiều trường hợp phá vỡ cam kết vì không thể bỏ được luật tục.

“Nhiều ông bố bà mẹ có con trai khi được cán bộ xã đến nhà thuyết phục vận động thì họ đồng ý sẽ không thách cưới. Tuy nhiên, khi cưới hỏi cho con trai thì họ vẫn thách cưới, thậm chí thách cưới nhiều lễ vật. Họ giải thích rằng mọi người xung quanh đều thách cưới, nếu họ không thách cưới thì sau này con gái bắt chồng sẽ không có tiền, lễ vật để nộp cho nhà trai. Nhiều người lý giải rằng họ nuôi con khôn lớn, tốn kém nhiều nhưng con trai đi ở rể cho nhà gái nên nhà gái phải bù đắp cho họ. Luật tục đã ăn sâu vào đời sống và họ tự nguyện thỏa thuận thực hiện nên mình rất khó can thiệp”, ông Y Thanh cho biết.

Ông Y Thanh cho biết thêm, song song với luật tục thách cưới, đồng bào Ê Đê nơi đây vẫn còn tồn tại luật tục chuê nuê, thường gọi là luật tục nối dây. Theo luật tục, khi người vợ qua đời, người chồng buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi, hay thậm chí là người chị vợ già hơn mình rất nhiều, miễn là người đó chưa chồng. Nếu không còn người để thay thế thì người chồng về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Ngược lại, khi người chồng mất thì anh, em trai chưa vợ được cho nối dây để giữ của cải trong gia đình. Điển hình là cha mẹ của chị Hờ Riu.

Nên đọc
Theo An ninh thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo